(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, Hoằng Hóa đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại. Đây là lĩnh vực được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện.

Hiệu quả từ những mô hình kinh doanh, dịch vụ thương mại ở Hoằng Hóa

Những năm gần đây, Hoằng Hóa đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại. Đây là lĩnh vực được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện.

Hiệu quả từ những mô hình kinh doanh, dịch vụ thương mại ở Hoằng HóaKhách hàng đến mua sắm tại Siêu thị The City, thị trấn Bút Sơn.

Goòng - Hải Tiến là một trong những tuyến đường thể hiện sự phát triển mạnh mẽ về dịch vụ - thương mại trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Dọc tuyến đường này, ngoài hàng trăm cơ sở kinh doanh thương mại của các hộ kinh doanh cá thể còn có sự hiện diện của trung tâm thương mại hiện đại - Siêu thị The City đi vào hoạt động từ năm 2021. Sự ra đời của trung tâm thương mại hiện đại này ngay tại thị trấn Bút Sơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân mà còn tạo nên diện mạo mới cho địa phương, nhân thêm cơ hội để người dân được tiếp cận và lựa chọn nhiều loại hàng hóa theo nhu cầu.

Đang chọn mua cá thu bên quầy hàng hải sản tươi sống, chị Hoàng Thị Thi, Tiểu khu Vinh Sơn, thị trấn Bút Sơn cho biết: Từ khi trên địa bàn có trung tâm thương mại hiện đại, tôi ít khi ra chợ truyền thống mà thường vào đây để mua hàng. Hàng hóa ở đây phong phú, đa dạng về chủng loại, giá cả lại ổn định. Hơn nữa, vào những hôm trời mưa bão, hoặc bận, không đi chợ được, tôi chỉ cần gọi điện đặt hàng, nhân viên siêu thị sẽ đem hàng đến tận nhà và miễn phí vận chuyển. Ông Lê Ngọc Nguyên, Giám đốc Siêu thị The City Hoằng Hóa cho biết: Tuy mới đi vào hoạt động trên địa bàn Hoằng Hóa từ tháng 7-2021 nhưng với phương châm “Luôn đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân” nên hàng hóa bày bán tại siêu thị đa dạng thuộc 5 nhóm hàng: thời trang, hóa mỹ phẩm, gia dụng (thực phẩm khô và thực phẩm tươi sống), bakery, food, và khu vui chơi. Chính vì hàng hóa phong phú, chất lượng, giá cả ổn định... nhân viên siêu thị luôn niềm nở, nhiệt tình với khách hàng, nên bình quân mỗi ngày siêu thị đón khoảng 700 lượt khách đến tham quan, mua sắm và luôn đảm bảo 500 đơn hàng xuất/ngày.

Bên cạnh hệ thống thương mại hiện đại, tiện ích, hệ thống chợ truyền thống cũng không ngừng được đầu tư, xây dựng và phát triển. Ngoài 26/26 chợ truyền thống trên địa bàn huyện được công nhận chợ an toàn thực phẩm, Hoằng Hóa có 7 chợ thực hiện chuyển đổi mô hình chợ theo Quyết định 4508 ngày 28-12-2012 của UBND tỉnh về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Những chợ sau chuyển đổi, hoạt động đi vào nền nếp và đều phát huy hiệu quả.

Chợ Quăng, xã Hoằng Lộc là chợ đầu tiên của huyện thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Ông Lê Huy Trường, Giám đốc Công ty TNHH Hoằng Lộc (đơn vị trúng thầu) - Trưởng Ban quản lý chợ Quăng cho biết: Từ khi trúng thầu đến nay, công ty đã đầu tư xây mới hệ thống ki-ốt, khu kinh doanh vãng lai, khu kinh doanh thực phẩm tươi sống... và các công trình phụ trợ khác như cải tạo lại sân, nền chợ, lối đi, hệ thống điện, cháy nổ, cấp nước sạch, hệ thống rãnh thoát nước, trồng cây xanh... với tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng. Sau 1 năm chuyển đổi mô hình quản lý, năm 2017, chợ Quăng được công nhận là chợ vệ sinh an toàn thực phẩm và số tiểu thương tham gia kinh doanh tại chợ ngày một tăng. Hiện chợ Quăng có 160 quầy kinh doanh cố định, 40 quầy kinh doanh vãng lai (kinh doanh mùa vụ). Do đây là chợ truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm tuổi và nổi tiếng là nơi mua bán sầm uất của người dân trên địa bàn huyện, vì vậy, vào ngày thường, chợ Quăng thu hút khoảng 1.000 lượt người/ngày vào chợ mua, bán trao đổi hàng hóa; ngày lễ, tết có thể lên đến 10.000 người/ngày.

Bà Lê Thị Hạnh - Tiểu thương chợ Quăng chia sẻ: Tôi kinh doanh ở chợ này đến nay đã hơn chục năm nên thấy rõ những biến đổi. Trước đây chợ rất lụp xụp, nhưng từ khi công ty vào đầu tư, cơ ngơi của chợ đã khang trang, văn minh, sạch, đẹp hơn; công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy cũng được quan tâm thực hiện tốt. Nhiều vấn đề băn khoăn, lo lắng của các tiểu thương trong chợ, đã được công ty lắng nghe và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm. Qua đó tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh yên tâm làm ăn.

Trên đây chỉ là 2 trong số hơn 7.000 cơ sở và 332 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn Hoằng Hóa, tập trung vào các lĩnh vực: du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải, kinh doanh tạp hóa, sửa chữa xe máy, xây dựng, sản xuất đồ gỗ... Các cơ sở này, ngoài đáp ứng nhu cầu mua bán, giao lưu hàng hóa của Nhân dân, hỗ trợ các ngành sản xuất khác phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động còn đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế của huyện. Năm 2021, giá trị sản xuất lĩnh vực dịch vụ - thương mại đạt 5.863 tỷ đồng, đạt 89,37% kế hoạch năm và 108,62% so cùng kỳ; tốc độ tăng trưởng 8,62%. 6 tháng đầu năm 2022, giá trị ước đạt 2.409 tỷ đồng, bằng 34,79% kế hoạch, bằng 117,62% so cùng kỳ.

Hiệu quả từ những mô hình kinh doanh, dịch vụ thương mại ở Hoằng HóaSau chuyển đổi mô hình chợ, hàng hóa tại chợ Quăng, xã Hoằng Lộc được sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các ngành thương mại - dịch vụ phát triển, huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo các phòng, ban, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hoằng Hóa cho biết: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Hoằng Hóa trở thành đô thị loại IV vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng mới khu trung tâm dịch vụ - thương mại hỗn hợp vùng tại khu vực phía Tây, thị trấn Bút Sơn; chuyển chợ Bút Sơn thành chợ đầu mối; chuyển Bến xe thị trấn về phía Bắc khu đô thị mới trên trục cầu Bút Sơn - Hoằng Vinh, gắn kết với khu đô thị mới; quỹ đất chợ hiện tại của thị trấn sẽ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ với kiến trúc hiện đại, cao tầng tạo điểm nhấn cho khu đô thị; xây dựng, mở rộng và phát triển các điểm thương mại tại các trung tâm cụm xã: Hoằng Giang, Hoằng Hà, Hoằng Tân; xây dựng các trung tâm thương mại cấp vùng tại khu vực đầu mối cửa ngõ như: thị trấn Bút Sơn, đô thị Hải Tiến, đô thị Phú Quý, đô thị Thịnh Lộc và đô thị Thanh Ngọc; hình thành mạng lưới các cửa hàng, điểm mua, tiêu thụ và bán hàng tại các thôn, xóm, cụm dân cư; thực hiện quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn theo Quyết định 4388, ngày 9-11-2016 của UBND tỉnh. Tiếp tục duy trì, cải tạo, nâng cấp các chợ hạng 2, hạng 3 hiện có; xây mới 4 chợ hạng 3; bố trí chợ đầu mối nông sản tại xã Hoằng Thịnh; xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn, đặc biệt khu trung tâm; bổ sung thêm "chợ du lịch kết hợp khu ẩm thực” tại Khu du lịch Hải Tiến... Hy vọng rằng, với hướng đi này, trong tương lai không xa, hạ tầng dịch vụ - thương mại trên địa bàn Hoằng Hóa sẽ phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, xứng tầm là đô thị loại IV vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030.

Bài và ảnh: Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]