(vhds.baothanhhoa.vn) - Được vay vốn lãi suất 0% theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là niềm vui lớn, giúp nhiều doanh nghiệp có thể gắng gượng duy trì hoạt động. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp, ngành nghề chưa được tiếp cận gói hỗ trợ này.

Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch: Gỡ khó cho doanh nghiệp

Được vay vốn lãi suất 0% theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là niềm vui lớn, giúp nhiều doanh nghiệp có thể gắng gượng duy trì hoạt động. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp, ngành nghề chưa được tiếp cận gói hỗ trợ này.

Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch: Gỡ khó cho doanh nghiệpCông ty May Hoàng Sơn (thôn 6, xã Thọ Cường, Triệu Sơn) chưa có nhu cầu vay vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 68 do vẫn đang duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định.

Niềm vui

Công ty CP Xây lắp điện và dịch vụ điện Tín Nghĩa (Thường Xuân) là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất 0% theo Nghị quyết 68. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty luôn duy trì 25 công nhân. Từ đầu tháng 5-2021 đến nay, 12 công nhân đã phải ngừng việc. Nhờ được giải ngân cho vay nguồn vốn hơn 110 triệu đồng để trả lương cho 12 người lao động ngừng việc trong thời hạn 1 năm và không cần tài sản bảo đảm, là cơ hội để công ty bước đầu khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Được biết, ngoài Công ty CP Xây lắp điện và dịch vụ điện Tín Nghĩa, còn có Công ty CP Dạ Lan (TP Thanh Hóa), HTX Nông nghiệp Quảng Phú (huyện Thọ Xuân), Công ty CP Dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam (huyện Thọ Xuân), Công ty TNHH Xây dựng, thương mại Toàn Thắng (huyện Thường Xuân) đã được Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh xác nhận danh sách người lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ngay sau Công ty CP Xây lắp điện và dịch vụ điện Tín Nghĩa, Công ty CP Dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam cũng đã được giải ngân vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 68. Dịch COVID-19 khiến công ty này gặp rất nhiều khó khăn, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm bán ra đều bị ngưng trệ, nhiều dây chuyền sản xuất phải tạm dừng hoạt động, hơn 100 lao động bị ngừng việc. Để duy trì nguồn nhân lực chờ dịch bệnh được kiểm soát, công ty vẫn phải chi trả lương đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Ông Hoàng Văn Thiệu, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam, cho biết: Nhờ chính sách của Nhà nước, gói hỗ trợ nhanh chóng được đến tay doanh nghiệp. Ngay sau khi nhận số tiền giải ngân gần 1 tỷ đồng, chúng tôi đã tiến hành chi trả lương cho 108 người lao động bị ngừng việc trong các tháng 5-6-7 năm 2021.

Ông Vũ Văn Vĩnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Phú - một trong số 5 đơn vị được giải ngân vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 68, đánh giá: “Đây là chính sách cần thiết, góp phần động viên doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tôi hy vọng, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ để sớm ổn định sản xuất, giúp người lao động có việc làm”.

Chia sẻ về việc gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Hoàn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân, cho biết: Trên địa bàn huyện có 222 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, với tổng số 6.451 lao động tham gia đóng BHXH bắt buộc. Nhờ kịp thời rà soát, nắm được nhu cầu, nguyện vọng của các doanh nghiệp trên cơ sở đối chiếu các điều kiện được cho vay, đơn vị đã cử cán bộ đến doanh nghiệp, trực tiếp hướng dẫn làm hồ sơ, đảm bảo chính sách hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến doanh nghiệp, đúng đối tượng. Qua rà soát có 173/175 doanh nghiệp (có từ 5 lao động trở lên) chưa có nhu cầu vay để trả lương do vẫn đang duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định. Chỉ có 2 doanh nghiệp đăng ký vay vốn trả lương cho lao động ngừng việc và đã được giải ngân.

Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước trước những khó khăn chung của đất nước do đại dịch COVID-19.

Và những chờ đợi

Vận tải hành khách bị tê liệt hoàn toàn do dịch COVID-19, đó là khẳng định của ông Lê Xuân Long, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa. Để dẫn chứng điều đó ông chỉ cho chúng tôi hàng loạt xe ở bãi gửi xe đang được tháo dỡ ra sửa chữa. “Năm 2020 tình hình dịch bệnh ở Thanh Hóa được kiềm chế tốt, ảnh hưởng không nhiều đến hoạt động vận tải, vì thế các đơn vị vẫn cầm cự được. Nhưng đến đợt bùng phát thứ 4 (từ 27-4 đến nay), các doanh nghiệp vận tải hành khách trong tỉnh hiện đang bị tê liệt. Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hoạt động cầm cự do chủ trương của tỉnh thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng phải cắt giảm 50-60% số lượng xe, doanh thu chỉ đạt 20-30% so với cùng kỳ năm 2020. Vận tải hàng hóa chỉ đạt 40-50%. Doanh thu kém, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách đang vay nợ ngân hàng, vì thế đã tạm dừng không hoạt động, công nhân mất việc làm", ông Lê Xuân Long cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Long các điều kiện vay vốn vẫn đang là rào cản khiến các doanh nghiệp vận tải chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ lần này. Theo Nghị quyết 68, doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội mức lãi suất 0% với điều kiện phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch. Đồng thời, không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. Trong khi thực tế, Thanh Hóa không thuộc tỉnh, thành phải thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Dù khó khăn nhưng hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đã cố gắng giữ chân người lao động bằng cách nộp đầy đủ bảo hiểm. Các chính sách vay vốn ngân hàng bị hạn chế, muốn vay thì bị nhảy nhóm, không cơ cấu được. Vì thế hầu hết các đơn vị vận tải không tiếp cận được chính sách này.

Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch: Gỡ khó cho doanh nghiệpẢnh hưởng dịch Covid-19, hàng loạt xe thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa dừng hoạt động.

Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải hành khách và Thương mại du lịch Hải Định (xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn) chia sẻ: “Chúng tôi có 18 xe khách chạy các tuyến đường dài. Trước dịch COVID-19, mỗi ngày có 2-3 chuyến/tuyến, nhưng từ năm 2020 đến nay, hàng loạt xe của công ty đều hoạt động cầm chừng, liên tục phải nghỉ do dịch. Đặc biệt, năm 2021, hầu hết các xe nghỉ từ 30-4 đến nay, nhúc nhắc vài xe chạy đến hết tháng 5 rồi nghỉ hẳn. Xe nghỉ chạy nên người lao động mất việc làm. Ngừng hoạt động, không có nguồn thu nhưng mỗi tháng công ty vẫn phải chi phí cả trăm triệu đồng cho việc bảo dưỡng, sửa chữa xe và trả lương cho 6 lao động”... Bà Hải bày tỏ mong muốn sớm được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp phần nào vơi bớt khó khăn.

Nhìn thấy những khó khăn của Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa, ông Lê Xuân Long cho rằng: “Nghị quyết 68 với những chính sách rất kịp thời tạo nên luồng không khí phấn khởi cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, nếu được đề nghị, tôi mong rằng các cấp, ngành chức năng cần nới rộng đối tượng ưu tiên để chính sách đến được nhiều hơn với người lao động và người sử dụng lao động. Nếu chỉ hỗ trợ cho người lao động đang tham gia nộp BHXH bắt buộc đồng nghĩa chính sách hỗ trợ bỏ qua đối tượng người lao động đang trong giai đoạn thử việc, lao động thời vụ. Vì thế nếu được xem xét nên bổ sung đối tượng được thụ hưởng chính sách là người lao động phải nghỉ việc thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như vận tải, du lịch, và người lao động trong giai đoạn thử việc, lao động thời vụ”.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, đi trúng đối tượng thụ hưởng có thể còn cần những sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, từng nhóm ngành. Song, hơn lúc nào hết, cần phải khẳng định, Nghị quyết 68 bước đầu đã nhen lên nhiều hy vọng với người lao động và người sử dụng lao động.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]