Cây mắc ca trên vùng đồi Thượng Ninh
Là cây trồng mới, không phụ công chăm sóc của người nông dân, cây mắc ca trên vùng đồi xã Thượng Ninh, tỉnh Thanh Hóa sinh trưởng, phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho lao động địa phương và trở thành sản phẩm đặc sản trên vùng đất khó.
Cây mắc ca được trồng trên vườn đồi Thượng Ninh.
Những người tiên phong...
Những ngày tháng 7, khu vườn mắc ca của gia đình anh Đỗ Trọng Học, chị Phạm Thị Thu, thôn Vân Hòa, xã Thượng Ninh xanh mướt, lúc lỉu quả chờ đến mùa thu hoạch. Dưới tán cây mắc ca, những bầu ong được sắp xếp thẳng hàng, chờ đợi mùa mật ngọt. Mắc ca cho thu hoạch rộ nhất vào trung tuần tháng 7 đến hết tháng 9 dương lịch, vì vậy thời điểm này, anh Học, chị Thu đã chuẩn bị dụng cụ, vệ sinh máy móc, chuẩn bị nhân lực...
Cây mắc ca chuẩn bị cho thu hoạch.
Anh Đỗ Trọng Học, sinh năm 1986, từng tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, còn chị Phạm Thị Thu, sinh năm 1987, tốt nghiệp khoa sư phạm Toán, Trường Đại học Hồng Đức. Không theo ngành nghề đã được đào tạo, hai vợ chồng rẽ ngang và quyết định về quê gắn bó với núi đồi. “Làm công việc gì cũng được, miễn là có ích và mang lại giá trị cho bản thân và cộng đồng xã hội”, anh Học chia sẻ. Qua tìm hiểu sách báo, internet, chương trình “Bạn nhà nông” trên Kênh VTV2, anh Học và chị Thu ấn tượng với mô hình trồng cây mắc ca ở Tây Nguyên. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, ít sâu bệnh, khai thác nhiều năm, giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo công ăn việc làm cho lao động thời vụ, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nghĩ là làm, cả hai vợ chồng quyết tâm học hỏi, đi các vùng trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Thạch Thành. Và những cây mắc ca đầu tiên đã được trồng trên khu vườn đồi của gia đình. Sau 4 năm, năm 2016, cây cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Vốn “đỏng đảnh”, quá trình chăm sóc để cây cho hạt đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu tư lớn, người trồng phải có kinh nghiệm. Không phụ công chăm sóc của người trồng, mắc ca phù hợp đất đồi cứ vậy lớn lên. Trung bình mỗi cây mắc ca cho thu hoạch từ 5 - 10kg quả tươi, giá trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg; giá bán trung bình sau khi sấy khô là 280.000 - 300.000 đồng/kg.
Để cây trồng hiệu quả
Nhận thấy hiệu quả tiềm năng của mắc ca, gia đình anh Học đầu tư, mở rộng diện tích trồng lên 5ha với 1.500 cây; mỗi năm cho thu hoạch từ 2,5 - 3 tấn quả tươi/ha. Năm 2022, anh Đỗ Trọng Học thành lập Hợp tác xã (HTX) mắc ca Thành Phát nhằm gắn kết những hội viên, người trồng mắc ca khu vực lân cận và vùng miền núi xứ Thanh. Từ 12 thành viên, với diện tích trồng mắc ca 10ha, hiện nay, HTX mắc ca Thành Phát gồm 25 thành viên, diện tích trồng mắc ca hơn 50ha. Ngoài ra, với tư cách là giám đốc HTX, anh đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP.
Vợ chồng anh Đỗ Trọng Học và chị Phạm Thị Thu là những người đầu tiên trồng cây mắc ca ở xã Thượng Ninh.
Quả ngọt đã đơm hoa kết trái từ những bàn tay cần mẫn, trí óc luôn tìm tòi kỹ thuật mới. Không chỉ gia đình anh, các gia đình trong HTX đã có thu nhập tốt. Những sản phẩm được tạo nên từ quả mắc ca ngày càng phong phú đa dạng hơn: mắc ca sấy hạt, tách hạt, mật ong mắc ca, tinh dầu mắc ca, rượu mắc ca... đã và đang được thị trường ưa chuộng. Đến nay, HTX mắc ca Thành Phát là địa chỉ để nhiều người thân, bạn bè đến tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ, bình yên và thưởng thức các sản phẩm từ vườn đồi.
Cũng như gia đình anh Học và chị Thu, gia đình bà Lường Thị Phán, thôn Vân Hòa, xã Thượng Ninh cũng đã lựa chọn cây mắc ca trồng trên đất đồi để thay thế cho cây trồng không hiệu quả trước đây. Với diện tích 2ha, đến nay mắc ca đã sinh trưởng và phát triển được hơn 3 năm. Bà Phán phấn khởi vì đây là lứa mắc ca đầu tiên, hứa hẹn đem lại hiệu quả cho những năm về sau. Được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, ổn định đầu ra cho sản phẩm là những gì bà Phán cũng như nhiều hộ dân trồng mắc ca trên vùng đồi Thượng Ninh mong muốn để yên tâm khi trồng.
Các sản phẩm của HTX mắc ca Thành Phát.
Theo tìm hiểu, cây mắc ca có nguồn gốc từ Australia và bắt đầu du nhập, trồng ở Việt Nam từ những năm 1990. Tại Thanh Hóa, cây mắc ca được trồng nhiều ở các huyện (cũ) Thạch Thành, Như Xuân, Quan Hóa, Ngọc Lặc. Trên vùng đất Thượng Ninh đang từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó chuyển đổi một phần những loại cây kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế. Mắc ca là loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được lựa chọn để khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích cây trồng, góp phần giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, phát huy thế mạnh của địa phương.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2025-07-02 14:29:00
Búp bê Labubu - từ quái vật vô danh thành "cỗ máy in tiền”
-
2025-06-28 20:01:00
Nâng tầm sản phẩm địa phương thành thương hiệu quốc gia
-
2025-06-27 17:43:00
Ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng tầm sản phẩm OCOP
Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ
Phát triển hợp tác xã đa ngành, đa dịch vụ
Cô gái gen Z đưa nem chua xứ Thanh “lên sóng”
Trưởng Dự án Net Zero Vinamilk: Kết hợp sản xuất, năng lượng và công nghệ để “chuyển đổi xanh”
Kỳ vọng ở những sản phẩm OCOP được nâng sao