(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ gỡ khó cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ còn có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch: Cơ hội nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động

Không chỉ gỡ khó cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ còn có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch: Cơ hội nâng cao kỹ năng nghề cho người lao độngNghị quyết 68 tạo điều kiện cho người lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, thị trấn Nga Sơn đóng gói sản phẩm.

Làm chắc “chiếc cần câu”

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68 nêu rõ: “Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ Luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người/ tháng và thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1-7-2021 đến hết 30-6-2022".

Sau Nghị quyết 68, tại Chương 3 Quyết định số 23/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cũng nêu: Chi trả trực tiếp cho người sử dụng lao động theo phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề được phê duyệt. Trong 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xem xét, quyết định việc hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ thì Sở LĐ-TB&XH trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chuyển một lần toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động; trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động thực hiện việc chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo theo phương án đã được phê duyệt.

Không chỉ thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định Nghị quyết 68, tại Thanh Hóa, chính sách an sinh xã hội đối với người lao động cũng được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào ngày 17-8, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu: “Các cấp, các ngành, các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch để không bị khủng hoảng về an sinh xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68; đồng thời xây dựng, triển khai phương án cụ thể để tạo điều kiện cho trên 16.500 lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly được học nghề, tham gia làm việc tại các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn”...

Doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải chủ động

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 18-8-2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 211 lao động của 13 đơn vị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 5 đơn vị đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc đối với 289 lao động; mới có 2 doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc cho lao động; chưa có doanh nghiệp- người sử dụng lao động nào có văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Trao đổi với ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Xây lắp điện và dịch vụ điện Tín Nghĩa có trụ sở tại xã Lương Sơn (Thường Xuân) - một trong hai doanh nghiệp đã được hỗ trợ vay vốn, cho biết: “Khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Tín Nghĩa có tất cả 25 lao động. Tuy nhiên, sau gần 2 năm cố gắng cầm cự, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp phải chấp nhận cho 12 lao động tạm ngừng việc nhưng vẫn được đóng bảo hiểm và hưởng lương 2.700.000 đồng/người/tháng. Sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, doanh nghiệp đã làm hồ sơ, được hỗ trợ vay 110.520.000 đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động”.

Nói về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, ông Lê Văn Nghĩa cho rằng: “Một trong những tiêu chí để được nhận hỗ trợ là phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ Luật Lao động. Với mục tiêu hiện tại là duy trì hoạt động để vượt qua đại dịch thì đây thực sự là tiêu chí không đơn giản”.

Tương tự, bà Phạm Thị Mỳ, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng đóng trên địa bàn thôn Phú Hưng, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, cho biết: “Đối với lao động thủ công làm việc tại các doanh nghiệp như Mỳ Quảng thì việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề là cần thiết. Tuy nhiên, do đặc thù, hầu hết lao động làm việc trực tiếp tại công ty chủ yếu là người địa phương, vì nhiều lý do nên không được nhận vào các doanh nghiệp may mặc, giầy da, đã có tuổi và làm việc không thường xuyên, liên tục. Là người sử dụng lao động, tôi thấy Nghị quyết 68 thực sự là một chính sách tốt, nhưng nếu đối chiếu các tiêu chí theo quy định với thực tế của doanh nghiệp lại không phù hợp”.

Theo bà Phạm Thị Phương Hoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Nghị quyết 68 với những chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động là kịp thời và ý nghĩa. Trong đó, việc hỗ trợ kinh phí cho người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nếu có thể triển khai thì thực sự sẽ mang lại “hiệu quả kép”. Bởi khi người lao động được nâng cao trình độ tay nghề, sẽ quay trở lại cống hiến, phát triển hoạt động sản xuất. Song thực tế, có những tiêu chí theo quy định mà doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại rất khó có thể đáp ứng.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng: “Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 72 cơ sở đào tạo nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp, trung tâm, cơ sở khác, doanh nghiệp) đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 68, người sử dụng lao động phải chủ động với những kế hoạch, mục tiêu cụ thể, còn người lao động chính là đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Nếu xét về lâu dài, đây là bài toán mà nếu làm tốt, cả người lao động và người sử dụng lao động đều sẽ được hưởng lợi”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]