(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc hóa vàng mã từ lâu đã gắn chặt trong đời sống tâm linh của người Việt, nhất là vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm (Lễ Vu Lan). Vào ngày này, không ai bảo ai, nhà nhà mua sắm và đốt vàng mã với tấm lòng thành kính báo hiếu đấng sinh thành, ông bà tổ tiên. Đây là nét đẹp truyền thống thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tuy nhiên, tục này đang bị lạm dụng bởi tình trạng đốt quá nhiều hàng mã, gây lãng phí, tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường.

Hóa hàng mã ... Đốt tiền thật

Việc hóa vàng mã từ lâu đã gắn chặt trong đời sống tâm linh của người Việt, nhất là vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm (Lễ Vu Lan). Vào ngày này, không ai bảo ai, nhà nhà mua sắm và đốt vàng mã với tấm lòng thành kính báo hiếu đấng sinh thành, ông bà tổ tiên. Đây là nét đẹp truyền thống thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tuy nhiên, tục này đang bị lạm dụng bởi tình trạng đốt quá nhiều hàng mã, gây lãng phí, tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường.

Hóa hàng mã ... Đốt tiền thật

Nhộn nhịp thị trường hàng mã

Từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch, các cửa hàng, quầy tạp hóa, đại lý chuyên kinh doanh vàng mã từ thành thị đến nông thôn đã nhộn nhịp cảnh bán mua. Đang lựa chọn bộ hàng mã tại đại lý Huyền Hồng ở địa chỉ số 06 và số 10, đường Trường Thi, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) về hóa cho bố chồng quá cố, chị Hoàng Thị Liệu, phường Nam Ngạn cho biết: Rằm tháng 7 là dịp để báo hiếu cha mẹ, ông bà tổ tiên. Vào ngày này, gia đình tập trung con cháu chuẩn bị mâm cỗ. Sau khi cúng lễ xong sẽ hóa hàng mã, gồm: vàng, tiền, quần áo, giày dép và những vật dụng cần thiết được làm bằng giấy dành cho người đã khuất.

Anh Lê Văn Trung, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) cũng đang lựa chọn tại một cửa hàng để mua sắm cho gia tiên những bộ quần áo và các đồ dùng hàng mã mà anh cho là cần thiết. Anh chia sẻ: “Rằm tháng 7 là dịp thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ tổ tiên, do đó phải mua đầy đủ từ quần áo, đồ dùng đến tiền vàng. Nghĩa là, trên trần có thứ gì, tôi sẽ sắm cho ông bà tổ tiên đầy đủ. Việc mua sắm này, nói là lãng phí nhưng không thể bỏ được”. Với suy nghĩ này, anh Trung đã bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua hàng mã.

Còn bà Phạm Thị Hằng, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) cho rằng: “Tục đốt vàng mã cho người đã khuất tồn tại từ nhiều đời nay. Mặc dù không hiểu lắm về ý nghĩa ngày “xá tội vong nhân” nhưng cứ theo tục lệ, tôi chọn mua thật nhiều vàng mã với tâm niệm để người âm được đủ đầy cả năm”.

Theo chủ một số cơ sở kinh doanh hàng mã trên địa bàn tỉnh như: Đại lý Huyền Hồng, địa chỉ số 06 và số 10, đường Trường Thi, phường Trường Thi; cửa hàng vàng mã Thủy Hợi, phường Long Anh (TP Thanh Hóa), quầy kinh doanh tạp hóa và hàng mã Nguyễn Thị Bích, chợ Bút Sơn, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa)..., tuy chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, giá các loại hàng mã có tăng một chút so với mọi năm, nhưng lượng khách hàng vẫn không hề sụt giảm. Giá bán các loại quần áo hàng mã đại trà khoảng 30.000 - 50.000 đồng/1 tập 5 bộ; 100 nghìn đồng/5 bộ gồm đầy đủ quần áo, mũ nón, giày dép, tùy kiểu dáng và chất liệu giấy. Nếu là những bộ có thiết kế đặc biệt tinh xảo gần giống hàng thật thì có giá từ 100 nghìn đồng/bộ trở lên.

Hóa vàng mã... thế nào cho đúng?

Cũng theo các chủ cơ sở kinh doanh hàng mã, một bộ lễ đầy đủ dành cho người đã khuất (quần áo, nón mũ, dép guốc, tiền vàng, tivi, tủ lạnh...) loại bình dân có giá 300 - 500 nghìn đồng, loại cao cấp lên đến hàng triệu đồng. Nếu chỉ tính trung bình mỗi gia đình chỉ cần mua một bộ lễ đầy đủ loại bình dân, thì chỉ một mùa Lễ Vu Lan, số tiền hóa khói đã là rất lớn.

Xung quanh việc tiêu thụ và đốt vàng mã dịp Lễ Vu Lan, Đại đức Thích Tâm Chính, Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Trụ trì chùa Khánh Quang, thị xã Bỉm Sơn, chia sẻ: “Từ năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi đồng bào phật tử không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Rồi các phương tiện truyền thông cũng kêu gọi không đốt vàng mã, làm cho dư luận đã thực tâm chú ý. Thực tế, tại chùa Khánh Quang, thầy luôn sẻ chia, hướng nguyện cho bà con phật tử và Nhân dân khi đến chùa, thể hiện hạnh hiếu tùy tâm, không nên mua vàng mã rồi đốt vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng môi trường. Đến nay, cơ bản Nhân dân khi đến chùa đã chấp hành tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa thể bỏ ngay được. Vì vậy, thầy mong muốn mọi người chấp hành chủ trương chung, không lạm dụng và đốt vàng mã, nhất là dịp Lễ Vu Lan”.

Hóa hàng mã ... Đốt tiền thật

Chị Lê Thị Diệp, xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, chia sẻ: "Trước đây, khi chưa đi chùa, tôi mua rất nhiều vàng mã. Nhưng từ khi đến chùa, nghe sư thầy giảng về sự lãng phí khi đốt vàng mã cũng như ảnh hưởng đến môi trường, mấy năm gần đây, cúng rằm tháng 7, tôi mua hoa quả và làm một mâm cơm, kèm theo là một tập tiền, vàng mã tượng trưng dâng lên tổ tiên với lòng thành kính. Quan điểm của tôi là nên thành tâm làm mâm cơm chay, hoa quả vào những ngày phổ độ gia tiên. Nên sống tốt với ông bà, cha mẹ, anh em khi còn sống. Khi họ khuất rồi thì nên làm từ thiện, phóng sinh, giúp được gì cho người nghèo, người khổ thì giúp. Như thế là đã báo hiếu ông bà, cha mẹ, không nhất thiết phải đốt nhiều vàng mã”.

Hóa vàng mã vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, như một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm, một cách thức để con người bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, nguồn cội. Tuy vậy, nhiều người đã lạm dụng, mê tín, dùng tiền thật mua quá nhiều hàng mã, gây tốn kém, lãng phí cho gia đình, xã hội và là nguy cơ gây cháy nổ, tác động tiêu cực đến môi trường...

Bài và ảnh: Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]