(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước nỗi đau mà số phận đã “gieo” bất hạnh vào cuộc đời của mình, những người khuyết tật (NKT) chỉ có thể đối diện và chấp nhận. Nhưng không vì thế mà họ sống mỏi mòn.

Hoa nở giữa đời thường: Vượt lên nỗi đau

Trước nỗi đau mà số phận đã “gieo” bất hạnh vào cuộc đời của mình, những người khuyết tật (NKT) chỉ có thể đối diện và chấp nhận. Nhưng không vì thế mà họ sống mỏi mòn.

Hoa nở giữa đời thường: Vượt lên nỗi đauHơn 15 năm qua, thầy giáo khuyết tật Lê Hữu Tuấn đã truyền cảm hứng học tập cho hàng nghìn học sinh.

Câu chuyện của đôi vợ chồng khuyết tật

Sau hơn 5 năm kết hôn, căn nhà của đôi vợ chồng khuyết tật Lê Quang Mẫn và Nguyễn Thị Luyến sống tại khu Lý Yên, thị trấn Quán Lào (Yên Định) tiếp tục đón thêm thành viên mới, cô con gái thứ 2 mới chào đời chưa đầy một tháng, nhỏ nhắn và đáng yêu.

Kể về cuộc hôn nhân nhiều thách thức của mình, chị Nguyễn Thị Luyến nhớ lại: “Cả tôi và chồng đều bị khuyết tật vận động (chị Luyến bị teo cơ một bên tay, một bên chân; chồng chị bị teo cơ cả hai chân) do di chứng để lại của những cơn sốt cao khi còn nhỏ. Chúng tôi gặp nhau trong Hội thi Tiếng hát NKT toàn quốc lần thứ nhất (năm 2014) khi đại diện cho NKT tỉnh Thanh Hóa tham gia. Từ tiếng hát đến đồng cảm tâm hồn mà nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên, chuyện tình yêu của những NKT không được hai bên gia đình ủng hộ, cha mẹ và mọi người không tin chúng tôi có thể giống như các cặp đôi bình thường khác, lo được cho nhau khi xây dựng gia đình. Song, vượt qua mọi rào cản, cuối cùng một đám cưới giản đơn nhưng ấm áp cũng diễn ra vào năm 2016”.

Sau khi kết hôn, do cả hai bên gia đình đều khó khăn, đôi vợ chồng trẻ quyết định vay mượn để xây dựng, mở cửa hàng bán đồ gia dụng với số vốn 50 triệu đồng. Tình cờ, họ là nhân vật trong chương trình “Hôm nay ai đến” của Đài Truyền hình Việt Nam. Khi chương trình phát sóng, may mắn đã mỉm cười khi có một đầu mối đồ gia dụng lớn ở Hà Nội đã liên lạc, hỗ trợ đôi vợ chồng khuyết tật trẻ toàn bộ chi phí làm biển, bảng quảng cáo và cho nợ toàn bộ tiền hàng hóa. Nhờ đó, việc kinh doanh thêm thuận lợi, lại được người dân ủng hộ, chỉ trong thời gian ngắn, vợ chồng chị Luyến không những trả được nợ, tự chủ cuộc sống mà còn mở rộng quy mô, tuyển cộng tác viên bán hàng qua mạng internet (chủ yếu là bạn bè trong cộng đồng NKT).

Từ năm 2018, nắm bắt xu hướng công nghệ thông tin phát triển, chị Luyến và chồng chuyển việc kinh doanh đồ gia dụng sang bán hàng sim, thẻ điện thoại, làm đại lý cho các nhà mạng. Chia sẻ về công việc kinh doanh hiện nay, chị cho biết: “Do tôi đã học 4 năm đại học chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng nên cũng có chút kiến thức về lĩnh vực kinh doanh nói chung. Việc bán hàng sim, thẻ khắc phục được hạn chế không thuận tiện di chuyển của vợ chồng tôi. Đến nay, hoạt động kinh doanh đã khá ổn định, mỗi tháng trừ mọi chi phí, thu nhập bình quân của vợ chồng được khoảng 20 triệu đồng, đảm bảo trang trải cuộc sống gia đình và có một khoản nhỏ tích lũy khi có việc cần dùng đến”.

Bằng tình yêu, nỗ lực và trách nhiệm, vợ chồng NKT Lê Quang Mẫn và Nguyễn Thị Luyến đã viết lên “bài ca” hạnh phúc cho chính gia đình nhỏ của mình và lan tỏa niềm tin, năng lượng sống tích cực đến người xung quanh.

Thắm và giấc mơ xây dựng thương hiệu thời trang của chính mình

Khác với sự buồn bã những ngày đầu Phạm Thị Thắm ở phố Phú, phường Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) bị liệt hai chân. Thời điểm chúng tôi đến gặp, em tươi cười và căng tràn sức sống bên trong cửa hàng may, thiết kế thời trang của mình.

Sau khi quyết định dừng đến trường, Thắm bắt đầu đi học và làm thợ thêu suốt 12 năm. “Công việc này mang lại cho em thu nhập trung bình 3 triệu đồng/tháng, nhưng chủ yếu lấy hàng về nhà làm, ít tiếp xúc nên rất buồn. 25 tuổi, em quyết định từ bỏ, rồi chuyển sang học nghề may. Người ta cứ nghĩ, khuyết tật chân thì sao có thể làm nghề này, nhưng em sẽ chứng minh cho mọi người thấy, không gì là không thể”, Thắm chia sẻ.

Thắm thử thách mình bằng việc tham gia lớp học may dành cho người bình thường, chấp nhận đi phụ việc 1 năm không lương, sau đó ra Hà Nội rèn luyện kỹ năng, chuyên sâu về may váy và vest. Năm 2018, Thắm bắt đầu mở cửa hàng may thời trang. Ban đầu, khác với sự háo hức của cô chủ, quán vắng khách, người ta không tin cô gái khuyết tật vận động có thể may và nếu đưa vải may đồ, bị hỏng thì lấy gì để bắt đền. Tháng đầu tiên, Thắm chỉ kiếm được có 600 nghìn đồng. Nhưng Thắm không nản lòng.

Sau ba năm, cửa hàng may thời trang không chỉ nhộn nhịp khách ra vào, Thắm còn nhận dạy nghề cho người có nhu cầu. Không chỉ vậy, Thắm nhận mình là “dân kỹ thuật”. Bởi, em tự mình thiết kế và cắt các mẫu rập bán cho các xưởng may. Ngoài cửa hàng thời trang, Thắm còn có một trang Facebook có tên “Tiệm may Thắm ngố thời trang thiết kế”. Thông qua trang Facebook, khách hàng xem, đặt mẫu. Thắm thiết kế mẫu rập và gửi qua đường bưu điện cho khách. Cứ như vậy, cô Thắm 30 tuổi giờ đây yêu đời và tràn đầy tự tin: “Công việc mang lại cho em thu nhập, niềm vui và những người bạn. Em không còn thời gian để buồn và suy nghĩ về những chuyện buồn nữa. Em mong, sẽ từng bước mở rộng hoạt động của tiệm may, xây dựng được thương hiệu thời trang của riêng cá nhân, sản phẩm của Tiệm may Thắm ngố sẽ góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt”.

Thầy giáo khuyết tật có hàng nghìn học sinh

Nhắc đến thầy giáo khuyết tật Lê Hữu Tuấn ở xã Đông Thịnh (Đông Sơn) nhiều người hẳn đã quen tên, biết mặt. 8 tuổi cậu bé Tuấn đột ngột bị liệt hai chân, bác sĩ chẩn đoán là chứng bệnh “Viêm tủy cắt ngang”. Ngay cả các giáo sư, tiến sĩ y khoa xương khớp hàng đầu cả nước cũng lắc đầu trước căn bệnh. Mọi nỗ lực của bản thân và gia đình anh Tuấn khi ấy đều không mang lại kết quả.

Bù lại cậu bé Tuấn từ nhỏ đã nổi bật với các môn học tự nhiên. Dù không thể thường xuyên đến trường, song ở các cấp học, Tuấn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tốt nghiệp THPT, Tuấn tham gia kỳ thi tuyển sinh chương trình đào tạo công nghệ thông tin chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức. Vượt qua nhiều vòng thi, Tuấn xuất sắc đạt số điểm cao nhất trong số 15 thí sinh được chọn.

Hoa nở giữa đời thường: Vượt lên nỗi đauDù đôi chân không thể cử động, Phạm Thị Thắm vẫn nỗ lực từng ngày để trở thành một thợ may, nhà thiết kế thời trang.

Ra trường, trong thời gian đợi để về làm việc tại Sở Lao động - Thương binh và xã hội, anh Tuấn lấy vợ và bén duyên với việc dạy học: “Ban đầu tôi chỉ dạy một số cháu trong gia đình. Sau đó các cháu rủ bạn bè đến học mỗi ngày đông hơn. Nhận thấy nghề giáo hợp với hoàn cảnh của mình, tôi quyết định ở nhà dạy học”.

Với tài năng, tâm huyết, lớp học của thầy giáo Lê Hữu Tuấn mỗi ngày thêm đông học sinh cấp THPT. Có thời điểm, một lớp cả trăm em, không còn chỗ ngồi. Mọi ngày trong tuần đều kín lịch. Tính đến nay, con đường dạy học của thầy giáo Tuấn đã đi được 15 năm với hàng nghìn học sinh. Nhiều học sinh của anh đã trở thành bác sĩ, công an, kỹ sư...

Không đầu hàng số phận nghiệt ngã, là ý chí mà nhiều NKT đã và đang lựa chọn để khẳng định năng lực bản thân và khát khao được cộng đồng, xã hội thừa nhận.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]