(vhds.baothanhhoa.vn) - Tham gia phong trào hội, được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay, nhiều hội viên nông dân huyện Quan Hóa đã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương thông qua nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. Qua triển khai những mô hình này, các cấp hội nông dân huyện Quan Hóa cũng đã trở thành mái nhà chung, nơi hỗ trợ hội viên vươn lên xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện, nâng cao thu nhập.

Hội viên nông dân huyện Quan Hóa nỗ lực làm giàu

Tham gia phong trào hội, được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay, nhiều hội viên nông dân huyện Quan Hóa đã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương thông qua nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. Qua triển khai những mô hình này, các cấp hội nông dân huyện Quan Hóa cũng đã trở thành mái nhà chung, nơi hỗ trợ hội viên vươn lên xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện, nâng cao thu nhập.

Hội viên nông dân huyện Quan Hóa nỗ lực làm giàuCán bộ Hội Nông dân huyện Quan Hóa thăm mô hình sản xuất cá dốc giống của hội viên Hà Văn Khường ở bản Pượn, xã Trung Sơn.

Những nông dân tiên phong làm mô hình kinh tế

Có diện tích ao khá lớn, xong trước đây ông Hà Văn Khường (60 tuổi) ở bản Pượn, xã Trung Sơn (Quan Hóa) thường để hoang, hoặc chỉ nuôi cá phục vụ nhu cầu gia đình. Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, mà trực tiếp là cán bộ hội nông dân xã, ông đã thay đổi suy nghĩ và quyết định cải tạo ao nuôi để sản xuất cá giống bán ra thị trường từ khoảng 5 năm nay. Quá trình làm ao nuôi, ông Khường đã tận dụng suối Pượn tạo dòng chảy để nuôi cá dốc bố mẹ. Bằng kinh nghiệm tích lũy qua hàng chục năm và hướng phát triển kinh tế gắn với thị trường tiêu thụ, ông đã cung ứng hàng chục nghìn con cá dốc giống ra thị trường mỗi năm, với giá trị mỗi con từ 3 - 15 nghìn đồng. Khách hàng mua cá giống của ông không chỉ có người dân trong huyện mà cả ở tỉnh Hòa Bình. Hai năm nay ông còn bán hàng online qua mạng internet cho người nuôi ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhờ đó, trừ chi phí, năm 2022, ông Khường thu lãi hơn 400 triệu đồng.

Sản xuất cá giống có lãi, ông Khường còn mua lại ao của các hộ gia đình lân cận để mở rộng diện tích ao nuôi. Hiện tại ông đã có 14 ao nuôi, với diện tích mặt nước hơn 3.000m2. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hộ nông dân trong xã nuôi cá thương phẩm cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn xã Trung Sơn đã có hơn 70 hộ nuôi cá dốc và các loại cá thương phẩm, cho thu nhập trung bình từ 50 - 70 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ đầu tư quy mô lớn, có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Bá Ảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Sơn, cho biết: Ngoài mô hình nuôi cá, nhiều hội viên nông dân của xã đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn đen, lợn trắng thương phẩm, gà đồi... Những mô hình này không chỉ góp phần từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập, mà quan trọng hơn đã giúp người nông dân thay đổi tư duy, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cung ứng hàng hóa ra thị trường.

Trong phong trào hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Lê Văn Thông, ở khu phố 6, thị trấn Hồi Xuân cũng là một điển hình. Tận dụng diện tích vườn, đồi, ông đã đầu tư nuôi ong lấy mật. Hiện tại ông Thông nuôi 25 đàn ong, cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm. Không chỉ thu nhập từ bán mật ong, mỗi năm khu vườn của gia đình ông Thông còn cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng từ cây ăn quả.

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo bà Hà Thị Cươi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quan Hóa, trong thời gian qua, các cấp hội nông dân trong huyện đã sát cánh, đồng hành với cấp ủy, chính quyền huyện triển khai thành công các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó hội đã có nhiều giải pháp, cách làm, tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế. Đồng thời phối hợp với các phòng chuyên môn của UBND huyện và UBND xã, thị trấn tập huấn kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên nông dân. Từ đó nhiều mô hình đã được xây dựng thành công, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 05-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa về phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2022-2030.

Theo đó, ngoài mô hình sản xuất cá giống, nuôi ong lấy mật còn có mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn (xã Trung Sơn); mô hình trồng cây gai xanh, tại các xã Phú Sơn, Thành Sơn, Nam Xuân, Nam Tiến, Hiền Chung; mô hình trồng cây sâm Báo (xã Nam Tiến); mô hình trồng cây mắc ca (xã Thiên Phủ); mô hình nuôi gà, lợn đen, dê... Thông qua những mô hình phát triển kinh tế, không chỉ giúp các hội viên nông dân cải thiện, nâng cao thu nhập, mà còn thay đổi tập quán canh tác từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và hợp tác với doanh nghiệp trong cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm. Cũng từ những mô hình này đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và quê hương.

Trong triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, ngoài tư vấn, hỗ trợ, tập huấn kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng cho hội viên, Hội Nông dân huyện Quan Hóa đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện ủy thác cho vay đối với các hộ nghèo và các đối tượng chính sách; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tín chấp cho các hộ vay vốn không phải thế chấp. Tính đến 31-3-2023, tổng dư nợ thông qua tổ chức hội quản lý đạt 273,47 tỷ đồng. Đồng thời, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đã có hàng nghìn hộ nông dân được hỗ trợ vốn.

Thông qua các mô hình phát triển sản xuất, các cấp hội nông dân huyện Quan Hóa đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, nâng cao giá trị thu nhập, nâng cao đời sống của nông dân. Đến năm 2022, thu nhập bình quân của hội viên nông dân đã đạt 27,63 triệu đồng, tăng 5,5 triệu đồng so với năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 28,16%. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với 1 xã, 31 bản đạt chuẩn nông thôn mới, 1 bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu...

Bài và ảnh: Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]