(vhds.baothanhhoa.vn) - Do có lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn lao động dồi dào, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại (KTTT) theo hướng sản xuất, chăn nuôi tập trung, giúp người nông dân từng bước làm giàu.

Huyện Cẩm Thủy đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại

Do có lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn lao động dồi dào, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại (KTTT) theo hướng sản xuất, chăn nuôi tập trung, giúp người nông dân từng bước làm giàu.

Huyện Cẩm Thủy đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trạiMô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình ông Lê Tiến Dũng, thôn Lương Thành, xã Cẩm Tú cho thu nhập trên 700 triệu đồng/năm.

Với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất của mình, ông Lê Tiến Dũng, thôn Lương Thành, xã Cẩm Tú đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình KTTT tổng hợp với 2ha đất trồng cây ăn quả các loại và nuôi 6.000 con gà/lứa (mỗi năm 3-4 lứa); 2.000 con lợn thịt/lứa (mỗi năm 3 lứa). Ông cho biết: “Những năm trước, đời sống của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Được cán bộ xã vận động, tuyên truyền cách thức làm ăn mới và hướng dẫn thủ tục vay vốn ngân hàng, gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại tổng hợp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ chăn nuôi lợn, gà, gia đình tôi có thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm (đã trừ hết các chi phí)”.

Với quy mô đàn gà gần 5.000 con/lứa, kết hợp với nuôi ong, mô hình KTTT của gia đình bà Bùi Thị Vy, thôn Vân Ngọc, xã Cẩm Long đang cho hiệu quả và thu nhập ổn định. Bà Vy cho biết: “Năm 2018, được xã hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và thủ tục vay vốn ngân hàng, tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gà và phát triển đàn ong. Lứa đầu tiên nuôi 2.000 con gà, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đàn gà phát triển nhanh và mang lại thu nhập cao cho gia đình. Nhận thấy việc nuôi gà mang lại nguồn thu nhập ổn định, tôi đầu tư 5.000 con/lứa và mỗi năm nuôi được 3 lứa. Nhờ chăn nuôi gà, nuôi ong, mang lại thu nhập cho gia đình mỗi năm trên 200 triệu đồng”.

Ông Cao Lục Bình, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Long, cho biết: “Trên địa bàn xã có 18 trang trại cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng. Để các mô hình KTTT phát triển ổn định, xã Cẩm Long thường xuyên tổ chức nhiều lớp tập huấn để giúp các hộ có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Từ đó, các hộ đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 30 lao động địa phương”.

Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Thủy, hiện toàn huyện đã có hơn 1.000 mô hình KTTT cho thu nhập từ 100 triệu đến trên 1 tỷ đồng/mô hình/năm. Trong đó, có 25 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn lại là trang trại vừa và nhỏ. Các xã có số trang trại và gia trại phát triển khá nhanh trong những năm gần đây, như: Cẩm Thành, Cẩm Tân, Cẩm Phú, Cẩm Long,... Việc phát triển KTTT đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/năm.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, phát triển KTTT ở huyện Cẩm Thủy đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân có thu nhập ổn định và làm giàu chính đáng. Nhiều diện tích đất trồng cây lương thực năng suất thấp, sau khi chuyển sang làm KTTT với đa dạng cây trồng, vật nuôi, đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Tuy nhiên, việc liên kết, hợp tác để tổ chức tiêu thụ sản phẩm giữa các trang trại còn chưa chặt chẽ. Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần hạn chế của chủ trang trại trong việc lập dự án, phương án vay vốn chưa tạo được uy tín trong việc quản lý, sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, thời tiết khí hậu khó lường, giá cả vật tư, nguyên liệu không ổn định... Đó là những yếu tố gây cản trở không nhỏ đến sự hình thành và phát triển KTTT ở huyện Cẩm Thủy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Để tạo sự bền vững trong phát triển nông nghiệp nói chung, KTTT nói riêng, thời gian tới, Cẩm Thủy sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTT; đẩy nhanh việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, hộ gia đình theo quy hoạch; tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi... ở các vùng quy hoạch phát triển KTTT. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại;... Qua đó, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]