(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, việc khám, chữa bệnh trực tuyến (online) với bác sĩ từ xa là giải pháp hiệu quả, giúp nâng cao năng lực chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới, tạo cơ hội cho bệnh nhân được khám, hội chẩn kịp thời, đồng thời giảm thiểu sự lây nhiễm dịch bệnh cho nhân viên y tế.

Khám, chữa bệnh trực tuyến: Giải pháp hữu ích trong mùa dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, việc khám, chữa bệnh trực tuyến (online) với bác sĩ từ xa là giải pháp hiệu quả, giúp nâng cao năng lực chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới, tạo cơ hội cho bệnh nhân được khám, hội chẩn kịp thời, đồng thời giảm thiểu sự lây nhiễm dịch bệnh cho nhân viên y tế.

Khám, chữa bệnh trực tuyến: Giải pháp hữu ích trong mùa dịchMột buổi hội chẩn từ xa giữa bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương có sự tham gia của bệnh nhân.

Khám, chữa bệnh (KCB) trực tuyến giúp kết nối người bệnh với bác sĩ qua video call trên ứng dụng công nghệ hiện đại. Hình thức khám này đã trở nên khá phổ biến tại các nước phát triển. Tại Việt Nam, KCB trực tuyến phát triển mạnh trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện KCB từ xa. Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết: Thực hiện Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22-6-2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án KCB từ xa giai đoạn 2020 - 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với 6 bệnh viện tuyến trên, gồm: Việt Đức, Bạch Mai, Nhiệt đới Trung ương, Tai - Mũi - Họng, Huyết học và Truyền máu Trung ương và Bệnh viện E trong việc hỗ trợ KCB từ xa. Hơn 1 năm thực hiện đề án, đến ngày 8-10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với các bệnh viện tuyến trên tổ chức hội chẩn trực tuyến ở các lĩnh vực: chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn xét nghiệm, hội chẩn phẩu thuật và hội chẩn điều trị từ xa cho 200 lượt bệnh nhân và KCB, tư vấn trực tiếp cho 93 lượt bệnh nhân.

Cũng theo ông Lê Văn Cường, ngoài KCB trực tuyến thông qua tivi màn hình 55 inch, kết nối cầu truyền hình, kết nối với nền tảng Telehealth truyền dữ liệu bệnh nhân lên hệ thống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cá nhân ông đã thành lập zalo trên điện thoại thông minh để tư vấn, KCB từ xa cho bệnh nhân từ năm 2020 đến nay. Hiện hình thức KCB này đã thu hút được nhiều bác sĩ có chuyên môn tốt tham gia, hoạt động ở 3 nhóm: tim mạch, thần kinh và chẩn đoán hình ảnh. Qua đó đã giúp đỡ rất nhiều bệnh nhân tận dụng “giờ vàng” điều trị bệnh, được cứu chữa kịp thời. Ví như trường hợp bệnh nhân Bùi Văn Hoàn, 73 tuổi, ở thị xã Nghi Sơn. Bệnh nhân nhập viện ngày 7-10 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim giờ thứ nhất. Mặc dù bệnh nhân trong tình trạng bị ngưng tim, nhưng qua kết nối bằng zalo với ê kíp bác sĩ trong Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn, bác sĩ Lê Văn Cường đã hướng dẫn cách xử trí bước đầu, bệnh nhân thoát cơn nguy kịch, rồi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhờ được can thiệp kịp thời, sau 3 ngày điều trị, ông Bùi Văn Hoàn không những thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” mà sức khỏe đã hồi phục tốt.

Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương là đơn vị đầu tiên ở tuyến huyện tham gia KCB trực tuyến theo Đề án KCB từ xa giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Y tế. Ông Nguyễn Văn Nhiên, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: Xuất phát là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 nên Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương đã có cơ hội triển khai, thực hiện KCB từ xa thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến với bác sĩ đầu ngành. Qua đó đã chữa khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân, giảm tình trạng chuyển tuyến trong 2 năm gần đây.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nhiên, nhờ các buổi hội chẩn từ xa được kết nối với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện vệ tinh khác với các ca bệnh chủ yếu ở các lĩnh vực: tim mạch, ngoại - chấn thương, thần kinh, hồi sức cấp cứu, chống độc, huyết học... không chỉ giúp đội ngũ cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên của bệnh viện có cơ hội được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, mà còn giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Ngoài KCB từ xa thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, năm 2020, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương còn đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, thành lập Phòng KCB từ xa tại bệnh viện.

Đánh giá về hiệu quả của KCB từ xa trên địa bàn tỉnh theo Đề án KCB từ xa giai đoạn 2020 - 2025, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 (27-4) bùng phát đến nay, ông Nguyễn Hữu Phước, Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), cho rằng: KCB từ xa đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho cả 2 phía. Về phía bệnh viện, KCB từ xa thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến giúp đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tuyến dưới có cơ hội được nâng cao tay nghề, rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến. Người bệnh không mất thêm bất cứ khoản chi phí nào, kể cả chi phí đi lại, nhưng lại được tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất vì được bác sĩ đầu ngành của tuyến trên khám, hội chẩn. Tuy đem lại nhiều lợi ích nhưng đến nay hình thức KCB này vẫn chưa được nhiều người bệnh trên địa bàn tỉnh lựa chọn.

Lý giải về điều này, ông Phước cho rằng, để có phòng khám từ xa đảm bảo tiêu chuẩn, đòi hỏi các bệnh viện phải đầu tư kinh phí. Trong khi đó, cơ chế thanh toán đối với hình thức khám này chưa có. Do phòng khám từ xa của nhiều bệnh viện chưa đảm bảo, chất lượng đường truyền internet chưa ổn định nên ảnh hưởng đến chất lượng các buổi hội chẩn, tư vấn. Bên cạnh đó, một số bệnh viện tuyến Trung ương chưa có lịch cố định hàng tuần để bệnh viện tuyến dưới sắp xếp phòng hội chẩn, tư vấn và phân công cán bộ tham gia, giám sát phù hợp, dẫn đến chồng chéo lịch giữa các bệnh viện. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả KCB từ xa, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ông Phước mong muốn cần có nguồn kinh phí hỗ trợ các cơ sở y tế mua sắm trang thiết bị kết nối phục vụ hội nghị, hội thảo: loa đài, Projector, máy tính... Các bệnh viện Trung ương có lịch cố định theo quý hoặc năm để các bệnh viện tuyến dưới chủ động phân công cán bộ và chuẩn bị thiết bị tiếp nhận đầu cuối, phòng họp, phòng hội chẩn.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]