(vhds.baothanhhoa.vn) - Con đường vào trung tâm bản Nót – một trong những bản đặc biệt khó khăn, xa xôi bậc nhất của xã Nam Động (Quan Hóa) nay đã dễ đi hơn trước rất nhiều. Từ cầu treo bắc qua sông Luồng, nếu vào trong tận bản còn phải đi qua cung đường rừng hơn 3km do dân tự mở, với nhiều đoạn nhỏ, hẹp, khúc khuỷu, lởm chởm đất, đá sắc nhọn nhô trên mặt đường.

Khát khao ở bản Nót

Con đường vào trung tâm bản Nót – một trong những bản đặc biệt khó khăn, xa xôi bậc nhất của xã Nam Động (Quan Hóa) nay đã dễ đi hơn trước rất nhiều. Từ cầu treo bắc qua sông Luồng, nếu vào trong tận bản còn phải đi qua cung đường rừng hơn 3km do dân tự mở, với nhiều đoạn nhỏ, hẹp, khúc khuỷu, lởm chởm đất, đá sắc nhọn nhô trên mặt đường.

Khát khao ở bản NótDù có điện lưới, cuộc sống bà con bản Nót, xã Nam Động, huyện Quan Hóa vẫn còn nhiều khó khăn.

Sau nửa giờ vật lộn với con đường “đau khổ” ấy, chúng tôi có mặt ở bản Nót. Tiếp chúng tôi, trưởng bản Hà Văn Tha trầm ngâm, trước kia khi chưa có cây cầu treo đoạn qua bản Bâu, việc đi lại, giao thương của người dân, học hành của con trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Phương tiện chủ yếu là bè, mảng, vào mùa mưa nước lũ dâng cao, cả bản gần như bị cô lập. Từ ngày có cầu, bà con đỡ vất vả hơn, dù vậy một đoạn từ cầu treo vào trung tâm bản có chiều dài hơn 3km đường đất, đá; nhiều đoạn dốc và rất hiểm trở. Đây cũng là lối đi duy nhất của 37 hộ dân trong bản để ra trung tâm xã. Do đi lại khó khăn nên việc phát triển kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn, nông sản làm ra khó tiêu thụ do chi phí vận chuyển quá lớn, các hoạt động giao lưu văn hóa cũng trở nên “xa xỉ”. Với tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp, trình độ dân trí còn thấp nên ở bản Nót hiện có đến 29 hộ nghèo, nhiều ngôi nhà tranh tre, nứa lá tạm bợ dễ bị cuốn phăng khi có cơn gió lớn.

Khát khao ở bản NótNgoài trồng luồng, nuôi cá, người dân trong bản còn hái măng trên rừng đem về phơi khô để bán, cải thiện thu nhập.

Điểm trường Nót, Trường Tiểu học Nam Động vẫn duy trì 10 học sinh học ghép lớp 1, 2. Thầy giáo Lương Văn Xoa, người có nhiều năm công tác nơi đây vẫn hàng ngày miệt mài băng rừng, lội suối để dạy chữ cho các em. Ở địa bàn “thâm sơn cùng cốc” này, người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nên việc học tập của con em đều phó mặc hết cho các thầy, cô giáo. Với đặc thù gần 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong giảng dạy, thầy Xoa luôn chọn những phương pháp dạy học dễ hiểu nhất để giảng bài cho các em học sinh. Do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, các em ở bản lên lớp 3 phải đến điểm lẻ tại bản Bâu để học, việc đi học càng trở nên gian nan hơn. Theo trưởng bản Hà Văn Kha, người dân bản Nót rất chịu khó làm việc, canh tác trên những ruộng lúa, rừng luồng, chăn nuôi cải thiện cuộc sống. Nhưng do nhiều nguyên nhân, người dân vẫn phải sống trong những ngôi nhà tranh tre tạm bợ, dột nát.

Thuộc diện hộ khó thoát nghèo của bản, dù cần cù làm ăn, đào ao thả cá, trồng luồng nhưng ngôi nhà của anh Lò Văn Khưn vẫn xiêu vẹo, xung quanh che chắn sơ sài tạm bợ. Tài sản giá trị nhất trong nhà là một chiếc tủ lạnh cũ và số ngô vừa thu hoạch. Từ ngày có điện lưới, anh dành dụm sắm sửa chiếc ti vi để theo dõi chương trình truyền hình, nắm bắt thêm nhiều thông tin hữu ích. Dẫu vậy cuộc sống vẫn cứ mãi quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu. Ở bản Nót, người dân chủ yếu là dân tộc Thái, Mường, quanh năm sinh sống phụ thuộc vào nghề trồng lúa, luồng, hái măng, ngoài ra có khoảng 10 hộ nuôi cá chép. Cũng có một số người rời làng, bỏ bản đi làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp khắp cả nước, số ít đi xuất khẩu lao động...

Khát khao ở bản NótNhiều ngôi nhà được dựng bằng tre, nứa.

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Động, ông Hà Hải Hiệp cho biết: Do xuất phát điểm thấp, đường giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất, đá cấp phối khiến giao thương, buôn bán không thuận lợi, cuộc sống bà con bản Nót vì vậy còn nhiều khó khăn. Trước mắt địa phương sẽ tập trung tận dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ bà con trong bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, để công tác giảm nghèo thực sự đi vào chiều sâu, mang tính đột phá, cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các hộ nghèo. Quan trọng hơn hết, người dân phải tự đổi mới, thay đổi tư tưởng để thoát nghèo.

Bài và ảnh: Viết Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]