(vhds.baothanhhoa.vn) - Không ai còn nhớ rõ, hộ gia đình nào kết nối mạng wifi, có điện thoại di động mạng 3G, 4G đầu tiên trong thôn. Chỉ biết, nhờ những phương tiện, thiết bị trên, nhiều người dân trong thôn đã sử dụng thành thạo mạng xã hội zalo, facebook…

Nâng tầm nông thôn mới - nhìn từ câu chuyện chuyển đổi số

Khi công nghệ về làng

Không ai còn nhớ rõ, hộ gia đình nào kết nối mạng wifi, có điện thoại di động mạng 3G, 4G đầu tiên trong thôn. Chỉ biết, nhờ những phương tiện, thiết bị trên, nhiều người dân trong thôn đã sử dụng thành thạo mạng xã hội zalo, facebook…

Khi công nghệ về làngChi hội người cao tuổi thôn Chợ Rủn, xã Đông Khê (Đông Sơn) tập múa cùng chiếc điện thoại thông minh kết nối loa bluetooth.

Người ở đâu, công nghệ ở đó

Đã thành thông lệ, cứ 16h30, chi hội người cao tuổi thôn Chợ Rủn, xã Đông Khê (Đông Sơn) lại có mặt ở nhà văn hóa thôn để tập văn nghệ. Các thành viên cùng múa theo tiếng nhạc phát ra từ chiếc điện thoại thông minh kết nối loa bluetooth. Thời buổi công nghệ 4.0, những thiết bị này đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt của các câu lạc bộ trong thôn.

Còn nhớ, trước đây, khi công nghệ chưa về làng, các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ không chỉ thôn Chợ Rủn mà các thôn khác trong xã đều phải nhờ đến chiếc đài cassette. Điều này, bà Hoa, bà Hợi, bà Vận, những cây văn nghệ của thôn Chợ Rủn vẫn còn nhớ rõ. Bà Hợi kể: “Có hôm đang tập múa, bỗng tiếng nhạc cứ đuối dần rồi vụt tắt, không phải điện yếu mà do bị rối băng. Buổi tập phải dừng lại. Chiếc băng ấy bỏ đi thì ngày sau mới tìm mua được chiếc băng giống như thế để về tập tiếp. Còn bây giờ, cũng bài hát ấy, điệu nhạc ấy, nhờ có công nghệ mà nghe bao lần cũng được, thích bài hát nào là đáp ứng được ngay…”.

Cũng như nhiều thôn khác, ở thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long (Yên Định), chiều chiều chị em phụ nữ trong câu lạc bộ dân vũ lại trở về bên nhà văn hóa thôn để say sưa với những điệu nhảy trên nền nhạc sôi động. Sự góp mặt của giai điệu là nhờ vào chiếc điện thoại kết nối với loa không dây bằng wifi ở nhà văn hóa. Công nghệ số đã thổi luồng gió mới đến hoạt động các phong trào ở địa phương với những hiệu ứng tích cực. Bí thư chi bộ thôn Tân Ngữ 2, bà Nguyễn Thị Dinh, cho biết: “Nếu không có wifi thì có điện thoại 3G, 4G, có loa bluetooth... Bà con vẫn thường nói vui, giờ người đi đâu, nhạc theo đó. Khi các phong trào này phát triển, cơ hội gắn kết giữa các thành viên sẽ cao hơn”.

Về đến đầu thôn đã thấy rộn ràng, phấn chấn. Hòa vào lời ca, điệu nhạc, nhảy cùng dân vũ…, cũng chẳng thể nào thiếu wifi, thiếu chiếc điện thoại 3G, 4G. Sự tiện lợi đã mang đến câu chuyện của niềm vui…

Khi người già lướt mạng xã hội

Công nghệ về làng, với chiếc điện thoại thông minh, người trẻ sử dụng thành thạo hơn người già. Người già biết sử dụng là nhờ vào con cháu. Vậy nên, cùng với sự phát triển của công nghệ, bên cạnh điện thoại 2G là điện thoại 3G, 4G. Người cao tuổi vốn sử dụng 2G nhiều hơn, chỉ cần gọi, nghe mà ít quan tâm đến âm thanh, hình ảnh… Nhưng khi người cao tuổi “chạy” theo công nghệ, thích công nghệ, cũng là điều đáng mừng.

Bà Lê Thị Bảy (70 tuổi) ở thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) nhớ lại lần đầu tiên cầm chiếc điện thoại thông minh trên tay: “Con hướng dẫn cả tuần mà tôi vẫn còn lơ mơ. Cứ quên rồi lại nhờ con hướng dẫn. Giờ thì lướt phây (facebook), lướt za (zalo) tốt rồi. Chợt nhận ra, mình 70 tuổi chưa phải là già…”.

Khi công nghệ về làngNhà văn hóa thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long (Yên Định) đã kết nối mạng wifi.

Có facebook, có zalo, bà Bảy cùng những người bạn già có điều kiện tâm sự với nhau nhiều hơn khi không gặp mặt. Đó là bà Ngọc, bà Tiếp, ông Thành… Để đến khi gặp nhau, họ lại ngồi bàn luận, trao đổi về những thông tin đã đọc được trên mạng xã hội. Sự gắn kết của những người bạn già được bền chặt hơn cũng một phần nhờ vào những chiếc điện thoại thông minh ấy.

2 năm về trước, bí thư chi bộ thôn Thung Thượng, xã Định Hòa (Yên Định) là ông Lê Hồng Thanh (70 tuổi) đã biết sử dụng mạng xã hội. Đến lúc này, khi nhắc đến công nghệ, ông bí thư chi bộ cười giòn: “Giờ tôi lướt nhanh rồi, ngày đầu ì ạch mãi. Thời công nghệ mà không hào hứng với công nghệ, đấy là sai lầm lớn, nhất là với cán bộ thôn. Già thì già cũng phải tập”.

Ở thôn Thung Thượng, những người tuổi như ông Thanh biết sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều hơn. Không thể so với giới trẻ nhưng họ cũng muốn có một sự đổi thay để tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng hơn. Với họ, mọi thao tác trên chiếc điện thoại thông minh có thể chậm hơn, nhưng rõ ràng công nghệ đã thực sự lôi cuốn và hữu ích để người cao tuổi trổ tài lướt mạng… “Tôi có nói chuyện với những người bạn của tôi, rằng khi đang còn minh mẫn thì đừng để bản thân thụt lùi. Khả năng còn làm được điều gì thì hãy làm. Cũng nghiệm ra một điều, nhờ biết sử dụng công nghệ dù không sớm nhưng lúc này cũng giúp tôi tự tin hơn khi thôn bắt tay xây dựng thôn thông minh…”, ông Thanh cho biết thêm.

Làng quê thời công nghệ đã khoác lên màu áo mới với sự hiện đại hơn. Nhờ kết nối internet cáp quang, mạng 3G, 4G, câu chuyện công nghệ không chỉ dừng ở sự kết nối điện thoại với loa không dây bằng wifi hay đọc báo trên điện thoại thông minh, lướt zalo, facebook mà còn nhiều hơn thế…

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, để từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]