(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ rau củ quả, thức ăn thừa, lá cây, gỗ mục..., đã biến thành phân vi sinh đưa vào sử dụng bón cho cây trồng. Cách làm này đã và đang được người dân ở nhiều vùng quê thực hiện, tạo nên hiệu ứng tích cực.

Khi hộ gia đình làm phân bón từ... rác

Từ rau củ quả, thức ăn thừa, lá cây, gỗ mục..., đã biến thành phân vi sinh đưa vào sử dụng bón cho cây trồng. Cách làm này đã và đang được người dân ở nhiều vùng quê thực hiện, tạo nên hiệu ứng tích cực.

Khi hộ gia đình làm phân bón từ... rácÔng Phạm Văn Tường ở tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Triệu Sơn (Triệu Sơn) bón phân vi sinh cho rau màu trong vườn từ nguồn rác hữu cơ tại gia đình.

Từ những hố rác... đặc biệt

Thay vì dùng phân đạm như trước, hơn 1 tháng nay, hộ gia đình ông Phạm Văn Tường ở tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Triệu Sơn (Triệu Sơn) đã dùng phân vi sinh do gia đình tự làm để bón cho rau vườn nhà. Rau lên xanh tốt, an toàn cho sức khỏe. Không dừng ở đây, chính nhờ nguồn phân vi sinh này mà lượng rác thải sinh hoạt của gia đình ông Tường đã giảm đáng kể.

Sau khi được tập huấn về mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh ở hộ gia đình”, ông Tường đã bắt tay thực hiện xây hố rác với đường kính 1,2m, sâu 1m, có nắp đậy. Hố rác này để chứa chất thải hữu cơ như hoa quả, thức ăn thừa, bã chè, lá cây... ủ cùng chế phẩm sinh học EM. Sau 3 tuần, lượng rác thải sẽ được phân giải thành phân hữu cơ tơi xốp, màu đen, không mùi. Ông Tường cho biết: “Giờ gia đình hoàn toàn sử dụng nguồn phân tự làm này để bón cho cây trồng... Nhờ việc phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình, trong đó rác hữu cơ thành phân vi sinh, rác không có thể tái chế thì bán phế liệu nên lượng rác thải sinh hoạt của nhà tôi ra bãi rác tập trung giảm đến 80%. Từ 2 bì rác/tuần, đến nay mỗi tuần chỉ có một túi rác nhỏ, chủ yếu là rác khó phân hủy”.

Cũng như hộ ông Tường, gia đình bà Lê Thị Xình ở tổ dân phố 7, thị trấn Quý Lộc (Yên Định) cũng có hố chứa rác hữu cơ dễ phân hủy. Từ ngày sử dụng phân vi sinh từ nguồn rác hữu cơ để chăm bón cho rau màu trong vườn, rác thải sinh hoạt ở gia đình bà cũng theo đó mà giảm dần, từ 2 bì/tuần giờ còn 1/3 bì/tuần. Bà hồ hởi: “Cỏ trong vườn nhổ đi, trước cứ bỏ vào bì mang vứt, giờ thì bỏ luôn vào hố rác, ủ men thành phân bón cho cây”.

Ngoài gia đình bà Xình, đến nay, mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh ở hộ gia đình” cũng đã được thực hiện điểm tại 150 hộ trên địa bàn thị trấn Quý Lộc. Theo chia sẻ của ông Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quý Lộc: “Mô hình đang rất hiệu quả, bà con rất phấn khởi. Hiện đã có 3/10 tổ dân phố thực hiện, chúng tôi cố gắng đến cuối năm sẽ đưa mô hình phủ khắp 7 tổ dân phố còn lại”.

Giải pháp thiết thực, ý nghĩa

Cách đây 2 năm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã triển khai lớp tập huấn về thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh ở hộ gia đình tại 3 huyện: Hoằng Hóa, Thiệu Hóa và Đông Sơn. Đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã và thành phố kỹ thuật làm phân bón vi sinh từ rác thải hữu cơ. Từ 3 huyện trên, mô hình đã nhân rộng tới nhiều địa phương trong tỉnh. Triệu Sơn và Yên Định là 2 huyện được đánh giá cao trong triển khai, thực hiện mô hình.

Khi hộ gia đình làm phân bón từ... rácBà Lê Thị Xình ở tổ dân phố 7, thị trấn Quý Lộc (Yên Định) ủ rác hữu cơ.

Tại huyện Triệu Sơn, đến thời điểm này, 34/34 xã, thị trấn đã xây dựng mô hình với sự tham gia của gần 1.000 hộ gia đình. Trước đó, mỗi địa phương trong huyện chọn ít nhất 20 hộ tham gia tập huấn để biết cách phân loại rác hữu cơ và vô cơ, kỹ thuật xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học thành phân bón đúng quy trình... Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Triệu Sơn: “Tuy mới triển khai, thực hiện nhưng mô hình đã cho hiệu quả rất rõ rệt, được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Đây là một giải pháp thiết thực và ý nghĩa, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra nguồn phân bón thân thiện với thiên nhiên”.

Ở huyện Yên Định, đến nay 26/26 xã, thị trấn cũng đã triển khai, thực hiện mô hình. Nét khác ở Yên Định là các hộ gia đình tự làm men vi sinh để ủ rác hữu cơ. Như vậy là người dân đã phát huy tối đa hiệu quả mô hình, đảm nhiệm tốt vai trò vừa là nhà “sản xuất” kiêm “đạo diễn”. Theo chuyên viên Phòng TN&MT huyện Yên Định, bà Lê Thị Oanh: “Cái thuận ở vùng nông thôn là phần lớn các gia đình đều có vườn. Biến rác hữu cơ thành phân vi sinh sẽ thiết thực hơn khi có những khu vườn như thế. Người dân đồng thuận cao có nghĩa mô hình đã có chỗ đứng quan trọng đối với họ”.

Đơn giản, dễ làm và sản phẩm đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng tốt, đồng thời giảm áp lực cho các bãi chôn lấp rác thải, mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh ở hộ gia đình” đã và đang tạo nên những hiệu ứng tích cực.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]