(vhds.baothanhhoa.vn) - Để làm tốt công việc “vác tù và hàng tổng” họ không thể không hy sinh, nhất là về lợi ích kinh tế, bởi mức hỗ trợ cho trưởng thôn/khu phố đang còn khiêm tốn.

Khi thanh niên làm trưởng thôn: Vẫn còn nhiều nỗi niềm

Để làm tốt công việc “vác tù và hàng tổng” họ không thể không hy sinh, nhất là về lợi ích kinh tế, bởi mức hỗ trợ cho trưởng thôn/khu phố đang còn khiêm tốn.

Khi thanh niên làm trưởng thôn: Vẫn còn nhiều nỗi niềmAnh Cao Văn Lộc thường xuyên gần gũi người cao tuổi trong thôn.

Tin liên quan:
  • Khi thanh niên làm trưởng thôn: Vẫn còn nhiều nỗi niềm
    Khi thanh niên làm trưởng thôn: Cán bộ trẻ năng động, sáng tạo

    Trước đây, chức danh trưởng thôn/khu phố thường do những người trung tuổi trở lên đảm nhiệm. Ngày nay, với khát vọng cống hiến, góp sức xây dựng quê hương, nhiều bạn trẻ sẵn sàng đứng ra lo liệu việc tập thể. Họ đã và đang thổi luồng sinh khí mới cho nhiều địa bàn cơ sở bằng những cách làm hay, sáng tạo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người trẻ trưởng thôn/khu phố đều phải tìm công việc làm thêm. Việc trưởng thôn/khu phố mặc dù chiếm nhiều thời gian, công sức nhưng nguồn thu là “phụ”, vì vậy để phụ giúp kinh tế gia đình và yên tâm công tác, họ đều tìm kiếm công việc làm thêm, đây lại là nguồn thu “chính” của họ. Tuy nhiên, vì công việc làng, xã quá nhiều, việc gì cũng phải do trưởng thôn đứng ra giải quyết vì vậy, nhiều người phải hy sinh lợi ích bản thân.

Đã rất nhiều lần anh Cao Văn Lộc, trưởng khu phố Phúc Cường, phường Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) bị người thân gây sức ép nghỉ việc trưởng khu phố để tập trung lo kinh tế gia đình, nhưng với sự tín nhiệm của người dân, anh không thể bỏ ngang. Anh thuyết phục gia đình và nỗ lực hơn bằng cách tìm việc làm thêm để tăng thu nhập. Năm 2019, Lộc đang làm công nhân nhà máy gạch với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Đây cũng là thời điểm thôn Phúc Cường xây dựng thôn kiểu mẫu (năm 2020 xã mới lên phường). Tại thời điểm đó, người dân và chính quyền nỗ lực, tập trung hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, rất nhiều công việc từ giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm… đều phải do trưởng thôn đứng ra đảm nhiệm. Công việc ở nhà máy gạch cũng đòi hỏi anh phải chuyên tâm, vào ca làm liên tục 8 giờ, cả tuần chỉ nghỉ ngày chủ nhật. Cao Văn Lộc đứng trước lựa chọn khó khăn, một là phải từ chức trưởng thôn, hai là nghỉ việc công nhân. Và Lộc đã lựa chọn vế thứ hai, mặc dù chịu nhiều sức ép từ gia đình. Anh chia sẻ: “Tất cả mọi đầu mối công việc thôn mình là người biết và hiểu nhất nên không thể bỏ ngang, hơn nữa thôn đang về đích NTM kiểu mẫu, không thể vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến công việc chung của tập thể”. Thời gian đó, anh cùng người dân thôn Phúc Cường đã nỗ lực và đã hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu. Hiện tại, anh mở thêm xưởng cơ khí ở nhà, công việc chủ động giúp anh có thêm nhiều thời gian làm việc làng, xã.

Bà Trần Thị Lan, 55 tuổi, người dân khu phố Phúc Cường nói: Trưởng thôn Lộc nhiệt tình, năng nổ lắm. Trưởng thôn dạy cho những người già như chúng tôi sử dụng công nghệ để nói chuyện với con cháu ở xa, nhà nào neo người trưởng thôn sẵn sàng phụ giúp việc đồng áng… Như những ngày mưa bão vừa qua, trưởng thôn thường trực ở ngoài đồng để giúp bà con thu hoạch tránh bão.

Đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, đó cũng là suy nghĩ của trưởng thôn Tiên Thắng, xã Xuân Phúc (Như Thanh), anh Nguyễn Văn Phương. Phương chọn cách ở lại quê hương, gắn bó và cống hiến bởi đa phần thanh niên trong thôn đều đã đi làm ăn xa. Khi được bầu làm trưởng thôn với 100% số phiếu, Phương vừa hãnh diện vì sự tín nhiệm của Nhân dân nhưng anh cũng hiểu cuộc sống sẽ vất vả hơn bởi nguồn trợ cấp khiêm tốn của trưởng thôn. Hy sinh lợi ích cá nhân, 2 năm qua Phương làm “tròn vai” nhất là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ. Thời điểm đó, khối lượng, áp lực công việc cùng với những thiếu thốn về kinh tế không khiến Phương nản lòng mà ngược lại anh càng nỗ lực, tận tụy với công việc hơn. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, anh Phương thường xuyên nắm bắt rõ tình hình mưa bão để thông báo kịp thời cho người dân, giữ liên lạc thường xuyên với những hộ dân có nguy cơ cao nhằm phát cảnh báo kịp thời. Nguồn hỗ trợ ít ỏi từ trưởng thôn có thể không đủ tiền xăng xe, điện thoại… nhưng “khi Đảng giao, dân bầu, mình nhận nhiệm vụ thì phải có trách nhiệm và làm hết khả năng”, Phương tâm sự.

Làm hết trách nhiệm và khả năng cũng là phương châm của anh Phạm Văn Hùng, bí thư kiêm trưởng thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương (Lang Chánh). Làm bí thư kiêm trưởng thôn khi tuổi đời còn rất trẻ, mong muốn quê hương được đổi mới, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, anh Hùng đã tự mày mò, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh tế phù hợp. Theo đó, anh đã thay những cây trồng truyền thống kém hiệu quả bằng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Thời gian đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao vừa tự tìm nguồn kinh phí phát triển mô hình, anh tâm sự “áp lực công việc cộng với chưa có kinh nghiệm làm nông khiến vườn cây ăn quả liên tục bị sâu bệnh, kém năng suất, tôi đã muốn bỏ việc và bỏ cuộc. Nhưng nhìn những nương ruộng kém hiệu quả tôi biết trách nhiệm của một trưởng thôn là gương mẫu đi đầu, tìm hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương. Vì vậy mà phải nỗ lực, cố gắng”. Những cố gắng của anh Hùng được đền đáp, mô hình vườn cây ăn quả phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế với những loại cây đặc sản như bưởi da xanh, xoài keo, bơ… cho lợi nhuận 150 triệu đồng/năm. Hiện tại, anh sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn miễn phí cho những hộ dân có nhu cầu chuyển đổi mô hình, đồng thời thực hiện chuyển giao kỹ thuật với những hộ có nhu cầu.

Bài và ảnh: V.A



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]