(vhds.baothanhhoa.vn) - Chỉ cách trung tâm xã chừng hơn 4 km, tuy nhiên để đến được bản Đun Pù phải mất chừng 20 phút đi xe máy, qua nhiều cung đường dốc dựng đứng, đây là bản đặc biệt khó khăn duy nhất của xã Nam Xuân (Quan Hóa) nằm trong danh sách thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.

Khó khăn trong công tác giảm nghèo ở bản Đun Pù

Chỉ cách trung tâm xã chừng hơn 4 km, tuy nhiên để đến được bản Đun Pù phải mất chừng 20 phút đi xe máy, qua nhiều cung đường dốc dựng đứng, đây là bản đặc biệt khó khăn duy nhất của xã Nam Xuân (Quan Hóa) nằm trong danh sách thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.

Khó khăn trong công tác giảm nghèo ở bản Đun PùGia đình bà Ngân Thị Bình thuộc diện hộ nghèo trong bản Đun Pù.

Bản Đun Pù nằm chênh vênh trên núi cao, để đến được bản phải vượt qua cung đường dốc quanh co, nhiều đoạn dựng đứng, nếu không thạo đường hẳn đi lại sẽ rất vất vả, nguy hiểm. Nơi đây hơn 99% là đồng bào dân tộc Thái, do thiếu đất sản xuất, địa hình đồi dốc nên việc giao thương hàng hóa, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đời sống nghèo nàn.

Hơn nữa, khí hậu khắc nghiệt vào mùa đông cũng là nguyên nhân khiến chăn nuôi, trồng trọt của các hộ dân trong bản không phát triển nên Đun Pù vẫn là bản có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn xã. Trong khi đó, một bộ phận dân trí còn thấp nên hạn chế trong việc tiếp thu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tình trạng một số hộ nghèo, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Tiếp chúng tôi, trưởng bản Đun Pù, ông Lương Văn Dân cho biết: Bản hiện có 51 hộ/240 khẩu, trong đó còn 22 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo, bản có nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung được xây dựng từ lâu, giờ đây xuống cấp nghiêm trọng, vì thế vào mùa khô người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt. Do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên thu nhập bình quân đầu người rất thấp. Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai một số dự án phát triển kinh tế tại bản như cấp máy xay xát, hỗ trợ cây con giống, nhưng với trình độ canh tác hạn chế, chưa tìm được hướng đi mới thích hợp, điều kiện khí hậu lại khắc nghiệt nên chưa thể cải thiện được đời sống của bà con.

Đun Pù hiện có 16 ha đất sản xuất, trong đó có 5 ha trồng lúa, còn lại bà con trồng luồng và các loại cây trồng khác, nên chỉ có thể canh tác nhỏ lẻ tại một số diện tích đất của gia đình. Thêm nữa, người dân trong bản thường sống rải rác trên vùng núi cao nên công tác xóa đói, giảm nghèo rất vất vả. Cây luồng được xem là cây cứu cánh cho người dân thoát nghèo. Chính quyền có hỗ trợ giống, phổ biến kiến thức về kỹ thuật chăm sóc luồng cùng nhiều loại cây tiềm năng khác nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao.

Khó khăn trong công tác giảm nghèo ở bản Đun PùMặc dù có đường bê tông dẫn lên bản, có điện lưới nhưng Đun Pù vẫn là bản đặc biệt khó khăn của xã Nam Xuân (Quan Hóa).

Anh Hà Văn Tuệ, một người dân bản Đun Pù cho biết: Đun Pù có địa hình đồi núi, độ dốc cao, nên chăn nuôi đại gia súc rất khó, ngay cả việc làm chuồng cho trâu, bò cũng vất vả. Ở đây, nếu chỉ dựa vào trồng lúa, trồng luồng thì đời sống không thể khấm khá hơn được, nhưng nếu chăn nuôi phải năm trời lạnh giá, đàn gia súc, gia cầm dễ bị chết rét, thiệt hại rất lớn.

Lấy chồng ở bản Đun Pù đã hơn 10 năm, đến nay cuộc sống của gia đình chị Hà Thị Nam vẫn còn nhiều lo toan. Nhà chỉ có hơn 1 sào ruộng, lèo tèo vài con ngan, gà..., đất đai không nhiều nên cuộc sống gia đình cứ luẩn quẩn trong đói nghèo. Chị Nam tâm sự, ở đây người dân sống thưa thớt, không tập trung, chỉ quen với tập quán canh tác cũ, cuộc sống phụ thuộc vào vài con lợn, gà... Cái nghèo, cái đói như cái vòng luẩn quẩn mà người dân chúng tôi cố gắng mấy cũng chưa thoát ra được.

Chia sẻ về những khó khăn ở bản Đun Pù, cô giáo Cao Thị Tuần, phụ trách lớp mầm non bản Đun Pù, cho biết: Cuộc sống của bà con ở đây rất vất vả, nên các cô thường phải đến nhà các hộ dân vận động, đưa học sinh lên lớp. Dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 4 km nhưng lại nằm chênh vênh trên đỉnh núi Đun Pù nên việc đi học của con em nơi đây còn nhiều vất vả. Nếu muốn đến điểm trường chính ở trung tâm xã đúng giờ vào lớp, học sinh phải đi học khi trời còn chưa sáng. Để giúp những đứa trẻ không phải dậy sớm đến điểm trường chính trong mùa đông giá rét, một lớp học được dựng lên ngay trên đỉnh Đun Pù. Từ ngày có điểm trường, trẻ em đi học đỡ vất vả và đến lớp đầy đủ hơn.

Theo ông Hà Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, người dân ở bản Đun Pù chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhưng thiếu đất, không có ngành nghề khác nên thu nhập bình quân còn thấp. Cộng thêm điều kiện khí hậu khắc nghiệt thường hay rét đậm, rét hại vào mùa đông nên chăn nuôi, trồng trọt gặp nhiều bất lợi, thường xuyên bị dịch bệnh. Bà con dân bản còn dùng nước dưới khe, suối, đời sống chủ yếu tự túc, tự cấp, hiếm khi có sự trao đổi, mua bán với bên ngoài. Những năm qua, người dân bản Đun Pù được hỗ trợ một số công cụ sản xuất, máy móc, cây, con giống để tạo sinh kế, nhờ vậy mà một số hộ dân đã vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, bài toán thoát nghèo vẫn là nỗi trăn trở của bà con bản Đun Pù và là nỗi lo của chính quyền xã Nam Xuân.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]