(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc tạo dựng tư duy khởi nghiệp là một hành trình dài và cần bắt đầu càng sớm càng tốt. Trong đó, trường đại học đóng vai trò là vườn ươm quan trọng, là sự trợ lực để các ý tưởng tiềm năng của sinh viên có thêm nhiều cơ hội phát triển.

Khởi nghiệp khi là sinh viên, tại sao không?

Việc tạo dựng tư duy khởi nghiệp là một hành trình dài và cần bắt đầu càng sớm càng tốt. Trong đó, trường đại học đóng vai trò là vườn ươm quan trọng, là sự trợ lực để các ý tưởng tiềm năng của sinh viên có thêm nhiều cơ hội phát triển.

Khởi nghiệp khi là sinh viên, tại sao không?Nhóm dự án của Tống Thị Nhi (giữa) đạt giải nhất cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” của Trường Đại học Hồng Đức.

Những ngày này, Tống Thị Nhi và nhóm bạn đang bận rộn hoàn thiện bài thuyết trình, chuẩn bị cho vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa, lần thứ X”. Ý tưởng “Hệ sinh thái du lịch cắm trại Campenjo” của Nhi và các bạn đã đạt giải nhất cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” do Trường Đại học Hồng Đức tổ chức. Vượt qua hàng trăm ý tưởng khác lọt vào top 10 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo xuất sắc nhất trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa, được thuyết trình ý tưởng trên sân khấu lớn, nghe những phân tích, đánh giá của ban giám khảo là những doanh nhân thành đạt... điều này với Nhi và những bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường không chỉ là kiến thức thực tế quý báu mà còn hình thành tư duy sáng tạo, giúp họ vững tin vào con đường khởi nghiệp về sau.

Ý tưởng khởi nghiệp đến với Nhi trong một lần em cùng bạn bè đi dã ngoại ở vùng nông thôn. “Cảnh sắc ở đây quá đẹp nhưng lại thiếu các dịch vụ du lịch như cung cấp chỗ ngủ, nghỉ, chụp ảnh, đồ ăn... mình có thể trở thành nhà cung cấp các dịch vụ này, tại sao không?”, Nhi cho biết. Hoàn thiện ý tưởng, Nhi và các bạn cùng nhau xây dựng đề cương chi tiết cho ý tưởng, khảo sát thực tế tại Thanh Hóa và kinh nghiệm của những người đã từng làm dịch vụ, tìm hiểu yêu cầu cần và đủ của một nhà cung cấp dịch vụ du lịch, tham khảo giá cả thị trường... “Giờ em đã biết từ ý tưởng đến thực tế là quãng đường dài thế nào. Nhưng quãng đường ấy là giúp chúng em rất nhiều từ việc xây dựng một bản thuyết trình, phân chia công việc, liên hệ thực tế... đồng thời cho chúng em những bài học quý báu đầu tiên về khởi nghiệp”, Nhi chia sẻ.

Bài học về khởi nghiệp không có trong sách vở, nó là bài học tự thân. Cùng thực hiện ý tưởng khởi nghiệp “Hệ sinh thái du lịch cắm trại Campenjo” sinh viên Nguyễn Thị Mai, Khoa Quản trị kinh doanh đã rất tự hào vì những cố gắng, nỗ lực của mình nhất là khi ý tưởng khởi nghiệp được nhà trường đánh giá cao. Trước đó, Mai chưa bao giờ nghĩ đến việc khởi nghiệp. Em chỉ nghĩ đơn giản là tốt nghiệp ra trường sẽ tìm công việc phù hợp để ổn định cuộc sống. Nhưng, hiện tại suy nghĩ của Mai đã thay đổi, em sẽ thử sức trên con đường khởi nghiệp.

Có ý tưởng và được Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa đánh giá cao về tính khả thi, hai sinh viên Nguyễn Thành Chung và Quách Công đã xây dựng thành công mô hình “Phòng xông hơi áp lực di động”. Đây cũng là ý tưởng đạt giải Nhất cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học năm 2022” của trường.

Nguyễn Thành Chung sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về thuốc nam, anh mong muốn kết hợp những bài thuốc nam dân gian với phương pháp điều trị hiện đại nhằm mang đến hiệu quả tốt hơn cho người dùng. Theo đó, phòng xông hơi áp lực di động là sự kết hợp giữa phòng xông hơi cá nhân và xông nồi thủ công, được sử dụng trực tiếp hơi nước chứa tinh dầu của các thảo dược thiên nhiên qua hơi nước từ hệ thống dẫn hơi của nồi xông tới phòng xông hơi với áp suất nén khí cao. Điểm mới của ý tưởng là phòng xông hơi có thể di chuyển dễ dàng, dễ lắp đặt, sử dụng nguyên liệu từ dân gian, như: bạch chỉ, xuyên khung, ngải cứu, kinh giới...

Thực tế, sinh viên không thiếu ý tưởng khởi nghiệp. Từ những cuộc thi, hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường đã kích thích sự tự tin trong sinh viên, giúp họ đưa ý tưởng thành mô hình thực tế. Đó chính là việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.

Những năm qua, hưởng ứng phong trào khởi nghiệp cho sinh viên và tạo sân chơi sáng tạo, bổ ích, nhiều trường cao đẳng, đại học trong tỉnh đều tổ chức cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, từ các cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” (Trường Đại học Hồng Đức), “Sinh viên với ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học” (Trường Cao đẳng y tế Thanh Hóa) đã tìm kiếm được những ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên tài năng. Cuộc thi không những là sân chơi bổ ích cho sinh viên trong việc phát huy khả năng sáng tạo, kỹ năng kết nối tư duy đa lĩnh vực hướng tới tạo ra các ý tưởng tiềm năng khởi nghiệp mà còn giúp sinh viên có thể nhìn nhận rõ ràng hơn về ý tưởng khởi nghiệp, nắm bắt được cụ thể hơn về các giai đoạn phát triển cần có, để một ý tưởng khởi nghiệp thành những dự án tiềm năng. Tại Trường Đại học Hồng Đức, cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” thu hút hàng trăm sinh viên tham dự với không ít ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá cao, như: “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động” của sinh viên Lê Ngọc Bích, K22 ĐH Kỹ thuật điện, Khoa Kỹ thuật công nghệ; “Xây dựng mô hình sản xuất nông sản an toàn và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng” của nhóm sinh viên Nguyễn Thành Luân, K20 ĐH Nông học, Khoa Nông, lâm, ngư nghiệp...

Anh Lê Đức Đạt, Bí thư đoàn Trường Đại học Hồng Đức, cho biết: “Tham gia cuộc thi, sinh viên có thể nhìn nhận rõ ràng hơn về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, nắm bắt được cụ thể hơn về các giai đoạn phát triển cần có để một ý tưởng khởi nghiệp trở thành những dự án tiềm năng, mang lại giá trị cho bản thân và xã hội”.

Chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Khởi nghiệp trong sinh viên không nhất thiết là phải thành lập công ty, mở doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm lao động... Với sinh viên khi việc học đang tiếp diễn và nguồn vốn không có thì quan trọng nhất là có tư duy khởi nghiệp, tìm ra ý tưởng khởi nghiệp phù hợp với bản thân và thực tế xã hội và dám chấp nhận thất bại để vươn lên”.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]