(vhds.baothanhhoa.vn) - Do tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số nhanh, thời gian qua, TP Thanh Hóa đã chú trọng hình thành nhiều khu nhà ở mới, nới rộng hạ tầng giao thông. Nhiều không gian xanh, không gian công cộng được đầu tư nhưng liệu đã thực sự đáp ứng yêu cầu cuộc sống của người dân ở đô thị?

Không gian công cộng: Cần được đầu tư hơn nữa

Do tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số nhanh, thời gian qua, TP Thanh Hóa đã chú trọng hình thành nhiều khu nhà ở mới, nới rộng hạ tầng giao thông. Nhiều không gian xanh, không gian công cộng được đầu tư nhưng liệu đã thực sự đáp ứng yêu cầu cuộc sống của người dân ở đô thị?

Không gian công cộng: Cần được đầu tư hơn nữaKhu chung cư Đông Phát TP Thanh Hóa dành nhiều quỹ đất cho các sân chơi, nhà văn hóa, nhưng lại không được đầu tư.

Nếu đi một vòng quanh TP Thanh Hóa, chúng ta sẽ thấy nhiều không gian công cộng lớn đã được quan tâm đầu tư quy hoạch, nâng cấp, cải tạo ở các vị trí cửa ngõ: Quảng trường Hàm Rồng, Quảng trường Lam Sơn; Khu tượng đài Lê Lợi, Công viên Hội An; Công viên Bố Vệ... Hầu hết các sự kiện lớn, các hoạt động tập trung đông người đều tập trung ở những không gian này.

Theo chia sẻ của KTS Lê Trọng Dũng (Văn phòng Kiến trúc Le Avant): Công viên Hội An hội đủ các yếu tố của một không gian trung tâm của thành phố. Với diện tích trên 24ha, đây là điểm đến lý tưởng cho người dân giữa cuộc sống tấp nập, bộn bề. Ngoài câu chuyện nghĩa tình giữa TP Thanh Hóa và TP Hội An thì đây là không gian đẹp, với đầy đủ hệ thống cây xanh, trang thiết bị thể thao ngoài trời và đặc biệt là công trình văn hóa như Chùa Cầu – một biểu trưng của TP Hội An ngay giữa lòng TP Thanh Hóa; nhà lưu niệm – nơi trưng bày những hiện vật của 2 thành phố và trụ biểu. Một địa điểm không thể không nhắc tới là Quảng trường Lam Sơn: nơi tổ chức hầu hết các sự kiện văn hóa chính trị lớn của tỉnh và các hội chợ, sân khấu biểu diễn xiếc, văn nghệ...

Tuy vậy, các không gian này vẫn chưa đáp ứng được mong muốn và nhu cầu của Nhân dân. KTS Lê Trọng Dũng đưa ra những dẫn chứng cụ thể: Hầu hết các không gian công cộng trên địa bàn TP Thanh Hóa đang bị giới hạn hay nói đúng hơn là còn thiếu nhiều điều kiện và tiêu chí. Đó là không gian vui chơi, dụng cụ tập thể dục cộng đồng hạn chế, khối công viên công cộng mặt nước không đảm bảo và nhiều nơi bị xuống cấp mà không được tu sửa.

Đi vào những không gian nhỏ hơn ở các khu chung cư, như: Phú Sơn, Mai Xuân Dương và gần đây là Tecco, Xuân Mai, AT home, Louis Apartment... đều chung một khó khăn về quỹ đất. Đông Phát là khu chung cư đầu tiên ở TP Thanh Hóa. Có lợi thế về diện tích, 21 tòa nhà ở chung cư này đều có nhà văn hóa, sân chơi, sân thể thao. Tuy vậy, vì là khu chung cư thu nhập thấp nên không được đầu tư nhiều về hạ tầng, các khu vui chơi công cộng chủ yếu mang tính tự phát, các sân nhà văn hóa trở thành điểm chơi cầu lông, tập đi xe của trẻ nhỏ. Nếu có sự đầu tư chắc chắn khu chung cư này sẽ đáp ứng đủ các điều kiện về an sinh xã hội.

KTS Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng ban Kiến trúc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, khẳng định rằng: “Trước đây, mức độ quan tâm đến công trình công cộng ít hơn. Còn hiện nay, quy hoạch đô thị bắt buộc phải theo các tiêu chuẩn. Nếu không đủ tiêu chuẩn phúc lợi thì đồ án không được phê duyệt. Đây là một lợi thế lớn, nhưng lại cũng chính là hạn chế. Hầu hết các quy hoạch không gian công cộng thường được chủ đầu tư nhận làm luôn. Các tiêu chuẩn cây xanh, không gian thoáng vẫn đáp ứng theo tất cả các chỉ tiêu nhưng những vị trí không kinh doanh thương mại được thì chủ đầu tư mới làm các công trình xã hội, khu vực cây xanh. Thay vì cần đặt công viên vào vị trí trung tâm thì các nhà đầu tư lại đưa vào những chỗ đầu thừa đuôi thẹo”.

KTS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm: Với một thành phố trẻ như TP Thanh Hóa, tôi nghĩ về cơ bản đã đáp ứng được những điều kiện về không gian công cộng. Đây là niềm mơ ước của nhiều thành phố trên cả nước. Còn KTS Lê Đình Sơn lại có một cái nhìn khác: Nhìn tổng quát không gian công cộng ở TP Thanh Hóa hiện đang tạm ổn. Tuy nhiên nhìn chi tiết thì rõ ràng chưa được tập trung. Chính vì điều này mà dù có nhiều không gian nhưng vẫn thiếu những điểm chơi, chỗ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt là chỗ vui chơi của trẻ nhỏ thì thật sự thiếu. Chính vì thế, trẻ nhỏ cuối cùng lại nấp ở nhà xem ti vi, điện thoại và chơi game.

Không gian công cộng ở TP Thanh Hóa được đầu tư đồng bộ nhất đó chính là tại Khu đô thị Vinhomes Star City. Có tổng diện tích dự án lên tới 147ha tọa lạc tại vị trí cửa ngõ của thành phố, mật độ xây dựng chỉ chiếm 21%, phần còn lại của khu đô thị là các quần thể tiện ích đa dạng, hiện đại. Đây được đánh giá là mô hình đô thị hiện đại kiểu mẫu tại TP Thanh Hóa, mang đến không gian sống lý tưởng đặc biệt cho các gia đình có trẻ nhỏ. Ngoài không gian xanh, hệ thống tiện ích đa dạng như: các khu vui chơi ngoài trời, bể bơi 4 mùa, bể bơi ngoài trời,…thì cư dân nói chung và trẻ nhỏ ở đây được bảo vệ, được vui chơi, học tập hàng ngày ngay bên trong khu đô thị, nơi có hệ thống an ninh tuần tra vòng ngoài 24/7.

Một thành phố có đẹp hay không, một khu đô thị có đủ sức hút với cư dân sinh sống chính là nhờ những không gian công cộng. Ngôi nhà là tổ ấm, nhưng không gian bên ngoài chính là không gian vui chơi, giải trí, tập luyện sau một ngày mệt nhọc. Có lẽ vì thế mà hiện nay, khi bắt đầu một dự án, hầu hết chiêu hút khách của chủ đầu tư chính là môi trường cảnh quan. Ấy thế người ta mới nói: Không có kiến trúc sư giỏi mà chỉ có ông chủ nhà thông minh. Các dự án có đẹp, có nhiều không gian sinh hoạt văn hóa thể thao cộng đồng đều phụ thuộc vào nguồn vốn và chủ trương của chủ đầu tư.

Giờ đây chúng ta đang phải đối phó và thích ứng trước những tác hại của thời tiết do biến đổi khí hậu cùng với đại dịch COVID-19. Vì thế, hơn lúc nào hết, các không gian công cộng trong thành phố như cây xanh, công viên, vườn hoa, sông hồ mặt nước... rất cần được đầu tư chăm sóc, không chỉ để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân, nâng cao chất lượng sống mà còn là để phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.

TP Thanh Hóa đang phát triển và đổi thay. Người dân ngày càng có những đòi hỏi về nhu cầu sống cao hơn. Khi không gian công cộng được đầu tư, chú trọng hơn nữa, chắc chắn thành phố sẽ xanh, sạch, đẹp và đáng sống.

Thuật ngữ không gian công cộng lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam trong Nghị định số 42/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị, và được định nghĩa chính thức tại Thông tư số 19/2010/TT-BXD là các “công viên và vườn hoa/sân chơi”. Đến năm 2010, Luật Quy hoạch đô thị quy định không gian công cộng là đối tượng phải nghiên cứu của thiết kế đô thị trong các quy hoạch đô thị.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]