(vhds.baothanhhoa.vn) - Có con khi bà đã ngoài 60 tuổi, còn chồng gần 70 tuổi. Đó là vợ chồng ông Nguyễn Thái Hòa (sinh năm 1952) và bà Phạm Thị Lan (sinh năm 1960, cùng ở thị trấn Thọ Xuân).

Làm mẹ khi đã ở độ tuổi “bà ngoại”

Có con khi bà đã ngoài 60 tuổi, còn chồng gần 70 tuổi. Đó là vợ chồng ông Nguyễn Thái Hòa (sinh năm 1952) và bà Phạm Thị Lan (sinh năm 1960, cùng ở thị trấn Thọ Xuân).

Làm mẹ khi đã ở độ tuổi “bà ngoại”

Bác sỹ Trung và các y, bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa hạnh phúc đón chào bé Nguyễn Duy Bảo Long ra đời.

Ông bà là số ít trong những trường hợp hiếm hoi mang thai ở độ tuổi cao nhất Việt Nam. Thành quả ấy có được ngoài sự tiến bộ của y học, trình độ chuyên môn của bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, máy móc thiết bị hiện đại, còn có tình nghĩa vợ chồng bền chặt luôn nắm tay nhau đi qua sóng gió của cuộc đời.

Buổi sáng đầu tuần như mọi ngày, bà Lan một mình chăm cậu con trai nhỏ, chồng bà đi làm tới trưa mới về nhà. Cậu bé cứ ọ oẹ và động đậy chân tay suốt nên bà Lan không lúc nào yên, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn ngời lên nét hạnh phúc của một người phụ nữ vừa mạo hiểm cả tính mạng để được làm mẹ một lần nữa.

Bà Lan cho biết: “Từ khi con trai chào đời, dù trước đó đã chuẩn bị tinh thần nhưng cuộc sống vẫn bị đảo lộn khá nhiều, phần vì cả hai vợ chồng tuổi đã cao, phần vì con mới sinh có lúc trái gió trở trời nên hơi khó ở… Nhưng hơn tất cả vẫn là những tiếng cười hạnh phúc và gia đình lúc nào cũng có người thân trong gia tộc, họ hàng rồi hàng xóm đến thăm nom, động viên vợ chồng cùng cố gắng”.

Không như những người khác tuổi cao vẫn đi tìm con vì hiếm muộn, vợ chồng bà Lan đã có con, cháu. Ông bà từng sinh một người con trai và một người con gái, tuy nhiên, tai họa ập đến khi cậu con trai bất ngờ qua đời trong một tai nạn giao thông. Trải qua quãng thời gian dài chìm đắm trong nỗi đau mất con, vợ chồng bà dồn hết tình yêu thương vào chăm sóc, nuôi dưỡng hai cháu ngoại. Nhưng khi các cháu lớn lên, rời xa vòng tay ông bà về với bố mẹ đẻ, căn nhà nhỏ vốn đã neo người lại càng trống vắng.

“Mình sinh thêm một đứa con nữa có được không?” - bà Lan hỏi chồng với giọng khẩn cầu. Bà cảm thấy bản thân đủ sức mạnh để “tái sinh” một đứa trẻ, như thể “phục hồi” số phận của đứa con đã mất. Hiểu vợ, ông Hòa đồng ý. Kể từ đó, người mẹ này bắt đầu dấn thân vào con đường tìm kiếm một đứa trẻ.

Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Quang Trung, Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa - người song hành cùng vợ chồng bà Lan trong hành trình kiếm con, không bao giờ quên ngày đầu tiên vợ chồng bà Lan đến Khoa Hỗ trợ sinh sản. Vì so với những bà mẹ đi “tìm” con thì tuổi bà Lan cao hơn rất nhiều. Đối diện với bác sĩ, bà Lan khẳng định bà muốn một đứa con và có thể trả mọi chi phí để đạt được điều này. “Chỉ cần một tia hy vọng, tôi sẽ thử”, bà quyết tâm.

Bác sĩ Trung nhớ lại: “Ngày đầu tiên bà Lan đến bệnh viện, sau khi hoàn tất các xét nghiệm cần thiết cho thấy buồng trứng của bà không còn hoạt động, tử cung teo nhỏ vì đã mãn kinh nhiều năm nhưng vẫn đủ điều kiện thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm xin trứng. Trong khi, chồng bà không thể tự lấy được tinh trùng mà phải thực hiện kỹ thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn (TESE). Đây là một ca rất khó, tỷ lệ thành công thấp và chưa kể nếu có thai cũng đối mặt với nhiều nguy cơ của phụ nữ lớn tuổi khi mang thai. Nhưng trước mong mỏi có con cùng hoàn cảnh éo le đó nên tôi quyết tâm thực hiện IVF cho hai vợ chồng họ. Khó nhất ở ca bệnh này là khó cho phôi làm tổ. Vì thế, việc đưa ra phác đồ phải thực sự rất thận trọng, tỷ mỉ theo dõi chu kỳ từ việc đưa ra phác đồ theo dõi niêm mạc, xác định chính xác ngày chuyển phôi, sàng lọc phôi, áp dụng kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng"…

Trời không phụ lòng người, nhờ trứng được hiến tặng kết hợp với tinh trùng của người chồng, sau 12 ngày từ khi chuyển phôi, bà Lan được các bác sĩ thông báo tin vui. Ngày 28-10-2020, kết quả siêu âm 12 tuần, thai nhi hoàn toàn phát triển khỏe mạnh.

“Lúc chắc mình có thai, tôi sung sướng như ở trên mây. Chồng thì nắm tay bóp mạnh mãi không thả. Hơn 10 năm sống trong nỗi đau mất con, lần đầu tiên thấy ông ấy vui sướng như vậy”, bà Lan hạnh phúc kể.

Một chuyện vui nữa là sau khoảng thời gian ngắn phải ở bệnh viện kiểm tra, còn lại suốt quá trình mang thai, bà Lan khá khỏe mạnh, không phải nằm viện dài ngày đợt nào nữa. Bà mang thai nhưng vẫn chu toàn việc nội chợ, dọn dẹp sân vườn, chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Đặc biệt, bà không có hiện tượng nghén và ăn rất tốt.

Tuy nhiên, vì mang thai khi tuổi đã cao để tránh những nguy cơ bệnh lý tiền sản giật, các bác sĩ quyết định đình chỉ thai kỳ ở tuần thứ 36. Ngày 3-4-2021, bà Lan được đưa vào phòng sinh mổ. Bà lo lắng nhắm mắt lại và lắng nghe cử động của đứa trẻ.

“Tôi cảm thấy tim mình như nhảy khỏi lồng ngực. Sẽ chẳng bao giờ quên được khoảnh khắc đó”, bà nói. Khi bác sĩ đưa đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ, bà òa khóc. Bé Nguyễn Duy Bảo Long chào đời khỏe mạnh, nặng 2,2kg. Đây là niềm vui không chỉ của riêng gia đình ông Hòa, bà Lan mà còn là cả một kỳ tích được dệt lên từ những bàn tay tài hoa trong ngành vô sinh hiếm muộn tỉnh nhà.

Làm mẹ khi đã ở độ tuổi “bà ngoại”

Bé Nguyễn Duy Bảo Long ra đời trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và người thân

“Vì tôi cao tuổi nên được các bác sĩ chú ý lắm, đặc biệt là bác sĩ Trung. Ngày tôi mang bầu về quê dưỡng thai, bác sĩ Trung cũng thường xuyên gọi điện, khi hỏi chuyện ăn uống, lúc lại nhắc đi khám”, bà Lan nói.

Hết giờ làm, ông Hòa về nhà giúp vợ chăm con. Người đàn ông thất tuần bế bồng, thay tã cho con thành thục.

Nhiều người biết tin ông bà có con đã gọi điện chúc mừng, nhưng cũng có một số người lo ngại việc ông bà tuổi đã cao, không biết còn sống được bao lâu để lo cho con. Ông Hòa thẳn thắn chia sẻ: “Tôi không thể yêu cầu người khác hiểu mình. Nhưng với tư cách là những người làm cha mẹ, tôi sẽ cố gắng để lập kế hoạch cho tương lai đứa trẻ”.

Hiện tại ông Hòa đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân. Ngoài ra ông còn mở phòng khám tư, bốc thuốc đông y. Bà Lan từng là cán bộ ngân hàng nên có một khoản lương lưu nhất định đủ chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Thêm khoản hỗ trợ từ con gái nên về kinh tế ông bà không quá nặng nề.

“May thay trời phú cho vợ chồng tôi sức khỏe, chúng tôi vẫn lao động được để có một khoản tiết kiệm cho con sau này”, ông Hòa nói.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]