(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp hội nông dân khu vực miền núi trong tỉnh chú trọng triển khai sâu rộng. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình, nhiều nông dân trở thành “triệu phú”, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền Tây xứ Thanh.

Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở miền núi

Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp hội nông dân khu vực miền núi trong tỉnh chú trọng triển khai sâu rộng. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình, nhiều nông dân trở thành “triệu phú”, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền Tây xứ Thanh.

Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở miền núiMô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao của gia đình chị Vũ Thị Thắm, thôn Ngọc Tâm, xã Thành Tâm (Thạch Thành).

Những nông dân “triệu phú”

Về thôn Ngọc Tâm, xã Thành Tâm (Thạch Thành) hỏi thăm nhà chị Vũ Thị Thắm hầu như ai cũng biết. Từ hai bàn tay trắng, chị Thắm cùng chồng đã vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Mô hình trồng cây ăn quả đã mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm (đã trừ hết chi phí). Nhờ đó, chị xây dựng được nhà cửa khang trang, mua ô tô, nuôi dạy các con thành đạt. Chị Thắm cho biết: “Những ngày đầu hai vợ chồng ra ở riêng gặp rất nhiều khó khăn, hai bên nội ngoại không có điều kiện để giúp đỡ. Trước đây, trồng cây mía hiệu quả kinh tế không cao, tôi quyết định vay vốn đầu tư trồng cây cam, dưa, thanh long. Việc chăm sóc cây được thực hiện đúng kỹ thuật nên cây trồng phát triển tốt, sai quả, đảm bảo chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao”.

Theo bà Nguyễn Thị Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Tâm: Đây là một trong số nhiều mô hình trồng cây ăn quả có quy mô lớn trên địa bàn xã Thành Tâm. Hội Nông dân xã đã lấy tấm gương chị Vũ Thị Thắm để tuyên truyền, vận động, khuyến khích hội viên nông dân học tập phát triển kinh tế. Chị Thắm cũng đã vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành tặng Giấy khen đạt thành tích tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Đỗ Văn Hoan, thôn Phiến Thôn, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy) đã mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế tổng hợp, cho thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Hoan đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đạt thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Ông cho biết: “Những năm trước tôi làm nhiều công việc như: trồng lúa, xay xát gạo, làm mộc, mở cửa hàng bán tạp hóa… nhưng cuộc sống vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2013, tôi đã thuê 5ha đất của một số hộ dân cải tạo lại để trồng cây ăn quả, nuôi ốc nhồi, giun quế, làm phân vi sinh, nuôi lợn”.

Ông Cao Ngọc Đệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Tân, cho biết: Ông Hoan là một trong những nông dân tiêu biểu của xã trong phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hoan còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng cây, giúp giống cho các hộ gia đình khác trong thôn; luôn gương mẫu, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân làm kinh tế giỏi.

Nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến

Xác định thực hiện tốt phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo hội nông dân các huyện miền núi tập trung tuyên truyền, vận động hội viên chuyển hướng sản xuất, chú trọng đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; có chính sách ưu đãi cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế; cung ứng giống phân bón, vật tư trả chậm... Hội Nông dân tỉnh còn thực hiện ủy thác, tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính đến 30-9-2021, các cấp hội 10 huyện miền núi (huyện Mường Lát không triển khai) đã tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 36.107 hội viên vay vốn với tổng dư nợ 3.156,109 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hội nông dân các huyện miền núi đã ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 28.975 hội viên được vay 1.304,989 tỷ đồng.

Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở miền núiSản xuất phân vi sinh, trồng trọt và kết hợp chăn nuôi đã mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Đỗ Văn Hoan, thôn Phiến Thôn, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy).

Từ phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã xuất hiện nhiều tấm gương xuất sắc, tiêu biểu, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của nông dân miền Tây xứ Thanh. Nhiều hộ SXKDG có quy mô sản xuất lớn với số vốn hàng tỷ đồng, thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, hội nông dân 11 huyện miền núi đã thu hút hơn 137.998 hội viên tham gia phong trào SXKDG, có 33.262 hội viên nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp. Trong đó, hội viên đạt danh hiệu nông dân SXKDG cấp xã là 29.960 người, cấp huyện 2.905 người, cấp tỉnh 381 người, cấp Trung ương là 16 người.

Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân khu vực miền núi Thanh Hóa. Đồng thời phong trào đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong các khu dân cư, tạo động lực xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo hội nông dân các huyện miền núi nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở. Hướng dẫn và tổ chức cho nông dân tích cực tham gia Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết sản xuất thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tạo ra vùng sản xuất tập trung; đồng thời tích cực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, từng bước làm thay đổi diện mạo miền Tây xứ Thanh, rút ngắn khoảng cách với miền xuôi.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]