(vhds.baothanhhoa.vn) - Đưa sản phẩm làng nghề vươn xa, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, điều mà nhiều doanh nghiệp đã thực hiện thành công khi áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Làng nghề và công nghệ: Thoát khỏi “ao làng”

Đưa sản phẩm làng nghề vươn xa, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, điều mà nhiều doanh nghiệp đã thực hiện thành công khi áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Làng nghề và công nghệ: Thoát khỏi “ao làng”Thông qua sàn thương mại điện tử, Công ty TNHH Nghĩa Đồng đã vận dụng kỹ thuật làm lồng bàn có màn che, mang lại giá trị kinh tế lớn.

Thích ứng để thay đổi

Thay lò than bằng lò điện. Thay búa đập bằng máy đột dập thủy lực. Công cụ cắt với máy CNC Plasma… Sự thay đổi này đã được anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài ở làng nghề rèn cơ khí truyền thống Tiến Lộc (Hậu Lộc) thực hiện từ 3 năm về trước.

Cùng với anh Tiến còn có hơn 1.400 hộ làm nghề đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Công nghệ về, làng nghề khoác màu áo mới. Nếu sản phẩm thủ công truyền thống trước đây như cuốc, xẻng, dao, liềm chủ yếu dùng sức người thì nay đã thay bằng máy móc hiện đại. Chi phí thấp, hiệu quả cao…, những ưu điểm này đã giúp sản phẩm làng nghề ghi thêm điểm với thị trường trong, ngoài nước.

Dẫn chứng cụ thể về những ưu điểm vượt trội của công nghệ, anh Tiến cho biết: “Công nghệ cho ra sản phẩm với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với làm thủ công. Hình dáng, kích thước chuẩn, mẫu mã đa dạng, đặc biệt giá thành cũng rẻ hơn khoảng 50%”.

“Ứng dụng công nghệ vào sản xuất là cần thiết”, ông Phạm Văn Huỳnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiến Lộc nói: “Hiện thu nhập bình quân của người làm nghề trong xã là 13 triệu đồng/lao động/tháng. Sản phẩm đã xuất sang các thị trường Lào, Myanmar… Để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, xã luôn đồng hành trong hỗ trợ, tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin đối với người làm nghề. Đồng thời, tạo quỹ đất để các hộ có thể mở rộng thêm xưởng sản xuất…”.

Làng nghề mây tre đan truyền thống xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người làm nghề đã dùng máy chẻ nan, máy làm mây, thay cho việc sử dụng bằng tay như trước đây. Theo đó, sự tham gia của máy móc đã tiết kiệm được khoảng 50% thời gian để hoàn thiện 1 sản phẩm, tăng 20% năng suất lao động.

Hiện xã Hoằng Thịnh có 520 hộ/1.950 hộ tham gia làm nghề, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/lao động/tháng. Sản phẩm của làng nghề có thị trường ổn định tại Trung Quốc, Nhật Bản… Theo ông Hoàng Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thịnh, ngành tiểu thủ công nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân. Ông cũng khẳng định về hiệu quả, tiện ích mà công nghệ mang lại. Cùng với máy móc, ông nhấn mạnh đến vai trò của sàn thương mại điện tử. “Giao dịch trực tuyến đã mở ra cơ hội tốt cho sản phẩm làng nghề, tạo kênh bán hàng hiệu quả, đẩy mạnh doanh thu”, ông Minh cho biết.

Sàn thương mại điện tử và câu chuyện tiêu thụ sản phẩm

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một cuộc cách mạng gắn với số hóa hoạt động sản xuất. Ngoài những công nghệ thông minh, thiết bị hiện đại, ứng dụng marketing (tiếp thị) được xem là cơ hội tốt để người làng nghề có điều kiện tiếp cận, học hỏi các mô hình sản xuất… Quay trở lại với làng nghề mây tre đan truyền thống ở xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), người làm nghề đã biết đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán hàng trực tuyến như Lazada, Shopee và Facebook, TikTok… Trung bình 1 tháng, trên 100.000 sản phẩm làng nghề đã được bán ra thị trường qua các kênh này. Đặc biệt, thông qua trang thương mại điện tử Alibaba hay Taobao của Trung Quốc, giúp sản phẩm làng nghề có tiếng vang hơn.

Làng nghề và công nghệ: Thoát khỏi “ao làng”Công đoạn lấy phôi sau khi sử dụng công nghệ cắt laser tại Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài.

Anh Lê Văn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Nghĩa Đồng, một công ty chuyên sản xuất, thu mua sản phẩm mây tre đan truyền thống ở xã Hoằng Thịnh cho rằng, nếu không có sàn thương mại điện tử thì cung – cầu chưa thể gặp nhau. Thông qua kênh trực tuyến, không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà doanh nghiệp cũng đã làm nên bước ngoặt lớn. Giám đốc Lê Văn Đồng nhớ lại câu chuyện, cách đây 3 năm, qua trang thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc, doanh nghiệp đã tiếp cận với sản phẩm nước bạn, đó là lồng bàn có màn che. Anh kể: “Chúng tôi đã học hỏi và bắt tay vào làm thử. Sau đó, chính thức vận dụng làm ra sản phẩm này và bán ngược lại cho nước bạn. Rất mừng, sản phẩm phát triển tốt tại thị trường Trung Quốc. Vì nếu xét về chất lượng thì tương đương trong khi đó giá thành sản phẩm lại rẻ hơn. Tôi cho đó là một thành công lớn. Sau này còn đổi mới ở nhiều sản phẩm khác bằng kênh trực tuyến, qua đó, cũng để thấy rằng, đôi bàn tay người thợ làng nghề của mình rất khéo léo”.

Còn theo anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài ở làng nghề rèn cơ khí truyền thống Tiến Lộc (Hậu Lộc), thì các sản phẩm nghề rèn của công ty bán trên kênh trực tuyến chiếm khoảng 80%. Điều này cho thấy, sàn thương mại điện tử có sức hút rất lớn đối với các sản phẩm làng nghề.

Qua câu chuyện làm nghề ở 2 doanh nghiệp trên phần nào cho thấy, khi nghề thủ công truyền thống “bắt tay” với công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Sản phẩm làng nghề đã vươn ra “biển lớn”.

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]