(vhds.baothanhhoa.vn) - “Lương y phải như từ mẫu”, lời dạy cùng với phong trào học tập theo Bác đã thấm nhuần vào từng lời nói và hành động của đội ngũ y, bác sĩ (BS) Thanh Hóa. Với đội ngũ y, BS trẻ, việc học theo Bác không chỉ là nỗ lực sáng y đức mà còn tiên phong, xung kích ứng dụng kỹ thuật mới mang lại nhiều lợi ích nhất cho người bệnh và nền y tế tỉnh nhà.

Lương y và quyết tâm “từ mẫu” theo lời Bác

“Lương y phải như từ mẫu”, lời dạy cùng với phong trào học tập theo Bác đã thấm nhuần vào từng lời nói và hành động của đội ngũ y, bác sĩ (BS) Thanh Hóa. Với đội ngũ y, BS trẻ, việc học theo Bác không chỉ là nỗ lực sáng y đức mà còn tiên phong, xung kích ứng dụng kỹ thuật mới mang lại nhiều lợi ích nhất cho người bệnh và nền y tế tỉnh nhà.

Lương y và quyết tâm “từ mẫu” theo lời BácBS Nguyễn Văn Ngọc (phải) trong một ca can thiệp điều trị suy giãn tĩnh mạch.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh được đánh giá cao trong việc ứng dụng, phát triển nhiều kỹ thuật dịch vụ y tế mới, khó như ghép thận, phẫu thuật nội soi lồng ngực, phẫu thuật sọ não, hộp sọ; phẫu thuật cột sống… Người phát triển những kỹ thuật này không ai khác chính là những y, BS nhiệt huyết tại bệnh viện. Trong đó, BS trẻ Nguyễn Văn Ngọc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh là người đặt nền móng cho kỹ thuật chuyên sâu can thiệp điều trị suy giãn tĩnh mạch được bệnh viện chính thức thực hiện từ năm 2017.

Gặp BS Ngọc khi anh vừa xong một ca can thiệp mạch thành công. Ca can thiệp kéo dài trong khoảng 1 giờ nhưng đã giúp bệnh nhân chấm dứt những cơn đau hành hạ hơn 10 năm qua. Nhìn những bước chân đi lại bình thường của người bệnh ngay sau can thiệp, BS Ngọc mừng cho bệnh nhân và mừng cho bản thân mình khi lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em, ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” đã được anh thực hiện được phần nào.

Bà Bùi Thị Phong, 75 tuổi (Thạch Thành) bệnh nhân vừa thực hiện can thiệp nói trong mừng rỡ: “Tôi bị bệnh đã hơn 10 năm, đi lại khó khăn. Do tuổi đã cao, sức yếu nên các con không đồng ý làm phẫu thuật. Được biết nhiều bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh này tại viện nên tôi và gia đình đặt niềm tin đến làm can thiệp. Kết quả thực sự khiến tôi bất ngờ và vui mừng”.

Nhìn thấy những bệnh nhân nặng không thể đi lại được vì biến chứng của bệnh, BS Ngọc càng nỗ lực tìm kiếm, đưa kỹ thuật y tế mới về triển khai tại bệnh viện nhằm giúp họ chấm dứt những cơn đau do bệnh tật gây ra và được trở lại cuộc sống bình thường.

Theo BS Ngọc thì bệnh giãn tĩnh mạch tương đối phổ biến, 60 - 70% dân số có nguy cơ mắc bệnh này. Tuy nhiên, bệnh tiến triển từ từ khiến bệnh nhân chủ quan, kéo dài tình trạng bệnh dẫn đến nặng. Bệnh nặng có nguy cơ gây tắc mạch phổi, mạch não và rất khó điều trị. Đã có rất nhiều bệnh nhân chuyển nặng dẫn đến đi lại khó khăn. Trước năm 2017, kỹ thuật can thiệp điều trị suy giãn tĩnh mạch chưa được thực hiện tại bệnh viện. Bệnh nhân mắc bệnh được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc, phẫu thuật… nhưng không triệt để hoặc kéo theo nhiều tác dụng phụ. Sau khi tìm hiểu, anh Ngọc biết phương pháp điều trị mới đã được triển khai ở Việt Nam và quyết định xin đi “tầm sư học đạo” theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Đến năm 2018, anh học lên thạc sĩ nâng cao tay nghề và thực hiện đề tài khoa học liên quan đến chuyên môn “Đốt laser điều trị suy giãn tĩnh mạch hiển lớn”. Anh tâm sự: “Tôi là người trẻ nên là người xung kích tìm hiểu những phương pháp điều trị mới phù hợp với chuyên môn. Tôi nghĩ đây là việc làm theo lời Bác thiết thực nhất, vừa giúp bản thân nâng cao trình độ chuyên môn, uy tín trong công việc vừa góp phần cùng bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”.

Lương y và quyết tâm “từ mẫu” theo lời BácBS Nguyễn Văn Ngọc (ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng bệnh nhân sau một ca can thiệp thành công.

Năm 2020 trở về bệnh viện, anh tiếp tục triển khai thực hiện kỹ thuật chuyên sâu can thiệp điều trị suy giãn tĩnh mạch. Ngay khi triển khai đã có 3 bệnh nhân đồng ý thực hiện can thiệp và sẵn sàng chi trả phí (khi đó kỹ thuật này chưa được bảo hiểm xã hội chi trả). 3 ca can thiệp diễn ra thành công, mỗi ca kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ nhưng đã điều trị triệt để căn bệnh suy giãn tĩnh mạch. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật có thể đi lại nhẹ nhàng. Không những có hiệu quả nhanh, phương pháp mới tiết kiệm chi phí, thời gian nằm viện ngắn, đảm bảo thẩm mĩ. Được biết, từ năm 2020 đến nay, bệnh viện đã điều trị thành công cho khoảng 200 ca bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Theo anh Ngọc, trách nhiệm “mẹ hiền” trong y tế không chỉ dừng lại ở tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân mà là “người mẹ” mang lại nhiều dịch vụ, kỹ thuật y tế mới tốt nhất, để những người bệnh có thể hưởng lợi ngay trên chính quê hương mình. Vì vậy, mục đích trong thời gian tới của anh Ngọc là tiếp tục thực hiện chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật can thiệp điều trị suy giãn tĩnh mạch cho đồng nghiệp trong khoa. Đồng thời, tiếp tục áp dụng kỹ thuật mới như điều trị bệnh lý u nang lành tính tuyến giáp, vú mà không phải phẫu thuật.

Học theo lời Bác, với đội ngũ y, BS Thanh Hóa, những “mẹ hiền” không chỉ xây dựng hình ảnh đẹp, sáng y đức mà còn khẳng định cái “tài” khi là những người tiên phong ứng dụng kỹ thuật mới, khó trong ngành y, đó là BS Trương Thanh Tùng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) “thuyền trưởng” trong các ca ghép thận ở Thanh Hóa; BS Lê Hoàng Long (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiên phong ứng dụng 2 phương pháp điều trị mới đó là kỹ thuật đổ xi măng sinh học cột sống số hóa xóa nền và phong bế rễ thần kinh dưới cắt lớp vi tính, đây là những kỹ thuật mới, có lợi nhiều mặt cho bệnh nhân; BS Lê Anh Minh, Phó trưởng Khoa Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa là người đầu tiên đưa phương pháp điều trị tim bẩm sinh bằng can thiệp qua da về Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. 10 năm qua, BS Minh đã thực hiện thành công cho hơn 1.000 ca bệnh…

Anh Nguyễn Minh Đức, Bí thư đoàn Sở Y tế cho biết: Xung kích, nhiệt huyết, sáng tạo trong công tác chuyên môn, các đoàn viên, thanh niên ngành y đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Bên cạnh việc đi đầu trong việc ứng dụng, phát triển kỹ thuật mới, khó, họ còn tích cực với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực như “Hiến máu tình nguyện”, “Khám, chữa bệnh miễn phí” tại vùng cao, “Mỗi thanh niên một ý tưởng, ý kiến sáng tạo”… xây dựng nên hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành y vừa có tâm vừa có tài.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]