(vhds.baothanhhoa.vn) - Không thể làm những chương trình marketing lớn, rầm rộ do năng lực tài chính có hạn, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn luôn có cách làm riêng, sáng tạo, nhằm mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng: Cách làm của những doanh nghiệp trẻ

Không thể làm những chương trình marketing lớn, rầm rộ do năng lực tài chính có hạn, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn luôn có cách làm riêng, sáng tạo, nhằm mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng: Cách làm của những doanh nghiệp trẻAnh Hoàng Du, Giám đốc Công ty quốc tế Đắc Phú (bên phải) đang giới thiệu sản phẩm với khách hàng.

Thời gian qua, người tiêu dùng Thanh Hóa đã không còn xa lạ với Chợ nhỏ an lành (CNAL). Đó là một điểm mua sắm các sản phẩm xanh, sạch, được nhiều người tiêu dùng yêu thích. CNAL được thành lập vào tháng 10-2020, bởi Nhóm sản xuất xanh, sạch Thanh Hóa với 12 gian hàng, mang mục tiêu kết nối, giao lưu thương mại và học hỏi lẫn nhau giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, nghề truyền thống... Điểm nổi bật cũng là thế mạnh của CNAL chính là sản phẩm được trưng bày, giới thiệu đều là những sản phẩm xanh, không sử dụng hóa chất, chất bảo quản trong quá trình sản xuất, chế biến. Tiêu biểu như sản phẩm tẩy rửa của Công ty TNHH công nghệ sinh học FUWA Biotech, tương ớt truyền thống Spico, mật ong lên men Bản Thổ, mắm truyền thống Hoàng Dịu, thêu Kim’s handmade, nước hoa hồng Ecofarm...

Đến nay, chợ đã phát triển lên 50 gian hàng, không chỉ có doanh nghiệp bản địa mà còn có nhiều doanh nghiệp trẻ ở nhiều tỉnh, thành phố tham gia. Trong CNAL phiên thứ 7 vừa được tổ chức mới đây tại TP Thanh Hóa đã có sự tham gia của nhiều tên tuổi nổi tiếng toàn quốc, như: Công ty TNHH thực phẩm Nhân Hậu (Hà Nam) với cá trắm kho làng Vũ Đại, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh quốc tế Đắc Phú (Phú Yên) với các sản phẩm làm từ sen, Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Tuyên Quang với sản phẩm cá lăng lòng hồ...

Anh Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spico, người đồng sáng lập CNAL, cho biết: “Mình thấy các phiên chợ trên vùng cao, người dân tự mang sản phẩm của mình đến bán, người mua thỏa thích lựa chọn. Đây là một hình thức thương mại đơn giản nhưng rất hiệu quả, nên mình đã học và làm theo. Bằng cách làm này, chi phí các gian hàng bỏ ra ít, nhưng lại hướng được đến đúng đối tượng khách hàng, những người thực sự cần và sẽ mua sản phẩm”.

Để mang đến cho khách hàng sự “an lành” đúng như tên gọi, CNAL có những quy định “ngầm”. Đó là, người sản xuất phải trực tiếp đứng quầy, vì chỉ có người chủ mới kể câu chuyện khởi nghiệp hay nhất, người hiểu sâu nhất về sản phẩm. Các quầy hàng chỉ bán sản phẩm chính mình sản xuất, không bán hàng hóa khác. Bán sản phẩm bằng sự tử tế ắt sẽ có người tin mua. Mọi nhà sản xuất đến với CNAL bằng tinh thần khởi nghiệp xanh, vì vậy tất cả các gian hàng đều không dùng túi nilon hoặc các ấn phẩm quảng bá có liên quan đến nhựa như bảng, biển... Mỗi gian hàng cũng được thiết kế khác biệt nhau. CNAL tôn trọng sự khác biệt và định hướng nhà sản xuất hãy luôn là chính mình.

Nói về các quy định của CNAL, chị Phạm Ánh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Nhân Hậu, cho biết: “Tôi đồng ý với những quy định này, dù quy mô CNAL không lớn, nhưng ngay từ đầu, người sáng lập đã tạo cho nó con đường phát triển riêng. Chợ chỉ dành riêng cho những nhà sản xuất xanh và ở đây con người gắn liền với những câu chuyện bắt nguồn từ sự tâm huyết, sự tử tế của tuổi trẻ dành cho cuộc sống”.

Được thành lập vào cuối tháng 10-2020, đi qua 2 năm dịch COVID-19 bùng phát phức tạp đến nay CNAL đã tổ chức được 7 phiên. Và điều tất yếu, lượng khách đến chợ ngày càng đông hơn. Trong phiên thứ 7 vừa qua đã có hàng nghìn lượt người đến tham quan, mua sắm. Chị Nguyễn Hồng Điệp (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tôi đã đến chợ nhiều lần, lần nào cũng mua nhiều sản phẩm về cho gia đình dùng dần. Các sản phẩm ở đây thực sự tốt, kể cả về hình thức mẫu mã lẫn chất lượng. Đặc biệt các sản phẩm ở chợ ưu tiên sức khỏe, bảo vệ môi trường và mọi người có thể trao đổi với chủ sản xuất về những điều mình cần biết về sản phẩm định dùng. Đây điều tôi thích nhất khi tôi đến CNAL”.

Với cách làm này, mỗi gian hàng sản phẩm xanh ở chợ đều sở hữu “tệp” khách hàng riêng, khi gian hàng đó đến với chợ đồng nghĩa với việc kéo khách hàng của mình đến. Cứ như thế, các gian hàng được tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, còn người mua được tiếp cận với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng. Mặt khác, khách hàng đến với chợ là những người tiêu dùng xanh có khả năng tài chính, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, đồng nghĩa với việc họ là những người tiêu dùng bền vững, dài lâu. Đây cũng chính là điều mà CNAL hướng đến lượng khách hàng “ngách” nhưng chất lượng.

Cùng với “Phiên chợ xanh tử tế” ở TP Hồ Chí Minh, CNAL ở Thanh Hóa đã và đang trở thành điểm giao lưu thương mại hiệu quả của các doanh nghiệp trẻ trong tỉnh và trên toàn quốc. Đây thực sự là nỗ lực đáng kích lệ mà những nhà sản xuất nhỏ và vừa ở Thanh Hóa đã làm được. Được biết, CNAL không chỉ được tổ chức ở Thanh Hóa mà tới đây, phiên thứ 8 (ngày 29-5) sẽ được tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam) với sự tham gia của hơn 50 gian hàng trong toàn quốc. “Tổ chức ở tỉnh, thành khác cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trẻ của Thanh Hóa học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng xanh, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để sản phẩm tiếp tục đến gần hơn với người tiêu dùng không những trong tỉnh và còn trên toàn quốc”, anh Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spico, người đồng sáng lập CNAL, chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: Phong Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]