(vhds.baothanhhoa.vn) - Vào những ngày Thanh Hóa đang rầm rộ chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ ra đời, nghe tin ông Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) về ứng cử đang ở Ủy ban lâm thời giải phóng tỉnh (tòa sứ cũ), các chức sắc hồi Pháp thuộc ở thôn Yên Vĩ, Triệu Tường đem 5 bó mía to xin vào gặp Chủ tịch Lê Tất Đắc. Họ là những người đã từng đem mía tiến vào Kinh để tiến vua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mía tiến Triệu Tường

Vào những ngày Thanh Hóa đang rầm rộ chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ ra đời, nghe tin ông Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) về ứng cử đang ở Ủy ban lâm thời giải phóng tỉnh (tòa sứ cũ), các chức sắc hồi Pháp thuộc ở thôn Yên Vĩ, Triệu Tường đem 5 bó mía to xin vào gặp Chủ tịch Lê Tất Đắc. Họ là những người đã từng đem mía tiến vào Kinh để tiến vua.

Lệ này thôn Yên Vĩ đã bỏ cách đây 3, 4 năm trước khi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời do Nhật dựng lên. Lần này, họ đem quà đến biếu Ủy ban cũng là tạo một dịp để xem mặt nhà vua, mà các lần vào tiến kinh có bao giờ được giáp mặt. Bác Lê Tất Đắc vui mừng giữ họ lại để ăn cơm với ông Vĩnh Thụy. Nói là mía tiến, nhưng tất cả liên danh ứng cử Quốc hội hôm đó, trừ ông Vĩnh Thụy, nào ai được thưởng thức và biết cái quý giá của loại đặc sản này.

Qua câu chuyện của các già làng Yên Vĩ kể lại, thôn Yên Vĩ - Gia Mô có nhiều đồi, nhưng chỉ có hai đồi Bạng và đồi Ông Phụ có diện tích khoảng 11 mẫu Trung Bộ trồng được mía tiến mà thôi. Với khí hậu môi trường và đất Bazan giàu khoáng chất, lại có thêm các chất vi lượng riêng biệt nào đó nên cũng giống mía đó, đem trồng trên đất khác dù gần hai quả đồi này, chất ngọt và hương vị vẫn khác xa. Ngược lại nếu mía Kim Tân có tiếng từ trước, đem trồng ở đất này lại vẫn cứ ngon hơn trồng ở đất sở tại - Thạch Thành. Nhân dân Thanh Hóa có câu ca: tháng 6 hội gai, tháng 2 hội mía. Hội gai là hội đền Hàn, trúng vào mùa dứa gai, ở bên bờ sông Mã phía giáp với hai huyện Vĩnh Lộc và Hà Trung. Dứa gai thì nơi nào chả có, ai dại mà đi hội lại vác về cho nặng. Còn hội mía tức là trẩy hội đền Sòng. Bất kỳ ở đâu, vào hội đền Sòng xứ Thanh về, thế nào con cháu cũng được ăn mía tiến Triệu Tường. Cây mía quý ấy theo khách thập phương lên tàu, lên xe tỏa về khắp các tỉnh, dù đường xa, bẹ lá có héo đi mà vẫn còn ngon lạ lùng. Một lần được nếm những lóng mía ấy cũng đủ sướng rồi. Nếu róc vỏ, tiện ra, đổ vào cái âu để trong tủ lạnh thì vị thơm ngon thanh khiết đặc biệt kia còn gấp mấy lần hơn thế.

Cây mía tiến Triệu Tường, Yên Vĩ có lóng mía mềm, mắt mía cũng mềm, dùng tay bẻ được thành từng phần ngắn mà không nhất thiết phải tiện bằng dao. Người già hàm răng yếu vẫn ăn được mía này. Bã mía lúc nhả ra chỉ còn một chút xíu, nhưng lập tức nó lại xòe bung ra, trông khá thú vị. Mật mía tiến óng ánh như mật ong, để lâu không bị chua, không chỉ để nấu chè, mà còn dùng làm thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Cây mía tiến cũng còn được dùng trong hương liệu làm hương (nhang) quý. Thân mía tươi, thái mỏng, phơi khô và sao lên cùng với bã mía sau khi đã ép mật, tán thành bột trộn chung với mấy thứ nguyên liệu thuốc bắc khác nữa. Nén hương sẽ cháy đượm, tỏa hương thơm ngan ngát mà thanh tao, thêm cảm giác thành kính thiêng liêng trong ngày giỗ, ngày tết. Tháng Chạp thu hoạch mía, bà con thường dành lại số lớn cây tươi để bán cho khách thập phương, tháng 2 dự hội đền Sòng giá sẽ được gấp đôi lúc chính vụ. Muốn vậy phải bấng nguyên cả cụm đem về đặt xuống những hố đất trong vườn nhà mà vùi quanh gốc bằng cát ẩm. Thời còn phải tiến kinh, cây mía chở vào đến Huế vẫn còn giữ nguyên vẹn hương vị của nó là do người ta cũng theo cách này, chỉ khác là đặt trọn những cụm vào những thùng gỗ và cũng vùi với cát ẩm như vậy.

Câu chuyện nói đến đây, nét mặt của ông Vĩnh Thụy phảng phất một nỗi buồn xa xăm. Cảm giác hình như ân hận với việc chỉ biết hưởng thụ một thứ đặc sản xa xỉ phải vận chuyển từ đây vào Kinh (hơn 400 cây số) mà không biết người dân Yên Vĩ, Triệu Tường hàng năm phải vất vả đường trường để dâng hiến ra sao?

Lúc này nạn đói năm Ất Dậu vẫn hoành hành khắp nơi trong tỉnh. Dựa vào tình hình này, ông trình bày với ông chủ tịch tỉnh xin được góp một ít tiền cứu trợ vùng Triệu Tường, nơi quê gốc của các vua chúa triều Nguyễn kí thác mộ phần mà hàng năm triều đình vẫn cử người ra Thanh Hóa bái yết tiên linh. Lẽ nữa, nhân dịp này cũng là lúc trả nghĩa cho nhân dân Yên Vĩ, Triệu Tường đã bao năm lặn lội đường xa cung phụng cho một yêu cầu xa xỉ của vương triều.

Thấy đề nghị phù hợp với nguyện vọng chính đáng, lại có cử chỉ ân tình với quê hương bản quán, rất tốt cho sự ra mắt cử tri của ông ta nên đã được chủ tịch Lê Tất Đắc và Liên danh ứng cử Quốc hội chấp nhận.

Viết đến đây tôi thầm tiếc một sản phẩm quý của địa phương đã qua trên nửa thế kỷ, mà đất nước bây giờ đã sang thời mở cửa, vẫn chưa ai biết nắm lấy để phát triển thành một đặc sản cung cấp cho các khách sạn Á, Âu thành một loại giải khát đặc biệt, phục vụ cho người tiêu dùng, vì nó là một đặc sản giàu chất bổ, thực vật quý hiếm mà không có địa phương nào có.

Nếu đem xuất khẩu loại mía quý hiếm này thì chỉ hơn hai triệu người Việt ở nước ngoài được thưởng thức là một hạnh phúc ân tình với cội nguồn quê hương, thật khó mà diễn đạt thành lời.

Võ Thúc Loan


Võ Thúc Loan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]