(vhds.baothanhhoa.vn) - Tiền công đức được hiểu là sự đóng góp tùy tâm - tự nguyện của người dân khi đến các di tích, lễ hội. Dẫu vậy, xung quanh việc quản lý, sử dụng tiền công đức ở nhiều di tích, lễ hội những năm gần đây cũng không tránh khỏi bất cập gây xôn xao dư luận. Bởi vậy, việc minh bạch, rõ ràng trong tiếp nhận, sử dụng tiền công đức là yêu cầu thực tế.

Minh bạch tiền công đức

Tiền công đức được hiểu là sự đóng góp tùy tâm - tự nguyện của người dân khi đến các di tích, lễ hội. Dẫu vậy, xung quanh việc quản lý, sử dụng tiền công đức ở nhiều di tích, lễ hội những năm gần đây cũng không tránh khỏi bất cập gây xôn xao dư luận. Bởi vậy, việc minh bạch, rõ ràng trong tiếp nhận, sử dụng tiền công đức là yêu cầu thực tế.

Minh bạch tiền công đứcMinh bạch tiền công đức là yêu cầu cần thiết trong quản lý di tích, tổ chức lễ hội.

Người Việt khi đến tham quan, chiêm bái di tích, tham gia lễ hội luôn có thói quen tự nguyện công đức để bày tỏ sự thành tâm của mình cho việc quản lý, tu bổ di tích, tổ chức lễ hội được tốt hơn, từ đó góp phần vào việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Và dù số tiền công đức của người dân tự nguyện đóng góp cho các di tích, lễ hội ít hay nhiều thì việc quản lý công khai, sử dụng hiệu quả cũng là điều cần thiết.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trong cả nước có hơn 120 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia; hơn 10.000 di tích xếp hạng di tích cấp tỉnh; cùng với đó, mỗi năm trong cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, trong đó chiếm số lượng lớn là lễ hội dân gian truyền thống… Song trước đây đối với tiền công đức, tài trợ cho các di tích, hoạt động lễ hội lại chỉ dừng lại ở những công văn hướng dẫn chứ chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh về việc quản lý, thu chi đối với lĩnh vực này. Đây cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến việc lợi dụng để trục lợi từ việc quản lý di tích, tổ chức hoạt động lễ hội ở nhiều nơi.

Ngày 19-1-2023 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội với những nội dung quy định cụ thể về việc minh bạch tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn lời bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) liên quan đến Thông tư 04/2023/TT-BTC: Những năm qua việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, có xu hướng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế; còn để xảy ra tranh chấp ở một số di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng… làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo. Việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội trong tình hình mới bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường, đòi hỏi các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích vật chất cần được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng, loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm… Việc ban hành thông tư là thực sự cần thiết, tạo hành lang pháp lý để người dân và các tổ chức tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước, vừa tạo sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động, giúp đóng góp tích cực hơn cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa đất nước nói chung.

Cũng theo bà Vũ Thị Hải Yến, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Minh bạch tiền công đứcTheo Thông tư của Bộ Tài chính, để minh bạch tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng và ghi chép đầy đủ.

Nhằm minh bạch tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, các ban quản lý di tích và ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử; đối với tiền mặt phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có) định kỳ hàng ngày, hàng tuần kiểm đếm. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.

Nói về việc quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo Thông tư của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Tĩnh - Trưởng Ban quản lý Di tích đền Bà Triệu cho biết: “Di tích và Lễ hội đền Bà Triệu là một trong những di tích và lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh, hàng năm thu hút lượng lớn người dân, du khách về dâng hương, vãn cảnh. Trước khi có Thông tư của Bộ Tài chính, việc quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội tại di tích đền Bà Triệu đã được thực hiện chặt chẽ, cả ở việc ghi chép sổ sách và mở tài khoản; cùng với đó là kế hoạch chi cũng được xây dựng cụ thể hàng năm. Tôi cho rằng, minh bạch tiền công đức của người dân, tổ chức theo Thông tư 04/2023/TT-BTC là điều cần thiết đối với các di tích và ban tổ chức lễ hội”.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Văn Tuấn - Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa (nay là Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh) cho rằng: “Thanh Hóa có hơn 1.500 di tích đã được kiểm kê, trong một số lượng lớn di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh và cũng là địa phương có số lượng lớn lễ hội được tổ chức hàng năm, vì vậy yêu cầu về việc minh bạch tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo Thông tư của Bộ Tài chính là điều rất được người dân kỳ vọng. Thông tư là văn bản pháp lý quan trọng để đảm bảo sự minh bạch cần thiết. Bởi thực tế, ở không ít nơi hiện nay tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch”.

Bắt đầu từ ngày 19-3-2023, Thông tư 04 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội sẽ chính thức có hiệu lực. Hy vọng từ đây, câu chuyện minh bạch tiền công đức tại các di tích, lễ hội sẽ thực sự chặt chẽ, từ đó mang lại hiệu quả tích cực.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]