(vhds.baothanhhoa.vn) - “Tuy số tiền đóng góp không lớn, nhưng nguồn vốn xoay vòng đã trở thành điểm tựa giúp hội viên phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc mà mô hình góp vốn xoay vòng mang lại”. Đó là nhận xét của ông Lương Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Nam Động (Quan Hóa) khi nói về hiệu quả của mô hình góp vốn xoay vòng được triển khai trong những năm gần đây tại bản Bâu.

Mô hình góp vốn xoay vòng giúp phụ nữ khó khăn vươn lên thoát nghèo

“Tuy số tiền đóng góp không lớn, nhưng nguồn vốn xoay vòng đã trở thành điểm tựa giúp hội viên phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc mà mô hình góp vốn xoay vòng mang lại”. Đó là nhận xét của ông Lương Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Nam Động (Quan Hóa) khi nói về hiệu quả của mô hình góp vốn xoay vòng được triển khai trong những năm gần đây tại bản Bâu.

Mô hình góp vốn xoay vòng giúp phụ nữ khó khăn vươn lên thoát nghèoPhát huy hiệu quả vốn vay quay vòng, nhiều hộ dân trong bản đã tự nguyện góp công, góp của xây dựng Nhà văn hóa bản Bâu kiên cố, khang trang.

Bản Bâu có nhiều điều kiện phát triển kinh tế như trồng rừng, chăn nuôi. Tuy nhiên, một thời gian dài trước đây, đời sống của Nhân dân trong bản vẫn bộn bề khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn sản xuất. Nhận thức được vấn đề này, năm 2012 Chi hội Phụ nữ bản Bâu đã bàn bạc, thống nhất giúp đỡ chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ra đời và duy trì 9 năm qua, mô hình hội viên phụ nữ góp vốn xoay vòng, giúp nhau thoát nghèo, nâng cao thu nhập ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả.

Năm 2017, chị Hà Thị Nhung được vay 23 triệu đồng từ mô hình, đã đầu tư chăn nuôi lợn, gà, mua phân bón để cải tạo rừng luồng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Không dừng lại đó, chị Nhung tiếp tục đầu tư máy xay xát, mở rộng quy mô chăn nuôi và đầu tư chăm sóc rừng luồng. Hiện nay, gia đình chị đã có của ăn, của để và có điều kiện chăm sóc bố mẹ già, con cái.

Chị Hà Thị Nhung cho biết: “Có được ngày hôm nay, một phần là do mình phấn đấu, một phần nhờ sự hỗ trợ của chị em trong bản. Số vốn vay không được nhiều, nhưng thật ý nghĩa trong những lúc cần thiết. Nhờ nguồn vốn này, cuộc sống gia đình tôi không còn cảnh thiếu trước, hụt sau mà đã khá lên nhiều”.

Cũng như chị Hà Thị Nhung, cuộc sống gia đình chị Lương Thị Quê đã từng gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2015, được vay vốn quay vòng của Chi hội Phụ nữ bản Bâu, chị đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và gia cầm. Với sự cần cù, chịu khó, lại được cán bộ nông nghiệp của xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, vật nuôi sinh trưởng tốt, cho thu nhập ổn định. “Nhờ có vốn quay vòng của Chi hội Phụ nữ bản Bâu, gia đình tôi có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế và từng bước cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững”, chị Lương Thị Quê cho biết.

Hiện Chi hội Phụ nữ bản Bâu có 64 hội viên, đều đặn mỗi tháng sinh hoạt một lần. Qua những buổi sinh hoạt, chị em hội viên cùng nhau góp ý kiến thảo luận, chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con tốt, đặc biệt là nắm bắt tình trạng sử dụng đồng vốn quay vòng để bàn bạc giải quyết khó khăn phát sinh nếu có. Theo báo cáo của Chi hội Phụ nữ bản Bâu, từ nguồn vốn quay vòng đã có 20 hội viên được vay vốn vươn lên thoát nghèo bền vững, nhiều chị em còn vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay, bản Bâu chỉ còn 6 hộ nghèo, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm.

Bà Lục Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Động, cho biết: Mô hình góp vốn xoay vòng giúp hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế xuất phát từ tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của phụ nữ trong bản. Mô hình này có sức lan tỏa trong cộng đồng khi mỗi ngày lại có thêm nhiều phụ nữ trong bản tích cực tham gia tiết kiệm tiền, để có thêm nguồn vốn giúp đỡ cho những gia đình phụ nữ nghèo. Từ mô hình này, tinh thần đoàn kết của các phụ nữ trong thôn được nâng lên. Các chị sẵn sàng bỏ công việc gia đình mình để giúp đỡ những hội viên gặp khó khăn những khi cần thiết. Hiện mô hình vốn vay xoay vòng ở bản Bâu có 42 hội viên hội phụ nữ tham gia và chia thành 2 tổ. Khi tham gia mô hình này, mỗi hội viên sẽ đóng góp 1 -1,5 triệu đồng và ưu tiên cho hội viên gặp khó khăn sẽ được vay trước.

Từ thực tế cho thấy, mô hình này không chỉ nâng cao đời sống vật chất, mà còn hình thành ý thức tiết kiệm, tinh thần đoàn kết giúp nhau làm kinh tế vươn lên thoát nghèo, đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình, cũng như góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại bản Bâu nói riêng và xã Nam Động nói chung. Đây là cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc giảm nghèo bền vững, cần được nhân rộng.

Được vay vốn quay vòng của Chi hội Phụ nữ bản Bâu, xã Nam Động (Quan Hóa), chị Lương Thị Quê đầu tư mua phân bón phục tráng rừng luồng, mang lại hiệu quả kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]