Không sóng điện thoại, không điện, không nước sinh hoạt, hiểm nguy luôn rình rập… là những vất vả, nhọc nhằn không sao đong đếm được của những cán bộ Trạm bảo vệ rừng Khe Tòng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân. Vượt qua khó khăn đó, họ vẫn ngày đêm băng rừng, lội suối để tuần tra rừng, kịp thời ngăn chặn nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật, giữ bình yên cho “lá phổi xanh” của đại ngàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một ngày ở Trạm bảo vệ rừng Khe Tòng

Không sóng điện thoại, không điện, không nước sinh hoạt, hiểm nguy luôn rình rập… là những vất vả, nhọc nhằn không sao đong đếm được của những cán bộ Trạm bảo vệ rừng Khe Tòng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân. Vượt qua khó khăn đó, họ vẫn ngày đêm băng rừng, lội suối để tuần tra rừng, kịp thời ngăn chặn nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật, giữ bình yên cho “lá phổi xanh” của đại ngàn.

Một ngày ở Trạm bảo vệ rừng Khe TòngCán bộ Trạm bảo vệ rừng Khe Tòng (Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân) tuần tra bảo vệ rừng.

Từ đường mòn Hồ Chí Minh, men theo con đường nhấp nhô đất, đá nhỏ hẹp, băng qua những cánh rừng sâu hun hút, đưa chúng tôi đi, anh Hải – cán bộ Trạm bảo vệ rừng Đá Chai thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng vừa đi vừa nói: Để vào trong Trạm Khe Tòng, phải mất ít nhất gần 1,5 giờ đi xe máy qua những đoạn đường hiểm trở, trơn trượt với vô số muỗi, vắt. Là một trong bốn trạm bảo vệ rừng khó khăn, xa xôi bậc nhất của ban quản lý, cuộc sống của anh em thiếu thốn đủ bề.

Chúng tôi vào đến trạm cũng là lúc trời nhá nhem tối, trong căn nhà cấp 4 dựng tạm, đã xuống cấp là nơi sinh hoạt của 3 cán bộ bảo vệ rừng, họ đến từ những vùng quê khác nhau, vì tình yêu với rừng mà đã không quản ngại khó khăn, gian nan, vất vả bám trụ.

Tiếp chúng tôi trong bộ quần áo lấm lem bùn đất, vầng trán ướt đẫm mồ hôi, anh Nguyễn Sỹ Thượng (SN 1992) quê ở Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa - một trạm trưởng trẻ của ban quản lý hóm hỉnh chia sẻ: Mấy khi trạm mới có khách quý nên anh em tranh thủ đi suối bắt thêm ít cá, tôm cải thiện bữa ăn. Cách đây ít hôm, trên này mưa nhiều nên đường vào rất khó đi, nay ít mưa đường cũng khô ráo, đỡ trơn trượt. Trạm cách đường mòn Hồ Chí Minh hơn 25km, nếu thời gian mưa gió nhiều, đường đất rừng sạt trượt, lầy lội anh em phải ở gần nửa tháng trong rừng.

Học ngành Thủy Lợi, không biết duyên số đưa đẩy thế nào mà Thượng bén duyên với nghề. Đến nay ngót nghét đã gần 10 năm, trước khi lên công tác anh không nghĩ điều kiện sinh hoạt, làm việc lại kham khổ, thiếu thốn đến vậy. Ở trong môi trường “rừng thiêng, nước độc” không sóng điện thoại, không điện, không nước sinh hoạt, chưa kể mùa đông nền nhiệt độ xuống thấp hơn mức bình thường, tiếng gió rừng rít từng cơn… khiến anh có đôi lần chùn bước, sợ hãi.

Thượng tâm sự, nhờ sự bảo ban, giúp đỡ, động viên của anh em trong trạm mà tôi đã hòa nhập, bản thân bớt tự ti, bỡ ngỡ hơn trước. Sống ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, biệt lập với bên ngoài, cuộc sống tuy vất vả, thiếu thốn, lo từng bữa ăn, cái mặc hàng ngày, nhưng anh em luôn xác định nhiệm vụ công việc lên hàng đầu, dẫu khó khăn đến đâu cũng phải bảo ban nhau vượt qua. Nhiều lúc nhớ vợ, nhớ con nhưng phải nén lại.

Một ngày ở Trạm bảo vệ rừng Khe TòngCán bộ Trạm bảo vệ rừng Khe Tòng (Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân) tuần tra bảo vệ rừng.

Anh Vũ, quê Như Xuân - người được phân công thêm việc nội trợ, bếp núc, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, cho biết: Trạm bảo vệ rừng Khe Tòng có 3 người, được giao tuần tra, kiểm soát, bảo vệ và quản lý hơn 2.000ha rừng, gồm tiểu khu 646, 641 và tiểu khu 638. Trung bình, mỗi ngày anh em phải băng rừng, lội suối hơn 20km đường rừng để tuần tra, mà đi rừng khổ nhất lúc gặp mưa, quần áo ướt sũng, toàn thân lạnh toát, chưa kể muỗi, vắt cắn khắp người. Để chuyến đi tuần rừng đạt hiệu quả, trước ngày đi anh em dậy từ rất sớm chuẩn bị đồ đạc, lương thực, quần áo, vật dụng cá nhân, mang lương khô, mì tôm, vài ba chai nước lọc… đem theo ăn tạm trong rừng. Do là địa bàn giáp ranh với các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu của tỉnh Nghệ An, lâm tặc thường lợi dụng thời tiết xấu để xâm nhập, vì vậy càng những hôm thời tiết bất lợi, anh em lại càng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát.

Hơn 12 năm gắn bó với núi rừng, anh Lê Nhật Vượng (SN 1984) quê Thọ Xuân, cán bộ Trạm Khe Tòng đã từng phụ trách nhiều địa bàn khác nhau, nếm trải những năm tháng gian khổ của nghề bảo vệ rừng, am hiểu từng gốc cây, ngọn cỏ, địa hình rừng núi nơi đây.

Anh Vượng kể, cách đây vài năm trong chuyến tuần rừng, đoàn đi vào địa hình hiểm trở, trời nắng, nước mang đi cạn kiệt, chỉ gặp vũng nước nhỏ, không còn cách nào khác anh em đành lấy khăn lau mặt chắt lấy nước uống, nấu ăn. Buổi trưa, người tựa vào gốc cây, người nằm trên tảng đá nghỉ ngơi. Chưa kể địa bàn phức tạp, bản thân anh cùng anh em trong quá trình tuần rừng thường xuyên đối mặt với hiểm nguy khi bị lâm tặc đe dọa…

Đối với cán bộ Trạm bảo vệ rừng Khe Tòng, không những chịu áp lực về công việc, gánh nặng gia đình, mức thu nhập thấp khiến cuộc sống nhiều vất vả. Gần 47 tuổi, anh Vượng cũng chỉ có mức lương chưa đến 5 triệu đồng/tháng.

Để có thêm nguồn thu nhập anh Vượng cùng anh em trong trạm trồng thêm rau quả, đánh bắt cá, tôm ngoài khe suối cải thiện cuộc sống. Lãnh đạo ban cũng hỗ trợ một ít kinh phí từ quỹ công đoàn để trạm mua thêm dê, lợn chăn nuôi, rồi thầu đất rừng của dân để trồng keo, cao su tăng thu nhập. Mấy năm nay keo được giá nên cuộc sống gia đình các anh cũng đỡ vất vả hơn trước…

Ông Hàn Văn Huyền, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, cho biết: Ban hiện được giao 8.250ha rừng (bao gồm đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất), có 4 trạm bảo vệ rừng, mỗi trạm 3 cán bộ, điều kiện sinh hoạt tại các trạm thiếu thốn, vất vả. Khe Tòng là một trong những trạm xa xôi, khó khăn bậc nhất của ban, không có điện, không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt, lại nằm sâu trong rừng già. Nhưng anh em luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ...

Bài và ảnh: Lê Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]