(vhds.baothanhhoa.vn) - Vì sự tiện lợi, đơn giản nên mua hàng online đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích mua hàng đẹp mà rẻ, rất nhiều hình thức chào hàng trên các trang thương mại điện tử cố ý gây hiểu nhầm mà nếu không tinh ý hoặc không kiểm tra kỹ, rất có thể người mua sẽ “ném tiền qua cửa số”.

Mùa dịch, cẩn thận khi mua hàng online

Vì sự tiện lợi, đơn giản nên mua hàng online đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích mua hàng đẹp mà rẻ, rất nhiều hình thức chào hàng trên các trang thương mại điện tử cố ý gây hiểu nhầm mà nếu không tinh ý hoặc không kiểm tra kỹ, rất có thể người mua sẽ “ném tiền qua cửa số”.

Mùa dịch, cẩn thận khi mua hàng online

Rất nhiều gian hàng đăng bán các loại xe đẩy nhưng thực chất lại chỉ bán phụ kiện rời.

Trước đây, chị Nguyễn Thu Huệ (xã Tân Dân, thị Xã Nghi Sơn) chưa từng biết đến mua hàng qua mạng bao giờ. Từ khi chị sinh bé thứ hai, lại vào đợt dịch, bệnh bùng phát, chị mới tập tành lên các trang thương mại điện tử học cách mua hàng cho đỡ phải đi lại.

Lần đầu, chị đặt mua một tủ nhựa có nhiều ngăn để đựng quần áo vì thấy đang có chương trình khuyến mại. Chỉ 3 ngày sau, shipper đã gọi điện mang hàng đến tận nhà cho chị. Vì sợ không đúng mẫu như hình ảnh đăng bán nên chị nói bạn shipper cho kiểm tra hàng trước khi thanh toán và rất hài lòng về sản phẩm

Một hôm rỗi rãi, chị Huệ lại vào ứng dụng mua sắm trực tuyến, thấy có gian hàng đăng bán xe đẩy cho trẻ em với giá khá rẻ. Vậy là chị đăng ký mua ngay vì dù sao cũng đang cần có xe để đẩy con.

“Hôm shipper mang hàng đến lại đúng vào lúc mất điện, con nhỏ thì khóc quấy nên tôi đã không kiểm tra hàng mà gửi tiền luôn. Sau đó mở gói hàng ra thì thấy bên trong không phải một cái xe như hình đăng bán mà chỉ là một cái tay vịn. Quá ức chế, tôi liền gọi cho shipper thì bạn ấy nói chỉ là khâu trung chuyển, không biết gì về giao dịch của khách với các shop bán hàng trên mạng. Shipper cũng khuyên tôi lần sau trước khi nhận hàng nên kiểm tra ngay và quay video lại, nếu lỗi thuộc về người bán thì có thể trả lại, không phải thanh toán tiền. Từ bữa đó, thi thoảng tôi vẫn mua hàng trực tuyến nhưng đã cần thận hơn với mọi thông tin đăng bán cũng như khi nhận hàng”, chị Nguyễn Thu Huệ kể lại.

Mùa dịch, cẩn thận khi mua hàng online

Không phải khách hàng nào cũng may mắn mua được những chiếc đồng hồ “thông minh” đúng nghĩa.

Khác với chị Huệ, lâu nay chị Cao Ngọc Tú (phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa) lại là một tín đồ mua sắm online. Vì công việc bận lại thường xuyên phải về muộn nên những khi cần mua gì, chị đều tìm kiếm trên các sàn thương mại điện tử, ngoại trừ quần áo và dày dép.

Quan điểm của chị là chỉ mua hàng nếu được kiểm tra trước khi thanh toán, trường hợp không ưng thì có thể trả lại luôn cũng không mất gì. Nhưng gần đây khi lướt trên Shoppee, con gái chị thích một chiếc đồng hồ thông minh có cả chức năng nghe, gọi với giá là 139.000 đồng. Chị đặt mua và kiểm tra hàng cẩn thận ngay khi vừa nhận như mọi lần. Thấy hàng giống với hình ảnh quảng cáo nên chị đã thanh toán luôn. Hôm sau đi mua sim lắp vào gọi thử thì đầu dây bên kia lại không nghe được. Chị tìm số điện thoại gửi kèm ở trong hộp đồng hồ để gọi trả hàng nhưng chẳng lần nào thấy có người bắt máy. Từ đó, với mặt hàng điện tử, chị dặn mình là không được mua online nữa.

Rút kinh nghiệm từ những người mua hàng onlien từng phản ánh, chị Đỗ Thúy Hằng luôn rất cẩn thận bằng cách chọn những gian hàng uy tín dựa trên ý kiến đánh giá của người mua trước. Vừa qua, chuẩn bị cưới chồng cho con, chị có ý muốn mua giấy dán tường về để tân trang lại nhà. Chị nghĩ mua online sẽ rẻ hơn nên ngoài những kinh nghiệm kể trên, chị còn thử đặt mua trước một ít, nếu thấy ưng ý mới đặt tiếp với số lượng nhiều.

Chị Hằng kể: “Đợt hàng đầu là giấy trắng khổ to, kích thước là 70x70 cm, có nhũ vàng dán ở giữa các ô vuông. Tin tưởng, tôi đặt mua tiếp nhưng kiện hàng thứ hai về lại khổ nhỏ, kích thước có 30x30 cm nên tôi nhận ra ngay sự khác biệt. May mà bạn shipper đã kiểm tra lại mã đơn và nói là có người đánh cắp thông tin của tôi để giao hàng chứ chủ shop có thể không biết về việc này. Nhờ vậy mà tôi đã thoát được đơn hàng có giá thanh toán gần 2 triệu này”.

Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Ký (xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa) cũng là một bài học tương tự. Anh cho biết: "Nhiều năm nay dùng điện thoại trả sau rất tốn kém. Dịch bệnh khiến thu nhập bị ảnh hưởng nên đã đặt mua sim 4G trọn gói một năm không nặp tiền MDT250A với giá 430.000 đồng. Khi nhận hàng, shipper hỏi tôi có cần mở hàng ngay để bạn ấy quay video nhưng vì nghĩ kiểm tra hàng là phải lắp ráp vào điện thoại rất mất thời gian, lại nghĩ bạn shipper đã nói tự tin như vậy thì hàng chắc phải chuẩn. Hôm sau đem lắp vào điện thoại mới biết, đó chỉ là một sim bình thường có giá 88.000 đồng. Thế là đành vứt bỏ, coi như một bài học khi mua hàng qua mạng”.

Trên đây mới chỉ là một số trường hợp vì chủ quan đã mua phải hàng không đúng như hình ảnh quảng cáo, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội. Dù số tiền mỗi người bị mất không nhiều nhưng nếu trong một thời gian dài mà nhiều người cùng “ném tiền qua cửa số” như vậy thì đã vô tình tạo ra mảnh đất mầu mỡ để những kẻ lừa đảo hưởng lợi. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để sớm “làm sạch” môi trường kinh doanh mạng. Có như thế Nghị định 98/2020/ NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” mới phát huy hiệu quả.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]