(vhds.baothanhhoa.vn) - Lê Minh Hiếu (sinh năm 1997) sinh ra và lớn lên tại xã Quảng Nham (Quảng Xương) hiện là sinh viên năm thứ 3 Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Từ việc mong muốn có thu nhập, em đã quyết định thành lập Văn phòng dịch vụ “Shipper 24/7”, tại số 58, Phan Huy Ích, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mưu sinh trong mùa dịch: Đi tìm cơ hội việc làm...

Lê Minh Hiếu (sinh năm 1997) sinh ra và lớn lên tại xã Quảng Nham (Quảng Xương) hiện là sinh viên năm thứ 3 Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Từ việc mong muốn có thu nhập, em đã quyết định thành lập Văn phòng dịch vụ “Shipper 24/7”, tại số 58, Phan Huy Ích, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa).

Mưu sinh trong mùa dịch: Đi tìm cơ hội việc làm...

Chàng sinh viên mở dịch vụ “Shipper 24/7”

Bắt đầu từ tháng 7-2020, đúng khoảng thời gian Hiếu về nhà để học online, văn phòng khai trương. Từ những kiến thức học được trên giảng đường kết hợp độ nhạy bén trong kinh doanh, sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, em nhận ra còn một khoảng trống trong việc mua hộ hàng và nhận đơn của các cửa hàng trong khu vực TP Thanh Hóa. Ngay lập tức, em tuyển 15 người giao hàng và 2 nhân viên trực tổng đài. “Với số vốn ban đầu ít ỏi, chỉ tiền thuê địa điểm, mua quần áo, trang thiết bị cho anh, em tài xế đã mất 20 triệu, số tiền còn lại chỉ vừa đủ một tháng lương cho nhân viên. Có những lúc em đã nghĩ đến việc đóng cửa văn phòng. Tuy nhiên, may mắn ở chỗ là hầu hết tài xế đều hiểu và chấp nhận thiệt thòi cùng em vượt qua giai đoạn khó khăn”, Hiếu bộc bạch.

Giữa thời buổi khó khăn, một sinh viên tạo việc làm, mang lại thu nhập cho 15 người là điều không dễ. Trải qua 1 năm kể từ ngày bắt đầu hoạt động, đến nay mỗi ngày “Shipper 24/7” hoàn thành trên 500 đơn hàng và có thể vận chuyển từ 800 - 1.000 đơn hàng. Trừ chi phí và trả lương cho tài xế, Hiếu thu về từ 10-15 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng với Hiếu, quan trọng hơn là đã tạo được công việc ổn định cho nhiều người trong thời buổi kiếm việc không dễ.

Bỏ việc chuyên môn để bán hàng online

5 giờ sáng, chị Nguyễn Bích Ngọc (số 225 Nguyễn Trãi, phường Bắc Sơn, TP Sầm Sơn) đã có mặt tại khu vực thuyền bè cập bến. Chị cho biết: “Đi chợ giờ này dễ lựa chọn các mặt hàng hải sản tươi ngon. Kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19, tôi quyết định nghỉ hẳn vị trí kế toán doanh nghiệp để tập trung bán hàng online, do lượng đơn ngày càng nhiều hơn”.

Mưu sinh trong mùa dịch: Đi tìm cơ hội việc làm...

Chị Nguyễn Bích Ngọc chuẩn bị nguyên liệu để làm món nem cho khách hàng.

Vì bán mặt hàng hải sản nên chị Ngọc thường xuyên chụp ảnh đăng lên mạng xã hội facebook. Dần dần không chỉ bán hàng tươi sống, chị còn bán những món do chính tay mình nấu. Chị chia sẻ: “Nấu ăn là đam mê của tôi. Khi tôi nấu cho mình ăn, đồng thời cũng nghĩ nấu thêm tí này tí kia mang cho các cô, các bác thưởng thức cùng. Ban đầu đơn giản chỉ như vậy. Mỗi lần nấu ăn xong lại tỉ mẩn trình bày rồi đăng lên facebook. Bạn bè thích thú nên mong muốn, thậm chí yêu cầu được nếm thử. Từ đó tôi mới nghĩ đến việc mở bếp online, hướng đến đối tượng khách hàng có điều kiện khá”. Các món ăn của chị chủ yếu là: Cá trắm kho, rạm rang lá lốt, canh cua thập cẩm, cà muối cay... Có lợi thế ở ngay sát biển, sáng sớm đi ra bến thuyền, chọn mua những loại hải sản tươi nhất, ngon nhất, vì thế thực đơn của chị luôn theo mùa, đáp ứng nhu cầu của thực khách.

Đối tượng khách hàng của chị Ngọc chủ yếu ở khu vực TP Thanh Hóa và Hà Nội. “Bán hàng online khá vất vả, một mình tôi loay hoay đóng gói hải sản tươi từ sáng sớm, gần trưa lại vào bếp. Tuy vậy, mô hình online này mỗi tháng trừ hết mọi chi phí, tôi có thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng. Tôi là người Ninh Bình, lấy chồng về đây, quan sát từ thực tế, tôi thấy Sầm Sơn hiện có nhiều món ăn ngon nhưng chưa đặc sắc. Chủ yếu vẫn là những món chế biến nhanh mà ở vùng biển nào cũng có. Trong khi chỉ cần chăm chút hơn thì sẽ là một món ăn đặc sắc, khác biệt với những vùng biển khác", chị Ngọc chia sẻ.

Trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chị đã dự định mở một cửa hàng ở tại Sầm Sơn, rồi phải hoãn lại. Nhưng việc chuyên tâm bếp online cũng đủ để chị ổn định cuộc sống và tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động.

Doanh số bán thiết bị máy tính, điện thoại tăng

Hầu hết các ngành nghề hiện nay có thể duy trì và phát triển được đều tập trung vào nhóm kinh doanh điện tử trên môi trường công nghệ số. Cùng với sự phát triển của các nghề như shipper, bán hàng online, thì một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng có doanh số bán hàng tốt.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Tân Thanh Phương (số 1, Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) là một trong số những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin có uy tín trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo giám đốc Nguyễn Viết Thanh: Doanh số bán hàng các thiết bị công nghệ thông tin của chúng tôi trong thời gian dịch COVID-19 tăng đáng kể. Thậm chí có thời điểm tăng hơn 300%. Đặc biệt khi các nhà trường đóng cửa, yêu cầu dạy và học online thì các thiết bị như máy tính, điện thoại đều bán chạy”. Anh Thanh nhận định, chính đại dịch COVID-19 sẽ tạo nên sự dịch chuyển giữa các nhóm ngành; các doanh nghiệp và nhà trường cũng sẽ chọn xu hướng công nghệ để kinh doanh và đào tạo trong thời gian tới.

Để bắt kịp xu thế, anh Thanh đã thành lập sàn thương mại điện tử với tên miền là: langnghethanhhoa.vn, nhằm hỗ trợ toàn bộ các sản phẩm làng nghề truyền thống ở Thanh Hóa và rau củ quả an toàn. Dù mới thành lập, nhưng sàn thương mại điện tử này đã có hơn 500 gian hàng của tỉnh và nhiều cơ sở làng nghề với lượng khách hàng ghé thăm lên tới 10.000 người/ngày. Tiêu chuẩn để các sản phẩm làng nghề có mặt trên sàn điện tử này là phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và đặc biệt phải thực hiện đúng quy chế sàn đề ra. Thời điểm này, các gian hàng đều được mở miễn phí. Anh Nguyễn Viết Thanh chia sẻ: "Tôi muốn hỗ trợ các làng nghề, các sản phẩm sạch. Sau khi sàn đi vào hoạt động tốt, tôi sẽ bán quảng cáo. Đây chính là xu hướng mà hầu hết các sàn thương mại điện tử đang áp dụng và cho nhiều lợi nhuận”.

Dịch COVID-19 đang tạo cơ hội cho những ngành nghề liên quan đến kinh doanh số “thời 4.0” ngày càng phát triển, mở ra cơ hội việc làm cho không ít người.

Bài và ảnh: Chi Anh


Bài và ảnh: Chi Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]