(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, các ngành nghề như du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn... chịu ảnh hưởng trực tiếp. Cân bằng để “đứng vững” nhằm vượt qua đại dịch vẫn đang là thách thức đối với không ít cơ sở kinh doanh, người làm nghề.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mưu sinh trong mùa dịch: Hệ lụy...

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, các ngành nghề như du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn... chịu ảnh hưởng trực tiếp. Cân bằng để “đứng vững” nhằm vượt qua đại dịch vẫn đang là thách thức đối với không ít cơ sở kinh doanh, người làm nghề.

Mưu sinh trong mùa dịch: Hệ lụy...

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn TP Sầm Sơn trở nên đìu hiu.

Nỗi buồn... “thời dịch bệnh”

Gần 15 năm trong nghề hướng dẫn viên du lịch, lần đầu tiên trong vòng 6 tháng đầu năm, anh Nguyễn Trọng Hùng, phường Tĩnh Hải (thị xã Nghi Sơn) chỉ nhận được duy nhất 1 tour, chưa kể năm 2020 cũng là một năm “nhàn rỗi”, không có thu nhập. Anh Hùng chia sẻ: “Khi dịch bệnh chưa bùng phát, vào mỗi dịp cuối tuần tôi đều kín lịch dẫn tour cho khách du lịch, thậm chí vào những dịp cao điểm còn phải lên kế hoạch trước đó cả tháng. Thu nhập từ nghề hướng dẫn viên du lịch khá ổn. Cứ nghĩ dịch bệnh chỉ là tạm thời, tuy nhiên gần 2 năm nay không có thu nhập, buộc tôi phải chuyển nghề để lo kinh tế cho gia đình”.

“Năng động, nhạy bén cũng không bằng gặp thời” là tâm sự đầy chua chát của anh Nhữ Mai Trọng, ở phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) sau khi quyết định đóng cửa nhà hàng của mình chỉ sau đúng 15 ngày hoạt động. Đầu năm nay, khi dịch bệnh có vẻ tạm lắng, du lịch có những dấu hiệu hồi phục, anh Trọng quyết định thuê cơ sở mở nhà hàng “136 Sầm Sơn” kinh doanh ăn uống phục vụ du khách. “Nhà hàng được đầu tư xây dựng hơn 4 tỷ đồng, tôi chỉ thuê lại. Song chỉ mới hoạt động từ ngày 15-4 đến ngày 1-5 thì phải quyết định đóng cửa do dịch bệnh bùng phát. Không có lãi, ngược lại lỗ hơn 200 triệu đồng, nếu cứ cố duy trì, chắc chắn còn lỗ nhiều hơn”.

Ông Đỗ Hoàng Hữu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Hữu Nghị, cho biết: "Với gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đây là thời điểm khó khăn nhất với công ty. Gần 2 năm, cùng với ngành du lịch trong tỉnh và cả nước, hoạt động của công ty gần như bị đóng băng hoàn toàn. Trong khi đó, công ty vẫn thường phải chi trả các khoản phí liên quan đến vé máy bay, hạn tín dụng, thuê trụ sở,... Sức ép tài chính của công ty hiện nay vô cùng lớn”.

Là cơ sở kinh doanh ăn uống chuyên về các món nấm, với tiêu chí sức khỏe - bổ dưỡng - trường thọ, Nhà hàng lẩu nấm Hoàng Long (TP Thanh Hóa) từ lâu được nhiều người yêu ẩm thực xứ Thanh biết tới. Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hoạt động của nhà hàng chỉ ở mức cầm chừng với công suất trung bình khoảng 25 - 30% và doanh thu khoảng 20% so với năm chưa có dịch. Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 (từ 27-4), để đảm bảo an toàn trong việc phòng, chống dịch, từ ngày 15-5 nhà hàng đã chủ động đóng cửa gần 1 tháng.

Đây chỉ là số ít trong hàng trăm cơ sở kinh doanh, hàng ngàn người lao động trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh nhà hàng, khách sạn đang phải đối mặt trực tiếp với hậu quả do dịch bệnh gây ra. Họ phải chọn giải pháp tìm công việc mới để mưu sinh, hoặc cố gắng “cầm cự” với hy vọng dịch bệnh qua đi để phục hồi. Và dù lựa chọn phương án nào đi nữa, cũng là hết sức khó khăn.

“Cân bằng” để vượt qua thách thức

Để duy trì hoạt động của Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Hữu Nghị, lãnh đạo doanh nghiệp đã phải cắt giảm 50% nhân sự, chủ yếu là ở các bộ phận kinh doanh, hướng dẫn viên... Tương tự, với Nhà hàng lẩu nấm Hoàng Long, khi dịch bệnh COVID-19 chưa xảy ra, có khoảng 30 nhân viên. Hiện tại, dù rất nỗ lực song gần 40% nhân viên của nhà hàng đã phải chấp nhận nghỉ việc. Anh Lục Vĩnh Hưng, Giám đốc Nhà hàng lẩu nấm Hoàng Long, chia sẻ: “Để đảm bảo mức lương trung bình từ 8 - 10 triệu/tháng cho nhân viên đang làm việc tại nhà hàng thực sự là áp lực rất lớn. Nhưng vẫn phải cố gắng duy trì, bởi gây dựng được thương hiệu không phải chuyện sớm, chiều. Chỉ hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, cuộc sống bình thường trở lại. Có như vậy mới mong phục hồi hoạt động kinh doanh. Nếu tình trạng như hiện nay kéo dài, không dám chắc nhà hàng còn có thể bám trụ được trong bao lâu nữa”.

Mưu sinh trong mùa dịch: Hệ lụy...

Nhà hàng lẩu nấm Hoàng Long (TP Thanh Hóa) nỗ lực duy trì hoạt động với hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

3 tháng mùa hè vẫn được xem là “thời điểm vàng” của du lịch biển Sầm Sơn. Vậy nhưng, trong tháng 5 và tháng 6 có tới 690 cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn thành phố hầu như vắng khách. Điều này kéo theo hệ lụy 262 cơ sở kinh doanh ăn uống cũng trong tình trạng đìu hiu, hoạt động cầm chừng, hoặc phải đóng cửa. Bà Đàm Thị Thái, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Sầm Sơn, cho biết: “Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng gần 20 nghìn lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn ở TP Sầm Sơn”.

Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Phương, Phòng Văn hóa - Thông tin TP Thanh Hóa: “Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến cho hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú trên địa bàn thành phố gặp không ít khó khăn. Công suất hoạt động của các cơ sở lưu trú ước đạt chỉ khoảng 20 - 30%".

Bên cạnh các cơ sở lựa chọn giải pháp đóng cửa, ngừng kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động một cách cầm chừng. Song, để giảm chi phí vận hành, phải cho một bộ phận người lao động nghỉ việc là điều không thể tránh khỏi. Ông Lê Văn Trường, Trưởng phòng Dự báo thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), đánh giá: Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn. Chỉ riêng trên địa bàn TP Sầm Sơn, so với cùng kỳ những năm chưa có dịch, số lượng lao động đang làm việc chỉ khoảng 15%. Người lao động bị mất việc chủ yếu là lao động thời vụ, làm bán thời gian, rất khó để được nhận hỗ trợ.

Gần 2 năm đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, tổn thất về kinh tế là vô cùng lớn. Dẫu vậy, xác định đây là “cuộc chiến” lâu dài, giữa muôn vàn khó khăn, doanh nghiệp và người dân vẫn đang lựa chọn đối mặt để vượt qua thách thức. Và với riêng các ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng, lưu trú..., nỗ lực “giữ thăng bằng” để tồn tại, nắm bắt cơ hội phục hồi, phát triển khi có điều kiện rất cần đến “bản lĩnh” của người đứng đầu.

Bài và ảnh: Khánh Lộc


Bài và ảnh: Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]