(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh nói chung, TP Thanh Hóa nói riêng diễn ra khá phổ biến. Lỗi mà các đối tượng này vi phạm khi tham gia giao thông chủ yếu: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, luồn lách, đánh võng, không chấp hành tín hiệu giao thông... Đây là những lỗi vi phạm dễ xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.

Ngăn thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông: Đâu là giải pháp?

Hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh nói chung, TP Thanh Hóa nói riêng diễn ra khá phổ biến. Lỗi mà các đối tượng này vi phạm khi tham gia giao thông chủ yếu: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, luồn lách, đánh võng, không chấp hành tín hiệu giao thông... Đây là những lỗi vi phạm dễ xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.

Ngăn thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông: Đâu là giải pháp?Lực lượng Cảnh sát Cơ động phối hợp với Công an TP Thanh Hóa, công an xã, phường, chính quyền địa phương đến nhà làm việc với đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ATGT.

Ngang nhiên vi phạm...

Đi trên các tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa, dễ dàng bắt gặp tình trạng một số thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đi với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... gây mất TTATGT và dễ xảy ra TNGT. Điều đáng nói, các thanh, thiếu niên đó đều biết đang vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Song, do tâm lý hiếu thắng, bốc đồng, a dua nên sẵn sàng vi phạm luật.

Nằm trong nhóm đối tượng đi xe mô tô với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm... bị cán bộ Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh phát hiện xử lý, Nguyễn Xuân Tú, SN 2005, phường Đông Hương nói: Cháu biết, điều khiển phương tiện tham gia giao thông với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng và không đội mũ bảo hiểm rất dễ xảy ra TNGT và nguy hiểm đến tính mạng... nhưng do không làm chủ được mình nên khi được bạn bè, các anh lôi kéo “tìm cảm giác mạnh”, cháu đã trốn bố mẹ, tụ tập cùng đám bạn và các anh đi xe với tốc độ cao trên một số tuyến đường của thành phố. Từ khi bị cảnh sát cơ động phát hiện, rồi cùng chính quyền địa phương đến tận nhà gặp gỡ, trao đổi với bố mẹ kèm theo những bằng chứng vi phạm của cháu và đám bạn được ghi lại qua hình ảnh, cháu không dám tụ tập và đi xe với tốc độ cao như vậy nữa.

Còn Nguyễn Trọng Thắng, SN 2006, phường Điện Biên giãi bày: Do thiếu hiểu biết pháp luật về TTATGT nên khi được nhóm bạn bè rủ đi “bão” tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố, cháu đồng ý nhập cuộc. Khi đang “bốc đầu” ở Đại lộ Lê Lợi, nhóm của cháu gặp cảnh sát cơ động tuần tra, kiểm soát nên cả nhóm trêu chọc bằng cách chèn ép đầu xe, lạng lách, đánh võng ngay trước mặt. Hành động này, khi được cảnh sát cơ động cùng chính quyền địa phương đến tận nhà gặp gỡ, trao đổi..., cháu nhận ra và cảm thấy xấu hổ về hành vi nông nổi của mình.

Nói về thực trạng thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố vi phạm TTATGT có tổ chức, Thượng tá Nguyễn Văn Chung, Trưởng Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh cho biết: Qua rà soát, nắm bắt tình hình, trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận có khoảng 11 ổ, nhóm gồm: “Bắc cọp”, “Thanh béo”, “Thiết Đạt”... với khoảng 80 đối tượng, có độ tuổi từ 15-18 tuổi thường xuyên tụ tập đi xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm vào thời điểm từ 21-24h. Những đối tượng này, khi phát hiện thấy lực lượng cảnh sát cơ động đi làm nhiệm vụ, chúng trêu chọc bằng cách chèn ép đầu xe, lạng lách, đánh võng ngay trước mặt. Hành vi này, không chỉ đe dọa đến tính mạng cho chính bản thân đối tượng, gây nguy hiểm cho người, phương tiện khi tham gia giao thông mà còn như lời thách đố, khiến dư luận bức xúc.

Giải pháp ngăn chặn

Để ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về TTATGT, nhất là các hành vi đi xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh với vai trò là lực lượng chủ công đã tiến hành khảo sát, rà soát, nắm phương thức hoạt động của các nhóm thanh, thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án phòng, chống đối tượng điều khiển phương tiện mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng...

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Chung, Trưởng Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh thì điểm khác biệt của Thanh Hóa so với các tỉnh, thành phố trong cả nước trong phòng, chống đối tượng thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện mô tô, xe máy đi với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, đó là: Không tổ chức vây bắt trực tiếp vì dễ gây tai nạn cho chính đối tượng, người tham gia giao thông và cả cán bộ làm nhiệm vụ mà vây bắt đối tượng vi phạm bằng cách đến tận nhà đối tượng. Thay vào đó, sau khi củng cố hoàn thiện hồ sơ đối tượng vi phạm (họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà, loại xe vi phạm, ngày, giờ, hình thức vi phạm... kèm theo những hành vi vi phạm được ghi hình, ghi âm) sẽ phân loại đối tượng, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp. Trường hợp đối tượng a dua, không phải đối tượng cầm đầu, phòng phối hợp Công an thành phố, công an xã và chính quyền địa phương đến tận nhà đối tượng gọi hỏi, răn đe. Thông qua các hình ảnh vi phạm được xem qua camera, ghi âm, ghi hình, đối tượng chấp nhận hành vi vi phạm của mình và đồng ý cùng phụ huynh lên phường làm việc. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Chung, đây được xem là giải pháp tối ưu, đạt hiệu quả cao, đảm bảo an toàn nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ của gia đình cũng như bản thân đối tượng. Với những trường hợp cố tình vi phạm và gia đình thiếu trách nhiệm đối với con cái, buộc phải sử dụng biện pháp vây bắt nguội - bắt bất ngờ khi đối tượng vào quán cà phê, hay đang trên đường về nhà...).

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Cơ động đã xử lý 39 trường hợp đi xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng... với số tiền xử phạt trên 90 triệu đồng. Bên cạnh đó, 280 trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm TTATGT với các lỗi vi phạm chủ yếu: không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... cũng được Công an TP Thanh Hóa phát hiện, xử lý từ đầu năm đến nay. Qua đó, đã góp phần giảm rõ rệt tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về TTATGT trên địa bàn thành phố, được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông - khi mà thủ đoạn của đối tượng ngày càng tinh vi như tháo hoặc che biển số, theo Thượng tá Nguyễn Văn Chung, giải pháp cần tập trung trong thời gian tới đó là: Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức, cần nâng cao vai trò của gia đình, dòng họ, nhà trường, chính quyền phường, xã trong việc giáo dục thanh, thiếu niên chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT. Nếu phát huy tốt được vai trò này cùng với việc lực lượng chức năng sử dụng các phương án, chiến thuật nghiệp vụ, chắc chắn rằng tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm TTATGT, sẽ được giải quyết triệt để.

Thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, năm 2020, toàn quốc xảy ra 14.977 vụ TNGT, làm chết 6.857 người, bị thương 11.161 người. Trong đó phân tích số liệu chưa đầy đủ của công an các địa phương về độ tuổi của người bị nạn và người điều khiển phương tiện gây tai nạn cho thấy trong số 10.357 người bị nạn có 974 người dưới 18 tuổi, 3.524 người từ trên 18-30 tuổi; 4.019 người gây tai nạn có 260 người dưới 18 tuổi, 1.460 người từ trên 18-30 tuổi.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]