(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước đây, hoạt động sản xuất chính của đồng bào dân tộc Mông ở bản Pom Khuông, xã Tam Chung (Mường Lát) là làm nương rẫy, trồng rừng thì nay bà con đã biết trồng cây lúa nước, trồng cây ăn quả và chăn nuôi trâu bò. Thay đổi đó là nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của mỗi người dân và nhất là vai trò của những người trẻ tiên phong trong việc đổi mới nếp nghĩ, cách làm.

Ngày mới ở Pom Khuông

Trước đây, hoạt động sản xuất chính của đồng bào dân tộc Mông ở bản Pom Khuông, xã Tam Chung (Mường Lát) là làm nương rẫy, trồng rừng thì nay bà con đã biết trồng cây lúa nước, trồng cây ăn quả và chăn nuôi trâu bò. Thay đổi đó là nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của mỗi người dân và nhất là vai trò của những người trẻ tiên phong trong việc đổi mới nếp nghĩ, cách làm.

Ngày mới ở Pom KhuôngBí thư chi bộ kiêm trưởng bản Pom Khuông Lý Seo Châu (người thứ 2 từ trái sang) tại Đại hội đại biểu Hội Làm vườn và Trang trại huyện Mường Lát.

Người “mở lối” làm giàu ở Pom Khuông

Gặp Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Pom Khuông Lý Seo Châu tại Đại hội đại biểu Hội Làm vườn và Trang trại của huyện Mường Lát, tôi ấn tượng bởi chàng trai dân tộc Mông là một trong những hội viên trẻ tuổi nhất về dự đại hội. Sinh năm 1990, nhưng Lý Seo Châu đã có 2 nhiệm kỳ làm bí thư kiêm trưởng bản và hiện còn là Chi hội trưởng Chi hội Làm vườn và Trang trại bản Pom Khuông. Không chỉ là cán bộ trẻ năng nổ, nhiệt tình trong công việc, anh còn là người đi tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình ở Pom Khuông.

- Cán bộ bản có bí quyết gì để bà con nghe và làm theo?.

Chẳng cần suy nghĩ nhiều, Lý Seo Châu trả lời: “Trước đây bà con chủ yếu là làm nương rẫy, chăn nuôi cũng nhỏ lẻ, diện tích lúa nước ít nên vất vả lắm, vào tháng 3, tháng 4 là hết lúa, hết gạo phải chờ Nhà nước cứu đói. Cái đói, cái nghèo luôn đeo bám. Được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản, muốn bà con làm theo thì mình và gia đình mình phải làm gương trước. Bà con thấy hiệu quả thì mới làm”.

Để minh chứng cho những điều vừa nói, anh tiếp tục dẫn giải, hiện nay gia đình có 20 con bò và từ năm 2015 bắt đầu nuôi bò theo hình thức vỗ béo, nghĩa là sẽ chọn lọc những con khỏe đẹp và nuôi nhốt, trồng cỏ làm thức ăn cho bò. “Gia đình tôi là hộ đầu tiên của bản nuôi bò theo hình thức vỗ béo. Bò được chăm sóc, ăn uống đầy đủ nên lớn nhanh, giá bán cũng cao hơn. Vừa nuôi bò, tôi vừa vận động bà con nuôi theo hướng mới. Hiện nay, toàn bản có 250 con trâu bò, hơn 2.000 con gia cầm, đã có 15 hộ đang nuôi bò vỗ béo, mỗi con bò sau khi nuôi vỗ béo trung bình bán ra thị trường có giá hơn 30 triệu đồng”.

Hình thức nuôi bò vỗ béo giúp giảm được tình trạng thả rông, ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng được phụ phẩm từ cỏ, ngô, sắn và cây chuối, phòng trừ dịch bệnh và giá bán luôn cao hơn.

Không chỉ có nuôi bò vỗ béo, gia đình Lý Seo Châu còn trồng hơn 200 cây ăn quả như nhãn, xoài, vải thiều. Chi hội Làm vườn và Trang trại bản Pom Khuông có 60 hội viên và Lý Seo Châu là chi hội trưởng, vì vậy anh trở thành cầu nối gắn kết các hội viên cùng học hỏi nhau trong cách làm vườn, phát triển kinh tế. Ở bản còn có gia đình ông Lý Seo Thề là hộ trồng nhiều cây nhãn, ổi và nuôi bò vỗ béo, cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm; gia đình Hầu A Dìa và Mùa A Hồ có mô hình trồng ổi cũng cho thu nhập ổn định.

Tháng 6-2022, bản Pom Khuông được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ. Bà con trong bản lâu nay chỉ chăn nuôi gà nhỏ lẻ, chủ yếu là giống gà bản địa, thả tự nhiên nên khi được lựa chọn để nuôi gà theo hình thức chuồng trại, thức ăn mới, bà con rất bỡ ngỡ. Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Lý Seo Châu là người đầu tiên xung phong để nuôi gà theo phương pháp mới và tuyên truyền cho bà con mạnh dạn chăn nuôi. Được cán bộ huyện, tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, làm chuồng trại, 10 hộ dân trong bản đã mạnh dạn nhận nuôi tổng cộng 1.000 con gà. Trong đó các hộ gia đình anh Sùng A Pao, Lý Seo Dơ, Giàng A Hòa, Sùng A Giống... đã xuất bán lứa đầu tiên. Từ mô hình nuôi gà thịt, Lý Seo Châu nhen nhóm ý tưởng tiếp tục chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ, vận động bà con trong bản áp dụng kỹ thuật mới vừa được cán bộ tỉnh, huyện hướng dẫn để phát triển chăn nuôi.

Ông Nguyện Văn Biện, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát cho biết: Mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ tại bản Pom Khuông đã đem lại hiệu quả, từng bước giúp bà con tiếp cận phương thức chăn nuôi mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, chủ động phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao thu nhập. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống, thức ăn trong chăn nuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.

Chung tay xây dựng bản nông thôn mới

Còn nhớ, cách đây 10 năm, Pom Khuông nằm biệt lập so với những bản khác của xã Tam Chung. Cái nghèo, cái khó hiện lên trên từng nóc nhà, con đường và những người mà tôi gặp, trong đó day dứt mãi là hình ảnh về nồi cơm nhỏ được vạch một đường ngăn đôi để đánh dấu cho bữa trưa và bữa chiều trong căn bếp xiêu vẹo của một hộ dân...

Sau 10 năm, Pom Khuông đã thay đổi và đang nỗ lực về đích nông thôn mới (NTM) trong năm 2022. Không chỉ vận động bà con thi đua phát triển kinh tế, nuôi bò vỗ béo, trồng cây ăn quả, ban quản lý bản mà đầu tàu là Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Lý Seo Châu còn vận động bà con chung tay xây dựng NTM như đóng góp sức người lấy cát sửa sang nhà cửa, các tuyến đường nội bản; vận động bà con trồng lúa lai có năng suất cao như PC15; vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình, bản văn hóa... Vừa qua, Đồn Biên phòng Tam Chung, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Lát, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5, cán bộ công chức xã Tam Chung đã đóng góp số tiền 23 triệu đồng hỗ trợ cho một số hộ bản Pom Khuông chưa có nhà vệ sinh được xây mới, góp phần hoàn thành tiêu chí trong xây dựng NTM.

Ngày mới ở Pom KhuôngGia đình anh Lý Seo Châu, bản Pom Khuông, xã Tam Chung làm giàu từ mô hình nuôi bò vỗ béo.

Ông Hà Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung cho biết: Xã có 8 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái sinh sống. Là xã vùng cao thuần nông, nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, ngành nghề dịch vụ và lao động đi làm ăn xa. Những năm qua, để giúp bà con nơi đây thoát nghèo, ổn định cuộc sống, địa phương đã triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhà nước. Từ các chính sách hỗ trợ, bà con trong bản đã đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, trồng rừng, nên mức sống dần được nâng lên. Năm 2022, xã có 2 bản đăng ký xây dựng NTM, trong đó có bản Pom Khuông và hiện nay bản đã đạt 13/14 tiêu chí. Lấy thực tiễn xây dựng NTM ở Pom Khuông làm bài học, xã tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Đồng thời huy động, lồng ghép, bố trí hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Không ngừng phát huy vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM; giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội nông thôn.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]