(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhìn đôi bàn tay chai sần, lồi lõm sẹo của anh Hải (quê ở phường Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa) – người đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề thợ sắt, tôi đã phần nào hiểu được, tại sao có những người mới bước chân vào nghề này đã vội vàng... tháo chạy. Nhưng cũng chính điều đó giúp tôi nhận ra rằng, chỉ có những người không ngại khó, ngại khổ, yêu lao động như anh Hải mới có thể “trụ” được với công việc nguy hiểm, gai góc ấy được nhiều năm như vậy.

Nghề khó “nhằn”

Nhìn đôi bàn tay chai sần, lồi lõm sẹo của anh Hải (quê ở phường Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa) – người đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề thợ sắt, tôi đã phần nào hiểu được, tại sao có những người mới bước chân vào nghề này đã vội vàng... tháo chạy. Nhưng cũng chính điều đó giúp tôi nhận ra rằng, chỉ có những người không ngại khó, ngại khổ, yêu lao động như anh Hải mới có thể “trụ” được với công việc nguy hiểm, gai góc ấy được nhiều năm như vậy.

“No dồn đói góp”

Tôi biết đến anh Hải trong một lần anh bị say nắng khi đang làm một công trình bên cạnh nhà tôi ở. Qua trò chuyện được biết, anh bước vào nghề từ đầu những năm 2010. Hồi đó, tuy đã có máy cắt sắt bằng chổi than thay cho việc cắt sắt bằng đe búa và bẻ đai sắt bằng tay nhưng nghề sắt xây dựng vẫn còn nhiều gian nan, vất vả. Ngay cả đến bây giờ dù đã có thêm nhiều thay đổi thì đó vẫn là một trong những công việc nặng nhọc nhất mà không phải ai cũng có thể hiểu hết được.

Nghề khó “nhằn”

Thợ sắt bên những công trình xây dựng có quy mô lớn.

Cũng theo anh Hải, nghề thợ sắt phát triển mạnh ở thành phố Thanh Hóa gần hai chục năm nay với khoảng 40-50 đội thợ chuyên gia công và lắp dựng kết cấu sắt cho các công trình xây dựng. Đội nhiều có thể lên tới 20 người, chia làm nhiều “cánh” thợ (hay còn gọi là tổ), mỗi “cánh” có từ 4-5 người hoặc 7-8 người tùy theo yêu cầu khối lượng công việc của từng công trình. Do có nhiều đội thợ cạnh tranh nên đơn giá nhận làm sắt ở trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng nhìn chung còn thấp, vẫn chỉ ở mức “18-20”, tức là trên dưới 2 triệu đồng/tấn sắt thành phẩm. Trong khi đó, so với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, con số này là “30-35”. Cũng vì giá nhận không cao nên công thợ sắt ở Thanh Hóa đạt thấp, mới chỉ ở mức trên 300 nghìn đồng/ngày, có khi còn thấp hơn mặt bằng của thợ xây, thợ điện, thợ cốp pha...

Nghề khó “nhằn”

Có những người thợ sắt đã gắn bó cả đời mình với nghề.

Mặc dù thu nhập khiêm tốn như vậy, song thợ sắt vẫn phải đáp ứng những yêu cầu mang tính đặc thù của nghề nghiệp. Chẳng hạn như phải làm thêm giờ buổi trưa hoặc tăng ca buổi tối cho kịp tiến độ, thậm chí còn phải làm trong cả thời tiết mưa gió khi mà nhiều công trình có thời điểm cần được bàn giao đúng trong một ngày. Bởi ở Việt Nam, người dân thường chọn ngày tốt để đổ mái nên nói như anh Hải thì làm nghề này là “no dồn đói góp”, lúc thì cả đội phải làm mấy cái nhà trong một tuần, thậm chí một ngày cho kịp đổ mái, lúc lại nghỉ ngơi chơi dài, lắm khi cả tuần không có việc. Những lúc đó, muốn có việc đều thì thợ sắt phải liên hệ với các đội khác để “đánh võng chống móm” mới mong đảm bảo được thu nhập ổn định.

“Sai một ly, đi một... đời”

Hơn 10 năm trong nghề, anh Hải hiểu rõ một điều, để có được những công trình xây dựng vững chãi, bền bỉ với thời gian thì công đoạn lắp dựng kết cấu sắt một cách chính xác là vô cùng quan trọng. Do đó, mỗi đội thợ thường phải có một thợ cả biết đọc bản vẽ, đo đạc, tính toán khối lượng sắt và gia công theo yêu cầu thiết kế của từng công trình, sau đó giao việc cho các “cánh” thợ tiến hành lắp đặt, buộc dầm sàn và kê kích sao cho đầy đủ, đúng kỹ thuật.

Nghề khó “nhằn”

Quá trình lắp dựng sắt trên cao luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Anh Hải cho biết thêm: “Vì có nhiều số liệu nên đôi khi trong quá trình thi công cũng xảy ra việc cắt sắt sai kích thước, uốn mỏ thiếu, thừa dẫn đến việc cả tổ lắp dựng, buộc sắt vào rồi lại phải tháo ra rất mất thời gian, nhân lực và cả tiền bạc. Bởi, có những chủ nhà không muốn chịu thiệt hại nên đã bắt chủ đội thợ phải đền bù phần sắt bị cắt sai, không nối lại được. Ví như một cây sắt “phi 22” có thể phải đền cả 600-700 nghìn đồng (ở thời điểm giá sắt cao), làm mất luôn hai ngày công lao động của một người thợ”.

Cũng chính vì đặc thù công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao như thế mà sau hơn 10 năm làm nghề, trong đó có 5 năm làm việc với số liệu, thước đo hàng ngày nên mới có 40 tuổi, mắt anh Hải đã bị giảm thị lực đáng kể. Ngoài ra, các bàn chân, bàn tay anh luôn chằng chịt những vết sẹo phần do bị cháy bởi các tia lửa trong quá trình cắt sắt bắn vào, phần vì va quệt với các đầu cây sắt sắc nhọn. Anh cũng từng phải đi chữa bệnh thoái hóa bả vai do thường xuyên phải khiêng những bó sắt rất nặng trước khi chuẩn bị đưa vào gia công.

Nghề khó “nhằn”

Thợ sắt mặc áo mưa để buộc dầm sàn, trong đó có những người phụ nữ đã lớn tuổi.

Thế nhưng, dường như với anh Hải, những ảnh hưởng đến sức khỏe kể trên chẳng là gì so với những nguy hiểm mà anh và những người thợ cùng nghề luôn phải đối mặt. Bởi có những công trình nằm trong hẻm nhỏ không thuê được máy cẩu nên các anh phải tời bộ nhiều tấn sắt lên cao. Đó còn chưa kể những khi mất điện thì nhiều người cùng phải xúm vào sợi dây để kéo sắt lên tầng 5, tầng 6, trong đó có cả những người thợ là nữ. Đây là phần việc luôn tiềm ẩn rủi ro bởi chỉ cần sơ xểnh một tích tắc thì bó sắt có thể rơi xuống trúng vào những người thợ hoặc là người đi đường.

Nghề thợ sắt vào trời nắng đã thế, vào trời mưa lại càng thêm nguy hiểm vì máy móc sẽ rất dễ bị nhiễm điện nên nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị điện giật. Tuy nhiên, để bàn giao cho kịp thời gian cam kết, có đội vẫn động viên thợ đi làm. Bên cạnh thường xuyên làm việc ở trên cao, đôi lúc thợ sắt còn phải thao tác công việc trên các mái dốc, mái vòm ở các tầng trệt nên rất khó đi đứng và rất dễ bị trôi tuột, nhất là đa số các đội thợ sắt hiện nay đều chưa được trang bị bảo hộ lao động. Vậy nên, từng có một số người làm nghề ở các đội thợ sắt đã bị rơi từ tầng cao xuống và tử vong tại chỗ hoặc là bại liệt, may mắn hơn thì bị gãy xương, suy giảm khả năng lao động. Tuy vậy, biết bao người thợ sắt vẫn miệt mài gắn bó cả đời với nghề, thậm chí có nhiều bác thợ còn nuôi được cả mấy đứa con ăn học đại học.

Nghề khó “nhằn”

Thường xuyên phải làm việc trên cao nhưng đa số thợ sắt lại chưa được trang bị bảo hộ lao động, cũng không được chủ đóng bảo hiểm như những ngành nghề khác.

Ngoài những giờ tập trung làm việc dưới cái nắng gay gắt của mùa hè trong những bộ quần áo ướt sũng hay giữa cái lạnh buốt của mùa đông, những người thợ sắt thường được giải lao từ 10-15 phút để uống nước, nói chuyện trong một buổi làm việc. Những chén nước chè đặc và những câu đùa tếu táo là hương vị cuộc sống hằng ngày xua đi cái mệt mỏi của những người thợ lương thiện chăm chỉ. Mỗi khi tăng ca, thợ sắt thường được bao nuôi một bữa cơm tối và được tính lợi hơn về công nên ai cũng háo hức ở lại. Đặc biệt theo thường lệ, ngoài việc các chủ nhà thường nhiệt tình chè nước, kẹo bánh, hoa quả cho thợ ăn uống lấy sức thì còn hân hoan bồi dưỡng cho thợ từ 50 đến 100 nghìn mỗi khi hoàn thành xong kết cấu của một mái nhà. Đó chính là niềm động viên lớn để anh em thợ sắt không quản ngại nắng mưa hoặc đường xá xa xôi để đi làm vì đa phần họ đều đến từ các xã vùng ven của thành phố Thanh Hóa.

Nghề khó “nhằn”

Vì đặc thù công việc nên những người thợ sắt thường xuyên phải khiêng vác, di chuyển sắt trên những đôi vai gầy gò.

Hiểu về nghề thợ sắt, tôi đã biết tại sao có nhiều buổi tối đưa con đi chơi thì đến khi về vẫn bắt gặp những người thợ sắt đang cần mẫn làm việc trên những công trình cao tầng để “chạy” cho kịp tiến độ. Đúng là mỗi người mỗi nghề và nghề nào cũng có những vất vả riêng nhưng với tôi, người thợ sắt xứng đáng được trân quý không chỉ bởi họ đã góp phần quan trọng làm nên những công trình bền bỉ mà còn bởi ở họ có một ý chí cứng cáp và mạnh mẽ mới có thể gắn bó được lâu dài với cái nghề rất khó “nhằn” này.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]