(vhds.baothanhhoa.vn) - Em Lê Thị Liên (sinh năm 2005) - học sinh lớp 12C2, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hoằng Hoá đã vượt lên chính mình để trở thành tân sinh sinh viên của Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Đó là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của một nữ sinh khuyết tật và sự đồng hành trên mọi chặng đường của bố mẹ, thầy cô.

Nghị lực của cô gái khuyết tật và hành trình vượt lên chính mình

Em Lê Thị Liên (sinh năm 2005) - học sinh lớp 12C2, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hoằng Hoá đã vượt lên chính mình để trở thành tân sinh sinh viên của Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Đó là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của một nữ sinh khuyết tật và sự đồng hành trên mọi chặng đường của bố mẹ, thầy cô.

Nghị lực của cô gái khuyết tật và hành trình vượt lên chính mình

Em Lê Thị Liên và mẹ chuẩn bị hồ sơ cho ngày nhập học tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Nghe câu chuyện tình cờ của một thầy giáo về một học sinh đặc biệt, chúng tôi tìm đến gia đình em Liên, ở thôn Trung Tây, xã Hoằng Phú (Hoằng Hoá). Ngôi nhà yên bình nằm nép bên con đường trung tâm xã. Trong ngôi nhà ấm cúng ấy, chúng tôi được nghe kể về câu chuyện của Liên và hành trình vượt lên chính mình.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 anh chị em, bố là bộ đội, mẹ là giáo viên, Liên là con gái thứ 2 trong nhà. Xúc động hồi tưởng về quá khứ, chị Trịnh Thị Thảo (mẹ Liên) kể: Vì sinh non khi mới hơn 7 tháng, ngôi thai ngược nên từ khi mới chào đời, Liên bị chấn động thần kinh vận động, ảnh hưởng đến sự phát triển, 3 tuổi vẫn nằm một chỗ, 6 tuổi vẫn chưa thể cầm bút vì bàn tay co quắp. Lúc đó, tay phải của Liên quá yếu không thể cầm được bút nên phải chuyển sang tay trái để tập viết, có lúc phải dùng que buộc các ngón tay lại để cố định ngón tay. Khi vào năm học lớp 1, chị đăng ký cho con học tại Trường tiểu học Hoằng Xuân nơi tôi công tác. Nhờ sự tạo điều kiện của nhà trường, chị được chủ nhiệm lớp con học. Trong 1 năm học kiên trì với con ở trường rồi ở nhà, nhưng hết năm lớp 1, khi các bạn cùng lớp đã có thể đọc thông, viết thạo thì Liên mới chỉ cầm bút thuần thục được bằng tay trái để viết được 29 chữ cái và 10 chữ số.

“Có những lúc tưởng chừng nản lòng bỏ cuộc, vì cực kỳ vất vả, lại thêm người khác nói ra, nói vào nhưng tôi tự vấn, suy nghĩ rằng mình là giáo viên, mình dạy những đứa trẻ khác được, tại sao lại không thể cùng con cố gắng vượt lên số phận”, chị Thảo chia sẻ.

Thế rồi mùa hè năm đó, hằng ngày chị Thảo vừa chở con gái đi tập vật lý trị liệu, vừa tận dụng thời gian dạy con học mọi lúc, mọi nơi. Sau 3 tháng hè, Liên đã có thể đọc thông, viết thạo như các bạn bình thường. Khi vào lớp 2 và các lớp tiếp theo, Liên cứ thế phát huy và theo kịp các bạn học cùng lớp. Trong những năm học THCS ở Trường THCS Hoằng Phú, mẹ vẫn luôn là “bạn đồng hành” hỗ trợ con gái, từ việc chăm sóc bản thân đến việc học cùng con.

Nghị lực của cô gái khuyết tật và hành trình vượt lên chính mình

Em Lê Thị Liên và bố.

Bố Liên cũng được nhận xét là ông bố tuyệt vời bởi những điều hy sinh dành cho cô con gái bé bỏng. Năm Liên chuẩn bị vào lớp 1, anh Lê Minh Giao (bố Liên) đã xin chuyển công tác từ Vùng 4 Hải quân (Khánh Hoà) về Hà Nội để rút ngắn khoảng cách về địa lý, có điều kiện gần gia đình hơn. Những ngày nghỉ phép, nghỉ lễ hay cuối tuần của anh là những ngày đồng hành cùng con đi chữa bệnh. Cô bé Liên đã phải trải qua 5 lần phẫu thuật cả ở tay và chân, kết hợp kiên trì vật lý trị liệu mới có thể đi chập chững, loanh quanh trong nhà như hiện nay.

Anh Giao cho biết: “Năm 2021, tôi đưa con gái ra học THPT tại Hà Nội với mong muốn Liên được giao lưu, học hỏi và tự tin hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 thời điểm đó phức tạp, gia đình chuyển con về học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoằng Hoá. Sau khi con gái chuyển trường về quê, tôi cũng xin chuyển công tác về Thanh Hoá để tiện đưa đón, chăm sóc con”.

Bố là người đồng hành cùng con gái trong suốt những năm học THPT, động viên, định hướng cho con trong lựa chọn nghề nghiệp, cùng con tham gia các kỳ thi khảo sát năng lực, thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Có lần, anh Giao đưa Liên đi thi khảo sát năng lực tại một trường ở TP Thanh Hoá, theo số báo danh thì phòng thi của con ở tận tầng 4 mà lại không có thang máy, thế là để rút ngắn thời gian, ông bố ấy đã không nề hà cõng con gái lên tầng 4 đi thi.

Những năm tháng học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoằng Hoá, Liên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên, chỉ bảo nhiệt tình từ phía các thầy, cô giáo và bạn bè. Em còn là một trong những học sinh khuyết tật được Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông nhận đỡ đầu, hỗ trợ học phí để động viên em vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong học tập.

Nghị lực của cô gái khuyết tật và hành trình vượt lên chính mình

Em Lê Thị Liên chụp ảnh lưu niệm cùng cô giáo chủ nhiệm lớp 12C2, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoằng Hoá (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô giáo Trần Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C2, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoằng Hoá chia sẻ: “Với tinh thần vượt khó, nỗ lực, chăm chỉ, nghiêm túc trong học tập, năm học 2022-2023, em Liên đã đoạt Giải Khuyến khích môn Toán trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Mặc dù bị khuyết tật vận động nặng, thuộc diện được đặc cách tốt nghiệp THPT nhưng em vẫn quyết tâm thi đại học. Cuối năm lớp 12, sức khỏe của em không tốt khiến việc ôn thi vô cùng vất vả nhưng chưa bao giờ Liên nghĩ tới việc từ bỏ mà vẫn luôn kiên trì, cố gắng trau dồi, lấp lỗ hổng về kiến thức để tham gia kỳ thi. Kết quả, em đã đạt 23,15 điểm ở khối A00 và đậu vào Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Tinh thần, ý chí của Liên trên con đường học hành rất đáng để nhiều học sinh khác học tập. Sự đồng hành, kiên trì, hỗ trợ con của phụ huynh em Liên cũng xứng đáng được khâm phục".

Ngày nhận được giấy báo nhập học, niềm vui của gia đình Liên như vỡ òa khi con gái bé nhỏ phải chịu nhiều thiệt thòi đã đỗ vào ngôi trường mình mơ ước. Đến giây phút này, bố mẹ Liên đã phần nào yên tâm và tự hào về cô con gái thứ hai của gia đình.

Liên xúc động chia sẻ: “Có lúc nhìn bạn bè cùng trang lứa có thể tự do, thoải mái đi lại em cảm thấy tủi thân. Nhưng em may mắn vì sinh ra trong một gia đình ấm áp tình thương, sự chăm sóc, hy sinh của cả bố và mẹ, sự quan tâm của thầy cô giáo, bạn bè khiến em được tiếp thêm động lực để vượt qua mặc cảm, cố gắng vươn lên trong học tập để không phụ lòng quan tâm của mọi người. Bố mẹ mới mua cho em một chiếc xe điện dành cho người khuyết tật. Em đang tập lái thành thạo chiếc xe này để có thể tự đến giảng đường, tự học cách chăm sóc bản thân trong những năm học đại học để bố mẹ yên tâm hơn”.

Con đường phía trước còn rất dài và nhiều khó khăn, song với nghị lực sẵn có, chúc cho cô gái nhỏ sẽ luôn kiên định, vững vàng để vượt lên chính mình, chinh phục ước mơ.

Việt Hương


Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]