(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều mặt bằng dự án, khu đô thị trên địa bàn TP Thanh Hóa dù đã được hình thành từ cách đây nhiều năm, người dân đã vào sinh sống ổn định, song những tiện ích thiết yếu như hạ tầng cơ sở, điện, nước, sổ đỏ… vốn dĩ các chủ đầu tư phải đảm bảo thực hiện thì người dân lại đang mòn mỏi chờ đợi, kéo theo nhiều hệ lụy.

“Nghèo” tiện ích ở nhiều mặt bằng dự án khu dân cư

Nhiều mặt bằng dự án, khu đô thị trên địa bàn TP Thanh Hóa dù đã được hình thành từ cách đây nhiều năm, người dân đã vào sinh sống ổn định, song những tiện ích thiết yếu như hạ tầng cơ sở, điện, nước, sổ đỏ… vốn dĩ các chủ đầu tư phải đảm bảo thực hiện thì người dân lại đang mòn mỏi chờ đợi, kéo theo nhiều hệ lụy.

“Nghèo” tiện ích ở nhiều mặt bằng dự án khu dân cưẢnh 1: Nhiều hộ dân tại mặt bằng 584 chưa được cấp “sổ đỏ”. Ảnh 2: Người dân mặt bằng Đồng Chộp “khát điện” suốt gần 10 năm qua. Ảnh 3: Nhà văn hóa tại mặt bằng 584 bỏ không. Ảnh 4: Mặt bằng Núi Long hạ tầng đường nhánh nhếch nhác.

Gần thập niên mua đất chưa được cấp “sổ đỏ”

Dù tỷ lệ dân cư vào ở đã khá đông đúc nhưng gần 10 năm nay cơ sở hạ tầng mặt bằng Đồng Chộp, phường Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) vẫn chưa hoàn thiện. Để có điện, nước, người dân vẫn đang phải tự bỏ tiền “mua chui” từ các khu dân cư lân cận.

Chị Lê Thị Nga, người dân mặt bằng Đồng Chộp bộc bạch: Năm 2017, gia đình tôi tiến hành xây dựng nhà, khi đó chủ đầu tư mặt bằng dự án này hứa hẹn như “đinh đóng cột” rằng, gia đình vào xây dựng để ở chỉ một thời gian ngắn sẽ có điện, nước sạch, “sổ đỏ”... Tuy nhiên, đến nay đã hơn 5 năm trôi qua, những lời hứa vẫn đang bị chủ đầu tư bỏ ngỏ. Để có điện, nước gia đình chị Nga cũng như các hộ gia đình khác phải đóng góp cả chục triệu đồng để lắp đường ống dẫn nước cũng như mua dây điện kéo từ các khu dân cư lân cận về dùng.

Hộ gia đình chị Nga và các hộ gia đình khác tại đây cũng chưa được cấp “sổ đỏ”? Là hộ kinh doanh, nên gia đình chị Nga muốn có sổ đỏ để vay mượn ngân hàng, đầu tư kinh doanh.

Còn theo chị Trịnh Thị Linh, gia đình xây dựng nhà để ở từ năm 2016, nhà có 4 khẩu, nhưng những bất cập tại mặt bằng này khiến cho cuộc sống của gia đình chị gặp không ít khó khăn. Theo chị Linh, hiện mặt bằng Đồng Chộp có khoảng 45 hộ dân sinh sống ổn định nhiều năm nay nhưng không dám cắt khẩu nơi ở cũ để nhập khẩu đến nơi ở mới. Chị Linh cho rằng, không phải vì quy định cấm chuyển khẩu mà bởi tâm lý của người dân muốn chờ khi nào được cấp trích lục đất thì mới thực hiện chuyển khẩu.

Hiện tại, người dân ở mặt bằng này chịu nhiều thiệt thòi, đơn cử như muốn có cây xanh người dân cũng phải tự mua về trồng, an ninh trật tự người dân cũng tự quản; muốn con cái được đi tiêm phòng cũng phải xuống phố để đăng ký hoặc đi tiêm dịch vụ. Chẳng hạn, việc để tiêm phòng COVID-19 các hộ phải tiêm ở nơi mình làm việc hoặc về nơi có hộ khẩu để tiêm... Nói như chị Linh, khu dân cư này chẳng khác “xóm ngụ cư” là mấy.

Theo chị Linh, chị Nga thì các hộ dân trong phố đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay những đề xuất của người dân vẫn chưa được giải quyết. Mới đây nhất, sau khi người dân làm đơn kiến nghị, có buổi làm việc trực tiếp với Chủ tịch UBND thành phố và đại diện chủ đầu tư có hứa, hẹn về việc cấp điện… cho người dân. Có lực lượng về đào mấy hố ở trên vỉa hè bảo để lắp bốt điện rồi bỏ bê tháng nay, nhếch nhác, mất mỹ quan. “Người dân chúng tôi rất mong cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc để người dân bớt đi phần nào khó khăn”, chị Linh chia sẻ.

Không chỉ mặt bằng Đồng Chộp, hiện tại trên địa bàn TP Thanh Hóa có không ít những mặt bằng dự án cùng chung cảnh ngộ. Tại mặt bằng khu đô thị Núi Long, phường Tân Sơn, việc chưa hoàn thiện hạ tầng cũng như đường sá, cống rãnh khiến mặt bằng này trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Tại mặt bằng 584 (phường Quảng Thành) do được xây dựng từ lâu nên nhiều hạng mục hạ tầng cơ sở nơi đây bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục cống rãnh thoát nước, vỉa hè bị hư hỏng, xuống cấp, cỏ cây mọc um tùm… Nhiều hộ dân vào xây dựng nhà gặp rất nhiều khó khăn. Một hộ dân đang tiến hành xây dựng tại mặt bằng 584 (xin giấu tên - pv) bộc bạch: “Đúng ra chủ đầu tư phải có trách nhiệm xây thô rồi mới được bán. Nhưng, mình tự xây thì yên tâm hơn". Cũng theo hộ dân này, việc chưa được cấp trích lục dẫn đến việc muốn vay mượn ngân hàng cũng không thể. Đây là nỗi lo không chỉ của gia đình mà nhiều hộ dân khác đã vào xây dựng, sinh sống ổn định tại đây. Trong khi đó, một nhà văn hóa khu dân cư được xây dựng hoàn tất nhưng do không hoạt động nên hệ thống các cửa sổ, cửa chính đều bị bịt kín…

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Huy Chung - Chủ tịch UBND phường Đông Lĩnh thừa nhận những bất cập tại mặt bằng dự án Đồng Chộp. Mới đây, ngày 8-8-2022 Thanh tra tỉnh có Kết luận số 1822 về việc thanh tra tổng thể, toàn diện dự án Khu dân cư Đồng Chộp, đã chỉ ra nhiều sai phạm. Trong đó, việc chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Bắc Nam chưa chuyển kinh phí bồi thường cho hội đồng bồi thường GPMB của UBND thành phố; chủ đầu tư này tiến hành xây dựng công trình trên 190 lô đất khi chưa được giao đất; chưa được cấp phép xây dựng… Dự án đang trong quá trình triển khai, chưa được nghiệm thu, đảm bảo yêu cầu của thiết kế xây dựng, chủ đầu tư đã tự ý cho các hộ dân sử dụng các công trình dự án, không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 123 Luật Xây dựng năm 2014…

Ông Chung cho rằng, ngoài những sai phạm của chủ đầu tư thì một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập tại đây chính là do nhận thức của người dân. Việc tiến hành mua bán khi chưa nắm rõ các thông tin, thủ tục pháp lý của dự án dẫn đến những thiệt thòi về quyền lợi.

Tại Khoản b, c, Mục 1, Điều 41, Nghị định số 43/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã nêu rõ điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bàn kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, bao gồm: chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải. Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).

Bài và ảnh: Sơn Đình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]