(vhds.baothanhhoa.vn) - Dù khiếm khuyết về cơ thể, nhưng nhiều người không chịu khuất phục trước số phận, không để mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, đã luôn nỗ lực, phấn đấu, vươn lên khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội những điều tốt đẹp.

Nghị lực vươn lên của thanh, thiếu niên khuyết tật

Dù khiếm khuyết về cơ thể, nhưng nhiều người không chịu khuất phục trước số phận, không để mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, đã luôn nỗ lực, phấn đấu, vươn lên khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội những điều tốt đẹp.

Nghị lực vươn lên của thanh, thiếu niên khuyết tật

Thầy giáo khuyết tật Lê Thanh Tùng, Trường Trung cấp nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn của tỉnh hướng dẫn học sinh khuyết tật học môn Tin học.

Sinh ra không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa khi bị khuyết tật vận động bẩm sinh, nhưng anh Lê Thanh Tùng (SN 1985, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) đã vượt qua mọi rào cản, định kiến của xã hội, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2004, anh Tùng đỗ vào Trường Đại học sư phạm Vinh, Khoa công nghệ thông tin. Mặc dù đi lại vất vả, nhưng anh vẫn bôn ba đi làm ở nhiều nơi để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2011, anh về Trường Trung cấp nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn tỉnh giảng dạy môn Tin học. Dù khiếm khuyết cơ thể nhưng với nghị lực và quyết tâm theo đuổi niềm đam mê với bộ môn công nghệ, thầy giáo 9X đã nhận được nhiều tình cảm của học trò.

Thầy giáo Tùng chia sẻ: “Do đôi chân không được lành lặn, nhiều lúc cũng mặc cảm, tự ti về bản thân, nhưng rồi được sự động viên của gia đình, bạn bè, rồi nhìn xung quanh mình có biết bao hoàn cảnh trớ trêu nhưng họ không chịu khuất phục, đầu hàng trước số phận, vươn lên trở thành công dân có ích cho xã hội. Từ đó, tạo động lực khiến tôi không nản chí mà càng thôi thúc vượt qua nghịch cảnh”.

Năm lên 3 tuổi sau vụ tai nạn ngã từ trên cao xuống, khiến một bên chân của anh Cao Văn Tuân, 34 tuổi ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) bị khuyết tật vĩnh viễn. Dù khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng vượt qua mặc cảm, anh Tuân luôn chăm chỉ, nỗ lực trong học tập. Anh đã tốt nghiệp ngành Hán Nôm, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Huế năm 2009. Sau khi ra trường, anh Tuân trở về quê lập nghiệp và bén duyên với nghề vẽ tranh gạo. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh học hỏi qua sách báo, internet, từ đó càng ngày các sản phẩm tranh của anh được bạn bè, người thân yêu thích, đón nhận.

Anh Tuân chia sẻ, để hoàn thiện một bức tranh gạo, phải trải qua rất nhiều công đoạn như: chọn gạo, rang gạo để tạo màu, dùng bút chì phác thảo tranh, nhả keo, gắn gạo... Trong đó, khâu chọn và rang gạo là quan trọng nhất, vì gạo dùng để làm tranh phải là những hạt to, dài, đủ ngày, không phải loại gạo chín ép, nếu không được chọn kỹ, bức tranh sẽ bị giảm chất lượng do gạo không đảm bảo. Mỗi bức tranh đơn giản anh Tuân chỉ làm 2 - 3 ngày, riêng những bức tranh đòi hỏi sự cầu kỳ, kỹ thuật cao thì phải mất từ 2 - 4 tuần mới xong.

Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, đến nay HTX tranh và đồ mỹ nghệ Tâm Phát do anh làm chủ đã thu hút nhiều người khuyết tật trên địa bàn huyện tìm đến học nghề, trong đó có 20 học viên liên tục có đơn hàng để làm, thu nhập khoảng 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Với nghị lực vươn lên chiến thắng tật nguyền, năm 2020 anh Tuân được Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen “Là những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội”.

Nghị lực vươn lên của thanh, thiếu niên khuyết tật

Anh Đỗ Duy Hưng, Chủ nhiệm CLB thanh niên khuyết tật, khởi nghiệp và phát triển huyện Hà Trung làm giàu nhờ mô hình nuôi ong.

Anh Đỗ Duy Hưng, xã Hà Tân (huyện Hà Trung) chủ trang trại nuôi ong, Chủ nhiệm CLB thanh niên khuyết tật, khởi nghiệp và phát triển huyện Hà Trung cũng là trường hợp không may mắn khi cơ thể bị khuyết tật, tuy nhiên không vì vậy mà anh buông xuôi, phó mặc cho số phận, từ chỗ bi quan và bế tắc, anh đã vươn lên trong cuộc sống và tỏa sáng giữa đời thường.

Năm 1998, anh Hưng lên đường nhập ngũ, sau đó được phân công về Tiểu đoàn pháo binh 703. Trong một chuyến đi công tác, anh không may gặp tai nạn, dẫn đến thương tật vật lý 71%. Trở về quê hương với tư tưởng, suy nghĩ tiêu cực, khiến anh rơi vào cảnh tuyệt vọng một thời gian dài.

Anh Hưng cho biết: Nhờ sự động viên, an ủi từ người thân, bạn bè niềm khao khát làm lại cuộc đời trong anh bỗng trỗi dậy, phải mạnh mẽ sống để không làm khổ người thân, xã hội. Sau một thời gian miệt mài học hỏi, anh Hưng quyết định lập nghiệp bằng nghề cắt tóc, với kiến thức đã học trước đó, anh còn làm thêm nghề bán bảo hiểm xe máy, rồi cơ duyên lại đưa anh đến với nghề nuôi ong.

Hiện nay, nhờ sự kiên trì, nỗ lực vươn lên, kinh tế gia đình anh Hưng đã có nhiều khởi sắc. Không chỉ là chủ nhiệm CLB gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, anh còn giúp đỡ, chỉ dạy nhiều hội viên làm giàu chính đáng bằng nghề nuôi ong của mình.

Trong cuộc sống, vẫn còn nhiều người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Thời gian qua, vai trò của các cấp ngành, đoàn thể, góp phần quan trọng tạo cầu nối gắn kết trong công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, đào tạo nâng cao năng lực cho người khuyết tật các kỹ năng mềm.

Ông Hoàng Đình Tưởng, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Nhằm giúp các em học sinh nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, trang bị kiến thức cơ bản, kỹ năng nghề để tìm kiếm việc làm, có thu nhập tự nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình, thời gian qua ban giám hiệu nhà trường thường xuyên phối hợp Hội Bảo trợ người tàn tật trẻ mồ côi tỉnh, chính quyền địa phương, công ty, xí nghiệp trong tỉnh thực hiện công tác hướng nghề, hướng nghiệp cho học sinh. Từ khi thành lập năm 2009 đến nay, số lượng học sinh khuyết tật ra trường có công ăn việc làm chiếm trên 65%.

Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa Lê Hồng Lương, cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 217.000 người khuyết tật. Trên cơ sở chọn nghề phù hợp với nhu cầu, dạng tật của người khuyết tật, hội đã xây dựng kế hoạch, phối hợp, vận động các hợp tác xã, làng nghề truyền thống ở các địa phương mở các lớp học nghề theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Đến nay, có trên 5.280 người được hỗ trợ dạy nghề, 7.000 người được tạo việc làm, tăng thu nhập, nuôi sống bản thân. Hội cũng đã thành lập CLB Thanh niên khuyết tật, khởi nghiệp và phát triển tại 14 huyện, thị xã, thu hút trên 300 thành viên. CLB đã tập hợp được lực lượng thanh niên khuyết tật vượt khó vươn lên trong cuộc sống, tự lo công việc cho mình và những người đồng cảnh có việc làm, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]