(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 10-12-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 187/2021/NQ-HĐND về chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 187). Xoay quanh nghị quyết này, phóng viên Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Thạc sĩ Đoàn Nam Hưng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở Y tế; BSCKI Hà Văn Thức, Giám đốc BVĐK huyện Bá Thước; BSCKI Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc BVĐK huyện Đông Sơn.

Nghị quyết 187: Có lấp đầy khoảng trống?

Ngày 10-12-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 187/2021/NQ-HĐND về chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 187). Xoay quanh nghị quyết này, phóng viên Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Thạc sĩ Đoàn Nam Hưng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở Y tế; BSCKI Hà Văn Thức, Giám đốc BVĐK huyện Bá Thước; BSCKI Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc BVĐK huyện Đông Sơn.

Nghị quyết 187: Có lấp đầy khoảng trống?

Ông Đoàn Nam Hưng: Không thể lấp đầy sự thiếu hụt nhu cầu bác sĩ

PV: Từ năm 2020 đến nay, Thanh Hóa có 206 nhân viên y tế công lập bỏ việc (trong đó có 96 bác sĩ) được cho là do áp lực công việc và thu nhập thấp. Đây rõ ràng là một thực tế đáng buồn, càng tạo ra khoảng trống lớn về nguồn nhân lực ở bệnh viện công. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Ông Đoàn Nam Hưng: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhân viên y tế công lập bỏ việc.

Trước hết là do họ luôn đối mặt với áp lực công việc lớn như trực bệnh viện liên tục, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao... Bên cạnh đó, cơ chế để bảo vệ họ còn nhiều bất cập, chưa được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả các cấp quản lý.

Hai là, do thu nhập của nhân viên y tế không đảm bảo. Từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên số lượng bệnh nhân đến các cơ sở khám chữa bệnh giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ sở khám chữa bệnh. Do các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ nên ngân sách Nhà nước không còn hỗ trợ được nhiều, BHXH Việt Nam từ chối thanh toán chi phí vượt định mức kinh tế kỹ thuật năm 2017, 2018 cho các cơ sở khám chữa bệnh với số tiền khoảng 203 tỷ đồng.

Ba là, để nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị cần thiết phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế, có như vậy bác sĩ mới có khả năng cống hiến, đem kinh nghiệm của mình phục vụ người bệnh. Tuy nhiên hiện nay ở các bệnh viện công còn thiếu nhiều thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế.

Số lượng nghỉ việc tại Thanh Hóa là 206 người, tuy nhiên trên thực tế số nhân viên y tế có ý định xin nghỉ việc có thể lớn hơn. Tuy nhiên số này chưa thể nghỉ được do có nhiều năm công tác, và không phải ai cũng có thể tìm được công việc khác phù hợp. Bên cạnh đó, những người này thường đã ổn định gia đình tại địa phương.

PV: Nghị quyết 187 ra đời, với nhiều chính sách ưu việt. Nhưng từ nghị quyết đến thực tiễn là cả vấn đề. Theo ông, nghị quyết này có lấp đầy khoảng trống đối với sự thiếu hụt nguồn nhân lực tại hệ thống cơ sở y tế công lập hiện nay?

Ông Đoàn Nam Hưng: Theo Nghị quyết 187, dự kiến sẽ thu hút khoảng 300 người, với số lượng đó khó có thể lấp đầy sự thiếu hụt nhu cầu bác sĩ của các cơ sở y tế công lập như hiện nay. Tuy nhiên, Nghị quyết 187 mở ra một chính sách nhằm thu hút bác sĩ về hệ thống y tế cơ sở như trung tâm y tế, trạm y tế xã, các bệnh viện khu vực miền núi, các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa đặc thù như Trung tâm Pháp y, Bệnh viện Tâm thần có thể tuyển dụng được bác sĩ.

Để thực hiện nghị quyết này hiệu quả, cần tăng cường công tác truyền thông để đưa chính sách tiếp cận được đối tượng thụ hưởng là bác sĩ. Về chính sách, ngoài những nội dung đã được quy định trong nghị quyết thì một yếu tố rất quan trọng là lãnh đạo của các cơ sở y tế phải thực sự thay đổi trong cách lãnh đạo, điều hành, tạo môi trường làm việc thuận lợi để các bác sĩ phát huy hết khả năng của mình. Có cơ hội phát triển bản thân và có thu nhập đảm bảo thì mới đủ sức giữ chân được các bác sĩ tiếp tục công tác và cống hiến.

Nghị quyết 187: Có lấp đầy khoảng trống?

Ông Hà Văn Thức: Rất khó phát huy hiệu quả

PV: Xin ông chia sẻ những khó khăn trong “giữ chân” bác sĩ ở BVĐK huyện Bá Thước?

Ông Hà Văn Thức: Thực tế là bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này. Với tình hình hiện nay, bệnh viện đang thực hiện theo cơ chế tự chủ. 2 năm nay do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nên lượng bệnh nhân đến khám, điều trị giảm nhiều. Cũng 2 năm gần đây lượng người tham gia BHYT tại huyện giảm mạnh, bên cạnh đó việc thông tuyến khám chữa bệnh, giảm nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng gây ảnh hưởng đến nguồn thu...

Cũng 2 năm nay, bệnh viện không trích lập được quỹ để chi trả lương tăng thêm cho cán bộ, do đó đời sống cán bộ gặp nhiều khó khăn, chỉ trả được lương và phụ cấp theo lương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư xuống cấp trầm trọng nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân. Vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao như bác sĩ, BSCKI về bệnh viện miền núi là khó khăn.

PV: Nghị quyết 187 có nhiều ý nghĩa thiết thực nhất là đối với các bệnh viện công lập miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, nghị quyết phát huy hiệu quả còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, suy nghĩ của ông về điều này thế nào?

Ông Hà Văn Thức: Để phát huy được hiệu quả, ngoài chính sách hỗ trợ cho các bác sĩ có chất lượng cao về bệnh viện, các đơn vị cần có cơ sở vật chất ổn định. Tuy nhiên hiện nay, do một số cơ chế, chính sách đối với ngành y tế còn nhiều bất cập, đó là chế độ chính sách với cán bộ y tế chưa phù hợp, nguồn thu không đủ chi, đặc biệt là nguồn kinh phí chi cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị không có, nếu vậy sẽ rất khó phát huy hiệu quả cũng như giữ chân các bác sĩ chất lượng cao về công tác.

Nghị quyết 187: Có lấp đầy khoảng trống?

Ông Nguyễn Văn Chung: Nhà nước cần có một

nguồn ngân sách tối thiểu để bệnh viện hoạt động

PV: Nghị quyết 187 ra đời sẽ gỡ khó cho câu chuyện thiếu nhân lực ở bệnh viện công. Cảm xúc của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chung: Lâu nay, những bác sĩ gắn bó với bệnh viện vẫn vừa làm, vừa chờ đợi xem Nhà nước có chính sách thay đổi gì không, nhưng trên thực tế chưa thay đổi gì nhiều. Với tiền lương khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, chăm lo cả một gia đình là rất khó khăn nên họ đã rời bệnh viện công đi tìm công việc có thu nhập cao hơn.

Nghị quyết 187 ra đời là điều kiện tốt để gỡ khó cho câu chuyện thiếu nguồn nhân lực. Tuy nhiên, muốn gỡ khó thì Nhà nước cần có một nguồn ngân sách tối thiểu để cho bệnh viện hoạt động. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao thái độ phục vụ người bệnh... Đối với bệnh viện công, tôi cho rằng, nếu giao tự chủ một phần đã khó còn tiến tới tự chủ hoàn toàn càng khó hơn.

Anh Hoàng (thực hiện)


Anh Hoàng (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]