(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi Tổ quốc cần, lớp lớp thế hệ lên đường, sẵn sàng hy sinh máu xương, tuổi trẻ để bảo vệ nền độc lập, tự do. Hòa bình lập lại, là lúc để chúng ta cùng phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Với đạo lý đó, hàng chục năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách và người có công (NCC) trên địa bàn.

Nghĩa cử cao đẹp trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Khi Tổ quốc cần, lớp lớp thế hệ lên đường, sẵn sàng hy sinh máu xương, tuổi trẻ để bảo vệ nền độc lập, tự do. Hòa bình lập lại, là lúc để chúng ta cùng phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Với đạo lý đó, hàng chục năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách và người có công (NCC) trên địa bàn.

Nghĩa cử cao đẹp trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”Đông đảo thân nhân và người dân đến dâng hoa, dâng hương viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng.

Những năm qua, công tác thương binh, liệt sĩ và NCC trên địa bàn tỉnh phát triển cả bề rộng và chiều sâu, từng bước giải quyết cơ bản những khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần cho NCC. Hàng năm, công tác xã hội hóa được thực hiện sâu rộng, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Các ngành chức năng trong tỉnh thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCC như: Giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng, bảo đảm đúng quy trình, tiêu chuẩn chế độ, đúng đối tượng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi NCC; chi trả kịp thời chế độ trợ cấp cho các đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, một số tồn đọng về chính sách trong các cuộc chiến tranh và những vấn đề mới nảy sinh đã được các cấp, các ngành liên quan tích cực nghiên cứu giải quyết một cách cơ bản như: Xác nhận liệt sĩ, thương binh, chính sách đối với thanh niên xung phong (TNXP), người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chính sách ưu đãi về giáo dục - đào tạo; chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, phát triển sản xuất, giảm nghèo, tạo việc làm, đào tạo nghề cho con của NCC... góp phần hỗ trợ, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và NCC với cách mạng vươn lên ổn định cuộc sống.

Để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, từ năm 2017 đến hết năm 2022, quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” các cấp đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, tổ chức và Nhân dân trong tỉnh với số tiền trên 104 tỷ đồng (cấp tỉnh 6,1 tỷ đồng, cấp huyện 39,2 tỷ đồng và cấp xã 58,8 tỷ đồng); trong đó, đã sử dụng 97,7 tỷ đồng từ nguồn quỹ (cấp tỉnh 6,8 tỷ đồng, cấp huyện 35,4 tỷ đồng, cấp xã 55,5 tỷ đồng) để hỗ trợ xây mới trên 350 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 550 nhà với kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng và hàng vạn suất quà thăm hỏi gia đình chính sách, tặng trên 400 sổ tiết kiệm cho NCC với cách mạng. Đồng thời, tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài, xây dựng nhà bia ghi danh liệt sĩ; hỗ trợ thăm hỏi, động viên gia đình NCC với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ chi phí học tập cho con em gia đình NCC với cách mạng...

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương trong tỉnh, các công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, chăm sóc khi ốm đau cho các thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như, Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Khu Công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa) hàng năm cùng với đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty đều trích lợi nhuận từ 300 - 500 triệu đồng để làm công tác từ thiện xã hội, đỡ đầu cho nhiều học sinh là con hội viên cựu chiến binh xã có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Với tinh thần “Tương thân tương ái”, từ năm 2017 đến nay, công ty đã xây dựng hàng chục nhà tình nghĩa tặng hội viên cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... trên địa bàn. Ngoài ra, còn nhiều các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn tham gia, làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty Xăng dầu Thanh Hóa, Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa... Không chỉ nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, các doanh nghiệp đã rất tích cực trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa như: Hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà và sổ tiết kiệm, tham gia Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”...

Có thể nói, công tác chăm sóc NCC ở tỉnh ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đa dạng về hình thức, thiết thực về nội dung. Cụ thể, từ các phong trào xây “Nhà tình nghĩa”, lập Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng sổ “tiết kiệm tình nghĩa”, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thương, bệnh binh... trên địa bàn toàn tỉnh đã có hàng trăm tập thể, cá nhân tiêu biểu có cách làm hiệu quả, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Nhờ sự chung tay của mỗi tập thể, mỗi cá nhân, đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, có trên 99,8% hộ gia đình NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng NCC, nhất là thương binh nặng.

Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, doanh nghiệp... đã khơi dậy niềm tin, sự nỗ lực vượt khó của gia đình chính sách. Qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong lớp NCC vượt khó vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, trở thành nhân tố điển hình trong công cuộc đổi mới đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điển hình như gia đình thương binh hạng 3/4 Nguyễn Xuân Hưng, xã Xuân Thiên (Thọ Xuân); Nguyễn Hữu Tình, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc); Trương Ngọc Tuyển, thương binh 1/4 (thị xã Nghi Sơn); Hoàng Văn Tiến, thương binh 2/4, thị trấn Nông Cống (Nông Cống); Hà Ngọc Đáp, xã Vĩnh Tân (Vĩnh Lộc); Nguyễn Thanh Châu, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn)... đã tạo dựng cơ nghiệp trong khó khăn để làm giàu cho bản thân, gia đình và tạo việc làm cho nhiều người khác. Hay các bệnh binh Hà Thanh Quyết, xã Văn Nho (Bá Thước); Nguyễn Phú Tuyên, xã Thành Long (Thạch Thành); Lê Đôn Thiều, xã Bắc Lương (Thọ Xuân)... đã vượt qua nỗi đau bệnh tật, luôn sống mẫu mực cho con cháu noi theo.

Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” là chủ trương đúng đắn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp, việc làm tình nghĩa phù hợp, tạo điều kiện để gia đình chính sách khơi dậy ý chí tự lực, chủ động của mình, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, vẫn còn những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC còn nhiều khó khăn trong cuộc sống; vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, danh tính. Thiết nghĩ, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội. Chính vì vậy, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]