(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm được huyện Ngọc Lặc quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững.

Ngọc Lặc quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm được huyện Ngọc Lặc quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững.

Ngọc Lặc quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thônNhờ làm tốt công tác đào tạo nghề, nhiều lao động được các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Ngọc Lặc tuyển dụng, có việc làm ổn định.

Những năm trước đây, gia đình chị Tô Thị Hà, thôn Quang Vinh, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) thuộc diện hộ cận nghèo, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào vài sào ruộng, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2016, được cán bộ xã Quang Trung tuyên truyền, vận động chị đã tham gia học lớp nghề may công nghệp do UBND huyện Ngọc Lặc phối hợp với Công ty TNHH Việt Pan - Pacific Thanh Hóa, đóng tại thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) tổ chức. Hoàn thành khóa học, chị được nhận làm việc tại công ty. Nhờ có việc làm ổn định, với mức thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng, gia đình chị Hà đã thoát khỏi hộ cận nghèo, cuộc sống từng bước được cải thiện. Chị Tô Thị Hà cho biết: "Được sự quan tâm của Nhà nước, tôi được học nghề và có việc làm ổn định. Nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì không biết bao giờ cuộc sống của gia đình mới được cải thiện".

Cũng như chị Hà, được sự hỗ trợ của Nhà nước, hàng trăm lao động ở xã Quang Trung đã tích cực tham gia học nghề và được nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện tuyển dụng vào làm việc. Người lao động có việc làm ổn định, đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của xã. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống 5,82%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm, đời sống của Nhân dân từng bước cải thiện, diện mạo nông thôn từng ngày đổi thay.

Ông Phạm Ngọc Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung, cho biết: "Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Theo đó, hàng năm xã xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của các thôn; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tư vấn để người lao động nắm được ngành nghề đào tạo và tích cực tham gia học nghề. Hiện nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của xã Quang Trung đạt 58%. Đây là điều kiện để xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và hoàn thành các tiêu chí XDNTM nâng cao".

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Lặc đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề, tìm việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt là lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tuyển sinh các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp với đối tượng người học.

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Lặc, từ năm 2019 đến tháng hết tháng 10/2023, huyện Ngọc Lặc đã tổ chức được 17 lớp học nghề. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: chăn nuôi, trồng trọt, may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng. Sau khi hoàn thành khóa học, đa số học viên được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và dịch vụ trên địa bàn huyện tuyển dụng, hoặc tự tạo việc làm cho bản thân, có thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo của huyện.

Ông Quách Văn Thọ, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Lặc, cho biết: “Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Ngọc Lặc đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 4,8%; nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 65%; đời sống của người dân trên địa bàn huyện được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay”.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới huyện Ngọc Lặc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, tìm việc làm để tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chú trọng tới việc cung cấp thông tin cho người lao động để họ có sự lựa chọn chính xác trong việc học nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp với tình hình thực tiễn, thị trường lao động. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, trình độ của người lao động và nhu cầu của thị trường. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã, thị trấn phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các hoạt động đào tạo nghề, từ đó có những giải pháp kịp thời nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]