(vhds.baothanhhoa.vn) - Ông là Thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Quang Khải (thôn 4, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa), một người lính Hải quân, đã từng lập chiến công hiển hách, làm trấn động dư luận lúc bấy giờ.

Người anh hùng tiêu diệt tàu chở dầu 15.000 tấn

Ông là Thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Quang Khải (thôn 4, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa), một người lính Hải quân, đã từng lập chiến công hiển hách, làm trấn động dư luận lúc bấy giờ.

Người anh hùng tiêu diệt tàu chở dầu 15.000 tấn

Tháng 6-1968, người thanh niên Trần Quang Khải (sinh năm 1952) mới 16 tuổi, vừa học xong lớp 9 đã xung phong nhập ngũ. Có thể lực tốt, lại bơi giỏi, chiến sĩ trẻ Trần Quang Khải đã được tuyển chọn huấn luyện đặc công nước. 6 tháng sau huấn luyện tại Quảng Ninh, ông đã có thể bơi được hơn 20km, được điều về Đội 1 của Đoàn 126, rồi vào chiến trường Cửa Việt - Quảng Trị. Tại đây, các chiến sĩ đặc công nước tuổi đời mười tám đôi mươi có nhiệm vụ do thám và đánh tàu địch trên các cửa sông. Trần Quang Khải đã nhiều lần được đi do thám tàu để hỗ trợ đồng đội đánh tàu. Có lần đi trinh sát, ông đi lạc vào hướng lô cốt địch, bị phát hiện, đạn bắn như mưa, may mắn thoát chết.

Do bị quân ta đánh chìm nhiều tàu vận tải trên khúc sông Cửa Việt - Đông Hà, quân địch buộc phải thay đổi phương thức vận tải. Để hạn chế tối đa, cắt đứt nguồn tiếp tế bằng phương tiện đường thủy của Mỹ - Ngụy lên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, Đoàn 126 ngoài nhiệm vụ đánh tàu trong cảng thì phải tìm cách đánh địch ở ngoài biển. Đây là nhiệm vụ mới mẻ và khó khăn trong khi các chiến sĩ của ta chưa thể đáp ứng ngay được.

Chỉ huy Đoàn 126 đã tuyển chọn các chiến sĩ trẻ có sức khỏe tốt, bơi giỏi, đang chiến đấu trên các mặt trận ở Quảng Trị để huấn luyện tại vùng biển Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình, trong đó có Trần Quang Khải. Sau thời gian ngắn, ông đã có thể vừa mang khí tài vừa bơi 20km trên biển trong mọi thời tiết, kể cả khi sóng to gió lớn cấp 2 - 3, hoạt động dưới nước từ 8 - 10 giờ đồng hồ.

Đầu tháng 9-1969, theo nguồn tin trinh sát, có một tàu chở dầu 15.000 tấn đang đỗ ngoài khơi, chờ tàu nhỏ ra lấy hàng, cách Cửa Việt 3km về hướng Đông Nam. Chỉ huy Đoàn 126 đã lên kế hoạch để đánh tàu này. Vì là trận đánh tàu ngoài biển đầu tiên của đơn vị nên mọi phương án đều được tính toán kỹ lưỡng, chính xác. Cách đánh là dùng lực lượng nhỏ, trang bị gọn nhẹ, áp dụng kỹ thuật đặc công, bí mật thọc sâu xuống bờ Nam sông Cửa Việt, sau đó bơi ra tiếp cận tàu địch, áp mìn vào mạn tàu rồi hẹn giờ cho nổ.

Chiến sĩ Trần Quang Khải được phân công vào tổ trực tiếp đánh tàu, cùng với 2 người: Bùi Văn Hy, Trần Văn Hỗ, do Bùi Văn Hy làm tổ trưởng; cùng với 4 chiến sĩ khác trong tổ gùi vũ khí và bảo vệ. Thời gian để thực hiện trận đánh không được quá 5 ngày. Phương thức tiếp cận tàu là bơi theo hàng dọc từ bờ ra, khi cách mục tiêu 200m thì chuyển thành hàng ngang, dùng ống thở, bơi ngầm để tiếp cận tàu.

3 giờ sáng ngày 7-9, tổ đánh tàu đã bám được bờ Nam sông Cửa Việt, rồi tìm đường đi vào làng biển Vĩnh Hòa Phương trú ẩn và cất vũ khí. 8 giờ sáng hôm sau, một trung đội lính Ngụy đi tuần tra qua làng, chúng bắn xối xả vào các bụi cây trên bãi cát. Ông Trần Quang Khải kể: “May mắn là bụi cây gần chỗ chúng tôi ẩn nấp không bị bắn. Thậm chí, mấy tên địch còn lại gần bụi cây ấy ngồi quay lưng và trò chuyện mấy tiếng đồng hồ. Khi đó tôi ở gần địch nhất, chỉ cách chừng 1m, còn hai đồng đội thì cách một đoạn phía sau. Tôi rút chốt lựu đạn, để nếu có bị bắn thì lựu đạn sẽ tự rời khỏi tay và nổ. Mãi tận 2 giờ chiều, quân địch mới rút”.

Sau 3 giờ đồng hồ bơi trên biển, đến 22 giờ 30, 2 chiến sĩ Trần Quang Khải và Trần Xuân Hỗ đã bám được vào dây neo của tàu mục tiêu, rồi tiếp cận vào mạn trái, tìm khoang chứa dầu, cạo hà để đặt mìn. 2 quả mìn được đặt cách nhau 3m, ở độ sâu 0,5m so với mực nước mạn tàu.

Sau khi phát hiện có dấu hiệu tấn công của ta, chiếc tàu lao thẳng về phía Cửa Việt, nhưng mới chạy được khoảng 1km thì hai tiếng nổ lớn phát ra. Cả một quầng lửa sáng rực trên biển. Việc tàu chở dầu 15.000 tấn của Mỹ được trang bị hiện đại, có thiết bị chống người nhái, chống đặc công nước, được canh gác bảo vệ rất nghiêm ngặt bị đánh đắm trên biển Cửa Việt khiến cho Mỹ - Ngụy khiếp sợ không hiểu chuyện gì. Ông Khải cho biết: Khi đó dư luận thế giới cũng chấn động. Các tờ báo tại Sài Gòn chạy những hàng tít lớn trên trang nhất về sự kiện này. Hàng chục tờ báo của các nước cũng đưa tin. Nhiều tờ báo đặt câu hỏi bằng cách nào mà quân ta đã đánh đắm được con tàu hiện đại được bảo vệ nghiêm ngặt như thế, nhất là khi trên tàu có rađa quét 24/24 giờ, ngay đến một con cá cũng không thể lọt qua.

Đây là trận đánh tàu trên biển bằng kỹ thuật đặc công đầu tiên của Đoàn 126 và là trận đánh tàu địch trên biển đầu tiên của các đơn vị đặc công trong toàn quân, thể hiện phương thức tác chiến độc đáo của chiến tranh Nhân dân trên sông biển, nên có rất nhiều ý nghĩa.

Tàu dầu 15.000 tấn bị tiêu diệt đã khích lệ tinh thần chiến đấu trên toàn mặt trận, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù và mở đầu cho phong trào cả nước “Biến đau thương thành hành động cách mạng” sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Sau trận đánh ấy, ông Trần Quang Khải tiếp tục cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu nhiều trận khác.

Năm 1990, vừa ngoài 38 tuổi, ông xin nghỉ hưu khi đang mang hàm Thiếu tá và là Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 299, Quân đoàn 1, Bộ Tư lệnh Hải quân. Ông chia sẻ: “Khi đó lương bộ đội thấp, gia cảnh lại quá khó khăn. Ở quê nhà còn có mẹ già, vợ, 3 đứa con nheo nhóc và một cô em gái bị bệnh tâm thần từ bé”.

Cuộc sống tiếp tục thử thách ông với sự nghiệt ngã. Đó là vụ tai nạn kinh hoàng của người con trai cả, khi còn là sinh viên Đại học Bách khoa. May mắn sống sót, anh không thể tiếp tục đi học, nên đã về giúp việc nhà. Con trai thứ hai theo con đường binh nghiệp của cha, hiện đóng quân và sinh sống tại Hải Phòng.

Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời, đó là năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. “Đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân tôi, mà còn là niềm tự hào cả gia đình, dòng họ”, ông Trần Quang Khải bộc bạch.

Giờ đây khi cuộc sống đỡ lo toan về kinh tế thì ông lại mắc nhiều thứ bệnh trong người. Giọng ông vẫn sang sảng, ăn sóng nói gió. Qua câu chuyện, tôi cảm phục thêm về ông cũng như những người lính Cụ Hồ đã luôn cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, cho đồng bào bằng cả tình yêu và trái tim mà chẳng bao giờ đòi hỏi nhận lại.

Bài và ảnh: Hiền Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]