(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến với con đường nghiên cứu lịch sử khá muộn, nhưng nhà nghiên cứu (NNC) Lê Xuân Kỳ lại có một gia tài nghiên cứu lịch sử địa phương đồ sộ khiến nhiều người cảm phục. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn trăn trở với việc làm sáng rõ những giá trị lịch sử về vùng đất, con người trên vùng đất “hai vua” đang bị thời gian phủ mờ.

Người “chăm bẵm những sử làng cùng sử nước”

Đến với con đường nghiên cứu lịch sử khá muộn, nhưng nhà nghiên cứu (NNC) Lê Xuân Kỳ lại có một gia tài nghiên cứu lịch sử địa phương đồ sộ khiến nhiều người cảm phục. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn trăn trở với việc làm sáng rõ những giá trị lịch sử về vùng đất, con người trên vùng đất “hai vua” đang bị thời gian phủ mờ.

Người “chăm bẵm những sử làng cùng sử nước”Dù đã “90 năm tuổi đời - 60 năm tuổi Đảng”, nhà nghiên cứu Lê Xuân Kỳ vẫn cần mẫn say mê nghiên cứu lịch sử.

“Chăm bẵm những sử làng cùng sử nước” - đó là cách nhà báo Xuân Ba (Báo Tiền Phong) gọi tên NNC lịch sử Lê Xuân Kỳ. Lần đầu tiên tôi biết đến ông là qua cuốn sách “Vua Lê Đại Hành và quê hương Trung Lập”. Cuốn sách do ông và NNC Hoàng Hùng (hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thọ Xuân - Yên Định) đồng tác giả. Đó thực sự là một công trình nghiên cứu công phu chứa đựng nhiều tài liệu giá trị. Nếu không hiểu biết, không đam mê và không kỳ công, người ta sẽ không thể viết ngọn ngành, rõ ràng đến thế. Cuốn sách cung cấp cho người đọc thông tin đa chiều và toàn diện về vị vua sáng lập nhà Tiền Lê và vùng đất cổ Kẻ Xốp... Sau đó, tôi biết và có dịp gặp ông nhiều hơn trong những hội thảo khoa học lịch sử trong cả tỉnh, đặc biệt là các cuộc hội thảo về vùng đất Thọ Xuân và hai triều đại Tiền Lê, Hậu Lê.

Về Thọ Xuân lần này, tôi tìm gặp NNC sử học Lê Xuân Kỳ khi ông mới trải qua dấu mốc ý nghĩa trong cuộc đời: 90 năm tuổi đời - 60 năm tuổi Đảng. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn còn khá minh mẫn trong những câu chuyện lịch sử. Ông bộc bạch: “Ở tuổi này rồi, chẳng mưu cầu gì nhiều. Chỉ mong trời thương, cho tôi có sức khỏe để cùng với anh em trong Hội Khoa học lịch sử Thọ Xuân - Yên Định và các NNC, chuyên môn cùng chính quyền địa phương có thể tổ chức hội thảo làm rõ thân thế, sự nghiệp về Quốc vương Tư Tề - con trai cả của vua Lê Thái Tổ. Lâu nay, đang có nhiều cách hiểu chưa thực sự đúng về nhân vật này. Bên cạnh đó là sưu tầm tư liệu, viết cuốn sách dày dặn, chi tiết về các làng cổ ở Thọ Xuân".

Sinh ra ở làng Vực Thượng, tổng Nam Dương nay là xã Xuân Hồng (Thọ Xuân), vùng đất có lớp lớp dấu tích văn hóa, lịch sử với ông là sự may mắn, cũng là nền tảng, cơ duyên đến với nghiên cứu lịch sử địa phương. Sau những năm tháng tuổi trẻ học tại Trung Quốc, rồi về nước học chuyên ngành tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ... Lê Xuân Kỳ từng kinh qua nhiều vị trí công tác. Từ năm 1987 đến năm 1994 ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân (phụ trách văn hóa - xã hội). Đây cũng là khoảng thời gian ông có điều kiện thực tế, xuống cơ sở và tích lũy cho mình kiến thức phục vụ công tác nghiên cứu sau này.

NNC lịch sử Hoàng Hùng nhớ lại kỷ niệm với NNC Lê Xuân Kỳ: “Thời anh Kỳ làm Phó Chủ tịch UBND huyện, cả nước đang lên “cơn sốt” đồ cổ. Bọn săn lùng trộm cắp đồ cổ, nạn mộ tặc hoành hành khắp nơi và địa bàn Thọ Xuân cũng không tránh khỏi nạn này. Có việc anh Kỳ trực tiếp giải quyết, có việc anh giao cho anh em chúng tôi (phòng Văn hóa - Thông tin) nắm bắt. Một lần vào cuối buổi chiều dưới xã Xuân Thắng (cũ) báo về huyện phát hiện tấm bia lạ. Anh Kỳ tức tốc gọi tôi sang để xuống xã, nhưng không phải đi ô tô, mà xe máy. Cùng đi còn có cán bộ Hán Nôm trên tỉnh. Xong việc ở xã thì trời tối đen, trên đường trở về, xe anh Kỳ va vào một hố lớn giữa đường khiến người và xe ngã quay. Nhưng khi chúng tôi đỡ dậy thì anh luôn miệng nói không sao để trấn an. Về đến huyện đã gần nửa đêm, mỗi người lót dạ bát mì tôm mà vẫn thấy vui”...

Năm 1994, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Lê Xuân Kỳ nghỉ hưu nhưng ông không chấp nhận nghỉ ngơi. “Mình phải đi kiếm việc để làm, nhưng làm gì thì chưa biết được, đi rồi tính”. Với kiến văn sâu rộng, lại ưa thích “xê dịch”, ông đến với nghề báo khi đã ở tuổi 60. Và 10 năm làm báo, lăn lộn từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước không chỉ cho ông trải nghiệm để viết ra những bài báo tốt mà còn cả chiêm nghiệm: “Con người ta dù ở địa vị, hoàn cảnh nào, sướng khổ ra sao đều không tách khỏi dòng chảy lịch sử của dân tộc”.

Bởi vậy năm 2004, sau khi “về hưu” lần thứ 2, ông Lê Xuân Kỳ chính thức bước vào con đường nghiên cứu lịch sử. Với những đóng góp cùng uy tín bản thân, ông được bầu làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh. Hiện tại ông đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam...

Gần 20 năm nghiên cứu lịch sử, NNC Lê Xuân Kỳ đã xuất bản nhiều tác phẩm - công trình nghiên cứu giá trị, có thể kể đến: “Mùa thu Lam Kinh” (bút ký); “Phấn trắng, mực đen” (bút ký); “Đại vương Lê Trung Giang” (lịch sử); “Lê triều ngọc phả” (lịch sử)... Và nhiều đầu sách nghiên cứu lịch sử địa phương viết cùng NNC Hoàng Hùng, như: “Danh nhân họ Lê Thanh Hóa”; “Gia tộc Trung Túc Vương Lê Lai”... Cũng trong thời gian này, ông đã có đến 33 bài tham luận tại các hội thảo khoa học lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh xung quanh các vấn đề lịch sử được cộng đồng quan tâm, như: Điện Càn Long; Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường; Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ... Chỉ riêng trong cuốn sách “Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa” (tập 1, 2010), NNC Lê Xuân Kỳ đã đóng góp đến 9 bài viết.

Nói về NNC lịch sử Lê Xuân Kỳ, NNC lịch sử Hoàng Hùng, đánh giá: “Dù không phải dân sử chuyên nghiệp và đến với nghiên cứu lịch sử muộn hơn so với nhiều người nhưng ở anh Lê Xuân Kỳ có một niềm say mê rất lớn đối với lịch sử. Phương pháp nghiên cứu của anh Kỳ luôn dựa trên nguyên tắc thực tế - thực địa bằng phương pháp hàn lâm khoa học, chứ không đơn thuần là truyền thuyết, dã sử dân gian. Vì thế mà tính logic, giá trị khoa học cao, cung cấp nhiều tư liệu quý về vùng đất, nhân vật lịch sử trên địa bàn huyện Thọ Xuân nói riêng cho các NNC lịch sử chuyên nghiệp trong cả nước... Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã diễn ra 7 cuộc hội thảo khoa học về vùng đất, con người Thọ Xuân. Để những hội thảo được diễn ra, có công rất lớn của anh Lê Xuân Kỳ trong việc xúc tiến tổ chức”.

Khi tôi hỏi NNC Lê Xuân Kỳ, rằng điều gì khiến ông dù ở tuổi xưa nay hiếm vẫn cần mẫn với công việc nghiên cứu lịch sử, ông chia sẻ: “Trách nhiệm và say mê. Trách nhiệm với vùng đất, quê hương, con người; trách nhiệm với tiền nhân và cả với hậu thế. Và khi có đủ say mê, mỗi người đều có thể vượt qua những giới hạn của chính mình”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]