(vhds.baothanhhoa.vn) - 17 năm dính sâu vào ma túy những tưởng cuộc đời và ước mơ của anh Nguyễn Hoàng Tùng ở phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa sẽ chấm hết. Thế nhưng, bằng nghị lực và quyết tâm đã giúp anh hoàn lương, làm những việc có ích cho gia đình, xã hội.

Người đàn ông nghiện ngập và câu chuyện trở lại... "làm người"

17 năm dính sâu vào ma túy những tưởng cuộc đời và ước mơ của anh Nguyễn Hoàng Tùng ở phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa sẽ chấm hết. Thế nhưng, bằng nghị lực và quyết tâm đã giúp anh hoàn lương, làm những việc có ích cho gia đình, xã hội.

Người đàn ông nghiện ngập và câu chuyện trở lại... “làm người”

Sau những tháng ngày chìm trong cơn mê ma túy, anh Tùng đã và đang cố gắng lấy lại niềm tin từ người thân.

Tự xích mình để cai nghiện ma túy

Không ngần ngại với quá khứ, anh Tùng kể với chúng tôi về những năm tháng chìm trong bóng tối của cuộc đời mình. Sinh năm 1978, anh Tùng sang Lào làm ăn từ năm 1998. 20 tuổi đầu buôn chải nơi đất khách, anh không tránh khỏi những cám giỗ, trong đó có ma túy.

Anh bảo ngày đó ma túy bán tràn lan. Người ta mua ma túy, dùng ma túy như đồng quà tấm bánh ăn hằng ngày. Họ không thể hình dung nổi những tác hại của ma túy mang lại. Nếu biết chắc đã không nhiều người chết vì ma túy như thế. Bản thân anh, lần đầu sử dụng ma túy cũng chỉ ngây thơ nghĩ rằng, dùng thử xem mùi vị của nó thế nào, chắc cũng không ảnh hưởng gì. Đến khi dính nghiện, cuộc đời anh dừng lại ở hai chữ “nếu như”.

Thời gian làm ở bên Lào, anh lái xe cho công ty xây dựng cầu đường, lương gần 10 triệu đồng/tháng nhưng đều bị cuốn theo làn khói trắng, dần dần anh trở nên gầy rạc, không thiết tha gì làm ăn nữa. Phát hiện con trai dính nghiện, năm 2003, bố mẹ đưa anh về Việt Nam làm việc với mong muốn môi trường mới sẽ giúp anh rời xa cái chết trắng. Tuy nhiên, anh vẫn chứng nào tật nấy, mỗi khi lên cơn anh lại bê đồ đạc của gia đình đi bán lấy tiền mua ma tuý. Không tiền, của cải bán hết, có những hôm lê bước trên đường trong cơn vật thuốc, anh tìm đến đám bạn nghiện xin chích chung và bị đánh đến thừa sống thiếu chết, trong đầu anh thầm hứa rằng mình phải cai nghiện. Nhưng nhiều lần như thế, anh đều không vượt được qua.

Bất lực trước cậu con quý tử, gia đình cưỡng chế đưa anh vào cơ sở cai nghiện ma túy số 1. Những ngày ở đây, ngẫm nghĩ về những việc làm của mình, anh Tùng khóc hết nước mắt vì ân hận và quyết tâm cai nghiện. Nghĩ thì dễ, vừa về hôm trước, hôm sau đám bạn nghiện cũ đã đến nhà “hỏi thăm sức khoẻ”. Và rồi một lần nữa “nàng tiên nâu” lại quấn lấy anh. Mặc cho bố mẹ khóc lóc, khuyên can, thậm chí có lần bố còn trói vào chân giường đánh cho một trận nhừ tử, anh vẫn lao vào ma tuý như con thiêu thân.

Anh Tùng tâm sự: “Những lúc tỉnh táo, tôi thật sự muốn dừng lại nhưng không làm chủ được hành vi của mình nên cứ buông xuôi. Ma túy đã cướp đi tất cả những gì tôi có”.

Thế rồi, một sự kiện làm thay đổi suy nghĩ, hành động của anh Tùng. Một tối, sau khi ăn cơm xong, thấy trong người mệt mỏi, mẹ gọi anh vào nói chuyện. Kể đến đây, đôi mắt anh bỗng đỏ hoe, giọng nghẹn ngào: “Hôm ấy, hai mẹ con tâm sự với nhau rất nhiều điều. Cuối buổi nói chuyện, mẹ bỗng bật khóc “Bố mẹ chỉ có hai anh em con. Con là niềm hy vọng của mẹ nhưng con lại nghiện ngập như vậy, mẹ rất đau lòng. Mẹ chắc không sống được lâu nữa, muốn làm người, con phải quyết tâm từ bỏ ma tuý, làm lại cuộc đời. Có như vậy thì mẹ mới được ngậm cười nơi chín suối”.

Hàng tháng sau, anh Tùng không sao ngủ được. Bởi ánh mắt, lời căn dặn của mẹ khiến anh đau đớn, ân hận. Một hôm, ngồi xem ti vi, chợt anh thấy giới thiệu tấm gương về một người tự cai nghiện tại nhà. Anh chăm chú theo dõi cách mà người này đoạn tuyệt với ma tuý như thế nào. Ngay ngày hôm sau, anh đi mua một chiếc xích, một ổ khoá và gọi vợ vào nhờ: “Lúc anh lên cơn, anh sẽ tự xích mình vào chân tường. Dù anh có khóc lóc, chửi bới hay tự hành hạ mình thì em cũng kệ anh”.

Kể từ đó, mỗi khi lên cơn, anh Tùng lại tự xích chân mình vào giường. Thấy chồng vật vã trong phòng, vợ anh dù thương chồng, nhưng cũng chỉ đứng ở ngoài nhìn vào rồi lén quay đi chấm nước mắt.

Anh Tùng kể rằng: “Ma tuý nó cũng như một căn bệnh. Mà căn bệnh này rất thảm khốc, mỗi khi lên cơn, toàn cơ thể lúc nóng ran, lúc sau lại lạnh toát. Từ xương, tuỷ như có con gì vừa bò, vừa cắn từ ngoài vào trong. Những lúc như vậy, mình chỉ muốn đập tan tất cả để tìm ma tuý”.

Vượt lên chính mình

Thấy việc cai nghiện tại nhà tuy có kết quả nhưng không rõ ràng và rất khó để dứt hẳn, anh chủ động xin vào cơ sở cai nghiện ma túy số 1. Và sau 4 lần cai nghiện, năm 2015 anh Tùng đã đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy và tái hoà nhập cộng đồng.

Người đàn ông nghiện ngập và câu chuyện trở lại... “làm người”

Quán sửa giày nhỏ trước cổng Trường THPT Chuyên Lam Sơn là kế sinh nhai của gia đình anh Tùng.

Trở về khi tuổi đã không còn trẻ, nhận thức được những ánh mắt nghi kỵ của một người lông bông, không nghề ngỗng khiến anh Tùng chạnh lòng, nhiều đêm mất ngủ. Những ngày anh từ cơ sở cai nghiện trở về, các tổ chức xã hội thường xuyên ghé thăm động viên và tìm cách để anh Tùng có công việc ổn định, không là gánh nặng của gia đình và xã hội.

“Lúc đó, mình gần như không dám bước chân ra đường vì sợ những ánh nhìn và lời xì xầm. Mình cứ nghĩ trong mắt mọi người mình chỉ là thằng chuyên đi phá làng, phá xóm”, anh Tùng chia sẻ.

Nhờ sự giúp sức của gia đình và các tổ chức xã hội, anh Tùng xin vào làm cán bộ giữ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn. Tuy nhiên, công tác được 3 năm anh phải xin nghỉ vì hoàn cảnh gia đình không cho phép. Trở về nhà với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, một lần nữa anh Tùng lại loay hoay với bài toán “làm gì để nuôi con?”. Nhờ gia đình động viên, anh đi xin việc làm ở một số nơi, nhưng ai cũng lắc đầu khi biết quá khứ của anh. Buồn, tủi nhưng anh Tùng không cho phép mình bỏ cuộc. Đang trong lúc bế tắc, anh Tùng được một người bạn giới thiệu nghề sửa giày. Công việc này tuy vất vả, nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ nhưng nếu chịu khó ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn, đủ ăn và nhất là được gần vợ, con.

Nhìn người đàn ông phong trần đang tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ khâu dép cho khách, tôi mường tượng ra hình ảnh của anh cách đây gần 10 năm về trước: bất cần và ngang tàng. Có lẽ để có được cuộc sống yên bình như hiện tại, anh đã phải quyết tâm và đánh đổi rất nhiều.

Tôi hỏi anh: “Có bao giờ anh nghĩ sẽ có ngày mình ngồi ở đây và khâu dép thuê cho người ta như thế này không?”. Anh mỉm cười, một nét cười chua chát, nói: “Sống trên đời không ai biết trước được điều gì. Bỏ được ma túy và giữ được gia đình đối với mình đã là kỳ tích. Giờ mình chẳng có ước mong gì hơn là những người mình yêu thương được khỏe mạnh”.

Hiện nay, con trai anh Tùng đang học cấp 2 và rất ngoan ngoãn. Vợ chồng anh chị chưa định có thêm con vì muốn tập trung làm kinh tế.

Trước khi chúng tôi ra về, anh Tùng bộc bạch: “Các bạn ra tù, ra trại mà chưa có nghề gì trong tay thì nên chịu khó học một nghề phù hợp để kiếm sống. Bởi, nếu không đi làm hay học nghề, nguy cơ tái phạm do bị bạn bè xấu rủ rê là rất cao. Đồng thời, bản thân cũng nên có suy nghĩ về tương lai với thái độ tích cực hơn, đừng buông xuôi. Hãy chí thú làm ăn, mọi người dần dần sẽ ghi nhận và có cái nhìn thiện cảm hơn với mình”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Tam henry - 17:39 17/08/21

 Trả lời

Một tấm gương tốt của xã hội. Cần phát huy và nhân rộng.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]