(vhds.baothanhhoa.vn) - “Ngày lễ Tình nhân này chị sẽ mang hoa vào trung tâm thành phố để bán”. Chị Thùy, một người mẹ bị câm điếc bẩm sinh mà tôi quen đã nhắn như vậy. Tôi lặng lẽ “thả tim” cho quyết định của chị.

Người phụ nữ câm điếc và những bó hoa cho ngày lễ Tình nhân

“Ngày lễ Tình nhân này chị sẽ mang hoa vào trung tâm thành phố để bán”. Chị Thùy, một người mẹ bị câm điếc bẩm sinh mà tôi quen đã nhắn như vậy. Tôi lặng lẽ “thả tim” cho quyết định của chị.

Người phụ nữ câm điếc và những bó hoa cho ngày lễ Tình nhân

Chị Thùy tự tay mình làm ra những bó hoa lụa màu sắc rực rỡ.

Tôi quen chị Thùy trong một lần viết bài về người khuyết tật. Chị xinh đẹp, miệng luôn cười, nhưng đôi mặt ướt vẫn thoáng buồn chứa nhiều tâm sự. Cuộc đời chị đã đi qua nhiều nốt “trầm”.

Được sinh ra với cơ thể lành lặn, khỏe mạnh, nhưng càng lớn càng không có “biểu hiện” về âm thanh, không thể khóc, cũng không thể nghe tiếng động. Qua nhiều nỗ lực chạy chữa của gia đình, cô bé Thùy buộc phải chấp nhận mình bị câm điếc bẩm sinh.

Thùy không thể đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Những con chữ Thùy học được để giao tiếp với người xung quanh đều do người mẹ tần tảo chỉ dạy. Lớn lên, Thùy lại học ngôn ngữ kí hiệu dành cho người câm điếc. Vốn thông minh, Thùy tiếp thu nhanh. Không ít lần, chị còn dạy lại ngôn ngữ đặc biệt cho những người không may giống chị.

Cuộc đời những tưởng mỉm cười với Thùy khi chị gặp người đàn ông thương và hứa sẽ chăm sóc chị cả đời. Tình yêu của họ đã từng ngỡ rất đẹp khi gia đình nhỏ lần lượt đón nhận thêm những thành viên mới. Nhưng bất hạnh một lần nữa lại tìm đến với chị Thùy. Sau khi sinh bé trai thứ hai, Thùy phát hiện chồng mình có người phụ nữ khác, rồi họ ly thân.

Đi qua những giông bão cuộc đời, ở tuổi gần 40, người mẹ bị câm điếc bẩm sinh ấy vẫn đang nỗ lực vượt lên chính mình - khẳng định mình không vô dụng. Ghé thăm nơi chị Thùy ở, cuộc sống thật giản tiện, ngoại trừ những bó hoa lụa đẹp đẽ sặc sỡ sắc màu. Chị Thùy bảo, đó là hoa do chị tự học, tự làm, để bán kiếm tiền. Nhưng rồi chị cũng lại “nói”: “Hoa bán được ít lắm!”.

Người phụ nữ câm điếc và những bó hoa cho ngày lễ Tình nhân

Chị Thùy nỗ lực để khẳng định bản thân, mong ước được mưu sinh bằng chính sức lao động của mình.

Trước ngày lễ Tình nhân, chị nhắn cho tôi: “Ngày lễ Tình nhân này chị sẽ mang hoa vào trung tâm thành phố để bán”. Tôi lặng lẽ “thả tim” cho quyết định của chị. Với tôi, mọi nỗ lực của chị Thùy, đều xứng đáng được “cổ vũ”.

Đi qua những giông bão, bất hạnh cuộc đời, tôi hiểu người phụ nữ - người mẹ ấy cũng chán chường, mệt mỏi lắm. Nhưng rồi, chị vẫn chọn cách “đứng dậy”; thay vì hằn học, sống trong nỗi u sầu, chị chọn làm hoa - như một cách thể hiện tình yêu đời, yêu cuộc sống; và chị quyết định mang “những đóa hoa tình yêu” mình làm ra đứng trên tuyến phố sầm uất của thành phố bán trong ngày lễ Tình nhân, để “thay lời muốn nói” của đôi lứa yêu nhau… Là chị đã vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.

Có thể bạn nghĩ tôi đang cố “thi vị hóa - ngôn tình hóa” hành động kiếm tiền của một người khuyết tật. Quả thực, chị Thùy học và làm hoa, rồi mang sản phẩm của mình đi bán cho người cần, đó cũng là nhu cầu mưu sinh chính đáng. Nhưng nếu, bạn đã từng gặp những người bị khuyết tật, đặc biệt là những người bị câm điếc bẩm sinh, bạn sẽ hiểu họ gặp khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng đến nhường nào. Vậy nên, nếu có thể, xin hãy đón nhận những “đóa hoa tình yêu” từ họ. Bởi, họ thực sự mong ước cuộc sống bình thường, cần lắm ở chúng ta, một sự “thừa nhận”.

Người phụ nữ câm điếc và những bó hoa cho ngày lễ Tình nhân

Người khuyết tật nghe nói gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng. Họ cần ở những người xung quanh sự sẻ chia chân thành.

Chị Thùy nói, chị học làm hoa để làm đẹp thêm cho cuộc sống và ước mơ muốn được kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, không muốn sống dựa - phụ thuộc vào người khác. Mọi nỗ lực tự thân vươn lên trong cuộc sống đều đáng được khích lệ. Với người khuyết tật như chị, sự trân quý càng nhiều hơn.

Tôi hiểu mong ước tự mình mưu sinh của chị Thùy sẽ còn khó khăn lắm. Nhưng cuộc đời mà, nếu mỗi người chúng ta mở lòng hơn một chút, cảm thông và trân quý nỗ lực của những người như chị Thùy, có phải đã góp phần để ước mơ giản dị của chị thành sự thực.

Trong ngày lễ Tình nhân, nếu bạn dạo trên những con đường của thành phố sầm uất, bắt gặp người phụ nữ “không thể nói” đang nỗ lực bán những bó hoa lụa đẹp đẽ nhiều màu sắc… thì đừng vội lướt qua. Chầm chậm một chút dừng lại ngắm nhìn, để trái tim mình lên tiếng, yêu thương được sẻ chia… Có phải, ngày lễ Tình nhân sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]