(vhds.baothanhhoa.vn) - Bắt đầu học nghề mây tre đan từ năm 2005, sau 16 năm, chị Phạm Thị Mỳ, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng, thôn Phú Hưng, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn.

Người phụ nữ làm mới nghề cũ

Bắt đầu học nghề mây tre đan từ năm 2005, sau 16 năm, chị Phạm Thị Mỳ, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng, thôn Phú Hưng, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn.

Người phụ nữ làm mới nghề cũChị Phạm Thị Mỳ và những sản phẩm của Doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng.

Chị Phạm Thị Mỳ còn nhớ mãi về quyết định học nghề từ cách đây hơn 16 năm. Ngày ấy, chị buôn bán, dù có đồng ra đồng vào đủ sức nuôi 2 đứa con gái ăn học, nhưng “phải lòng” với nghề mây tre đan, chị quyết định đi học nghề. Chị nghĩ: “Trên địa bàn xã Thiệu Long và cả một số xã lân cận chưa có các công ty. Nếu theo đuổi nghề này, tôi có thể tạo thêm việc làm cho người dân lúc nông nhàn". Khi đã tìm được nguyên liệu đầu vào, nơi bao tiêu sản phẩm, chị gọi những người cùng mình học nghề để tổ chức sản xuất.

Năm 2006, chị Phạm Thị Mỳ thành lập doanh nghiệp tư nhân. Chị nhớ lại: “Lúc đầu vất vả lắm, một mình tôi lo từ đầu vào đến đầu ra. Đây lại là lĩnh vực hoàn toàn mới, cái gì với tôi cũng bỡ ngỡ. Quá ít vốn, tôi được vay 60 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để giải quyết việc làm và từ đó tổ chức lực lượng lao động”.

Khó khăn là thế, nhưng nhìn thấy bà con vui vẻ, hàng ngày chị bớt đi những lo âu. Nhớ lại những ngày đầu tiên khi tìm được người lao động, chị gom vào các tổ. Lựa chọn mỗi tổ một người có kỹ thuật tốt nhất, đưa họ ra Hà Nam học thêm nghề. Trước đó, hầu hết mọi người mới chỉ được học đan đáy, nay học thêm dựng thành và các kỹ thuật đan khác. Sau khi đảm bảo kỹ thuật, chị giao nguyên liệu cho tổ trưởng, từ đó sẽ phát cho người dân. Đến nay chị có 12 tổ trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, 1 tổ ở huyện Nông Cống và 1 tổ ở huyện Yên Định. Người lao động được trả lương theo sản phẩm, có những người đạt 6 - 7 triệu đồng/ tháng.

Trước năm 2011, quản lý chưa chặt chẽ, sản phẩm thất thoát, giá cả lại lên xuống thất thường, có thời điểm chị nợ lên tới trên một tỷ đồng. Chị tâm sự: “Lúc đó chồng tôi nói: Mẹ mi chuẩn bị cho bố con ta ra đường ở. May mắn là sau thời gian khủng hoảng kinh tế, cùng với việc liên kết với Công ty TNHH Hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan xuất khẩu Ngọc Sơn, chị nhanh chóng trả hết nợ. Và kể từ năm 2017 đến nay thì dư ra khoảng 1 tỷ đồng/năm. Trên hành trình chuyển đổi nghề và tìm kiếm thị trường, nếu không có mạo hiểm thì sẽ không có thành công”.

Đến giao nộp sản phẩm cho chị, hầu hết là những người đã có tuổi, thậm chí nhiều người trên 70 tuổi. Tôi hỏi một cụ ông: Trên 70 tuổi mà còn đi học nghề, có khó không ông? Ông Nhợ (xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa) trả lời: “Vui cô ạ. Học nghề này không quá khó, mà có thu nhập cao, làm lại sạch sẽ”.

Nói về việc đào tạo nghề, chị Phạm Thị Mỳ cho biết: “Từ xã đến huyện, tỉnh đều quan tâm đến đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, nếu không doanh nghiệp chúng tôi cũng khó duy trì, thậm chí phá sản rồi. Bắt đầu năm 2010, tham gia vào Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, mỗi năm chúng tôi phối hợp mở 2-3 lớp, mỗi lớp khoảng 35 người, kinh phí được hỗ trợ đào tạo là 2 triệu/người. Doanh nghiệp chủ động nâng cao tay nghề bằng cách đưa các tổ trưởng đi học 3 ngày, sau đó truyền đạt cho người dân. Khi họ nắm được kỹ thuật cơ bản thì nâng cao tay nghề là dễ”.

Trong khi nhiều đơn vị không duy trì được nghề cho người lao động thì cơ sở của chị đã giúp hơn 800 người lao động duy trì việc làm thường xuyên. Chị bộc bạch: “Có người 70 tuổi, mơ cả đời cũng không nghĩ đến già lại được nhận mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Vì thế, nhiều người đã bỏ ruộng để đi làm mây tre đan. Họ tâm sự với tôi: Thu nhập một tháng 5-6 triệu đồng tôi mua cả tấn lúa, còn làm ruộng 6 tháng trời chỉ được vài tạ lúa, trả tiền phân, tiền giống là hết”.

Hiện tại ở cơ sở của chị đang tập trung vào hàng mây xiên cói và sọt nhựa. Kỹ thuật làm sọt nhựa bước đầu khó khăn, nhưng khi nắm được kỹ thuật thì sẽ rất nhàn, không tốn công sức. Khi tôi hỏi: Được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020, cảm xúc của chị thế nào? Chị nhanh miệng: “Tôi rất vui, nhưng hơn hết vẫn là niềm vui được tạo công việc cho người dân lúc nông nhàn. Không phải được hỗ trợ kinh phí tôi mới đào tạo nghề cho người dân. Hàng ngày, nhiều người vẫn đến nhờ tôi chỉ dạy, kiểm tra sản phẩm. Mình lấy được phần lời trong những sản phẩm làm được của người lao động, thì mình cũng phải tri ân họ”.

Với lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm, chị Phạm Thị Mỳ đang là một trong những doanh nghiệp tư nhân thành công trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Thành công lớn nhất của chị là tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động nông nhàn, người cao tuổi, yếu sức và khuyết tật. Vẫn dùng mây tre đan là những nguyên liệu có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường, Doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng đã phát triển lên mức độ cao hơn thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đó không chỉ là đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà còn làm đồ trang trí trong mỗi gia đình, phục vụ nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu. Sản phẩm của doanh nghiệp đã theo những đơn hàng đến với thị trường Nhật Bản và một số nước Châu Âu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp phụ nữ địa phương không phải đi làm ăn xa, có điều kiện cải thiện cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Làm mới nghề cũ với chị Mỳ, hơn hết cần sự đam mê.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]