(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 1 năm nay “Nhà ăn 0 đồng” tại số nhà 328 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa đã trở thành địa chỉ nhận cơm quen thuộc của các bệnh nhân nghèo. Mỗi suất cơm cho đi không chỉ đơn thuần “để no cái bụng”, mà ở đây còn lan tỏa suy nghĩ tích cực, những yêu thương thường nhật…

“Nhà ăn 0 đồng” lan tỏa những thương yêu

Hơn 1 năm nay “Nhà ăn 0 đồng” tại số nhà 328 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa đã trở thành địa chỉ nhận cơm quen thuộc của các bệnh nhân nghèo. Mỗi suất cơm cho đi không chỉ đơn thuần “để no cái bụng”, mà ở đây còn lan tỏa suy nghĩ tích cực, những yêu thương thường nhật…

“Nhà ăn 0 đồng” làn tỏa những thương yêu

Những tình nguyện viên đang chuẩn bị những suất cơm trước khi đưa đến với những bệnh nhân nghèo.

Suất cơm cho đi, tình người ở lại

Được cùng các tình nguyện viên đưa những suất cơm “0 đồng” đến với những bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa mới thấy những nỗ lực, sự sẽ chia đầy tính nhân văn từ chương trình.

Suất cơm đến với bệnh nhân Nguyễn Thị Hải (huyện Nông Cống) đầy cảm xúc. Chị Hải bị căn bệnh ung thư quái ác phải nằm ở Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa điều trị từ nhiều tháng nay. Kinh tế gia đình không mấy khá giả nay càng trở nên kiệt quệ bởi số tiền chi cho thuốc men, sinh hoạt khá lớn. Không có điều kiện, hằng ngày chị Hải cùng chồng đã nhận những suất cơm từ thiện từ “Nhà ăn 0 đồng” Thanh Hóa.

“Nhà ăn 0 đồng” làn tỏa những thương yêu

Suất cơm chay nhưng được đánh giá là đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho người bệnh.

Chị Hải vui mừng cho biết, tuy là cơm chay nhưng đầy đủ về dinh dưỡng. Cơm rất sốt, dẻo, mềm và ăn rất vừa miệng. Mỗi suất cơm thường có 3 món ăn kèm cộng với canh rau. Người phát mang đến tận nơi cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.

“Cảm ơn tấm lòng của các thiện nguyện viên tại “Nhà ăn 0 đồng” Thanh Hóa đã giúp chúng tôi ấm lòng hơn”, chị Hải nói.

Còn với chị Nguyễn Thị Khuyên - người phụ trách “Nhà ăn 0 đồng” tại Thanh Hóa cho rằng: Mỗi bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đến với nhà ăn có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung quy họ rất nghèo và gặp khó khăn trong cuộc sống.

“Nhà ăn 0 đồng” làn tỏa những thương yêu

Những suất cơm chay từ thiện sau khi chuẩn bị xong.

Chị Khuyên cho biết, nhiều tháng trôi qua nhưng chị vẫn chưa bao giờ quên ánh mắt, dáng dấp, giọng nói của bà Lê Thị Ngọt. Bà là bệnh nhân ung thư phổi. Chồng bà cũng bị mất vì căn bệnh quái ác này, chỉ còn mình bà sống trên đời và hằng ngày vẫn phải chịu những giằng co, đau đớn từ căn bệnh. Một mình bà đi viện, kinh tế cạn kiệt, không một ai chăm sóc.

Theo chị Khuyên, Nhà ăn phát cơm vào các buổi trưa từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, ban đầu là mỗi ngày 200 suất, hiện nay mỗi ngày từ 400 - 450 suất. Một phần phát tại nhà ăn thường có bệnh nhân bệnh viện đa khoa, bệnh viện tâm thần, bệnh viện mắt, bệnh viện phụ sản đến nhận. Đồng thời nhà ăn thường xuyên mang khoảng 100 suất ăn sang bệnh viện Ung bướu.

Lan tỏa những thương yêu

Là một thiện nguyện viên trong nhà ăn, ngoài giờ lên lớp, chị Khuyên cùng các thiện nguyên viên khác lại tất bật chuẩn bị nhặt rau, nấu canh, đóng thành những hộp cơm để mang đến các bệnh viện.

“Nhà ăn 0 đồng” làn tỏa những thương yêu

Nhiều người bệnh, người khó khăn trực tiếp đến tận nơi để nhận những suất ăn miễn phí.

Chị Khuyên cho biết, nhân duyên khi chị cùng các bạn trẻ Thanh Hóa đã gặp được nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh ra Thanh hóa để tổ chức chương trình “Nhà ăn 0 đồng”. Chị Khuyên và các bạn trẻ tình nguyện viên đã tham gia chương trình từ những ngày đầu tiên (khoảng tháng 4-2021) cho đến bây giờ.

Theo chị Khuyên, “Nhà ăn 0 đồng” Thanh Hóa là nhà ăn thứ 19 của chuỗi nhà ăn trên cả nước. Cơ chế hoạt động hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của các thành viên tham gia, tuy nhiên để nhà ăn có thể duy trì hoạt động thì vai trò của những mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và những thiện nguyện viên là rất quan trọng.

“Nhà ăn 0 đồng” làn tỏa những thương yêu

Các tình nguyện viên trực tiếp mang cơm đến bệnh viện phát cho bệnh nhân nghèo.

Để nhà ăn có thể đảm bảo giờ phát cơm thì duy trì mỗi ngày có từ 5-6 thiện nguyện viên chính là những người quen việc, có trách nhiệm chính trong buổi trực, còn lại là những thiện nguyện viên tùy duyên, biết mà đến hỗ trợ.

“Mỗi suất cơm cho đi, mỗi thiện nguyện viên đều mong cho những người bệnh sẽ sớm bình phục, được đoàn tụ với gia đình. Mỗi hộp cơm không đơn thuần là sự chia sẻ những khó khăn với người bệnh mà còn là thông điệp gửi gắm sự chân thành, lan tỏa những điều tử tế trong cuộc sống”, chị Khuyên chia sẻ.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]