(vhds.baothanhhoa.vn) - Xác định, xây dựng nông thôn mới (NTM) chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, nên ngay sau khi “về đích” chương trình, nhiều xã ở miền núi tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí với đích đến là NTM nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, không ít xã đã gặp khó ở tiêu chí 13.1: có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung và tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch theo quy định, trong Quyết định số 25/QĐ-UBND, ngày 10-8-2018 của UBND tỉnh.

Nhiều xã miền núi gặp khó ở tiêu chí 13.1

Xác định, xây dựng nông thôn mới (NTM) chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, nên ngay sau khi “về đích” chương trình, nhiều xã ở miền núi tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí với đích đến là NTM nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, không ít xã đã gặp khó ở tiêu chí 13.1: có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung và tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch theo quy định, trong Quyết định số 25/QĐ-UBND, ngày 10-8-2018 của UBND tỉnh.

Nhiều xã miền núi gặp khó ở tiêu chí 13.1Diện mạo NTM nâng cao đang hiện hữu ở xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy), nhưng tiêu chí 13.1 không hoàn thành, địa phương đã “lỡ hẹn” cán đích NTM nâng cao.

Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015, xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) đã chú trọng nâng chất lượng các tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2020 hoàn thành xã NTM nâng cao. Sau 5 năm, xã đã huy động được 362,49 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp, hiến đất là 273,76 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, Cẩm Tú ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các công trình kết cấu hạ tầng. Đồng thời, tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn giới thiệu việc làm; hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... Đến cuối năm 2020, xã Cẩm Tú hoàn thành 14 tiêu chí NTM nâng cao. Xã còn thiếu tiêu chí 13.1 về hệ thống nước sinh hoạt tập trung và tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch, khiến mục tiêu cán đích NTM nâng cao của Cẩm Tú đã “lỡ hẹn”.

Ông Phạm Văn Tiệm, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Cẩm Tú là xã miền núi, dân cư sống không tập trung, nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung nằm ngoài khả năng của xã. Vì vậy, năm 2020 xã không về đích xã NTM nâng cao như mục tiêu đã đề ra. Hiện Cẩm Tú đang phối hợp với Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa lắp đặt hệ thống nước sạch, đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng nguồn nước do đơn vị này cung cấp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên 90% số hộ trên địa bàn xã được dùng nước sạch là điều khó khăn đối với địa phương. Bởi lẽ, mỗi hộ dân muốn được dùng nước sạch phải đóng góp 2,5 triệu đồng, trong khi đời sống của một bộ phận Nhân dân đang gặp khó khăn.

Cũng như Cẩm Tú, tại xã Phú Nghiêm (Quan Hóa), tiêu chí có hệ thống nước sinh hoạt và tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch đang là nút thắt khiến hành trình về đích NTM nâng cao vào cuối năm 2021 trở nên khó khăn hơn. Tìm hiểu được biết, hiện trên địa bàn huyện Quan Hóa chưa có nhà máy nước sạch tập trung. Vì vậy, để xã Phú Nghiêm xây dựng được hệ thống nước sinh hoạt tập trung để cấp nước sạch cho các hộ dân trên địa bàn nằm ngoài khả năng của địa phương.

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghiêm, cho biết: Điều kiện sinh sống của người dân còn gặp khó nên việc vận động, kêu gọi các nguồn lực để xây dựng công trình rất nan giải, trong khi nguồn vốn để xây dựng nhà máy nước rất lớn. Vì vậy, để đạt tiêu chí này và về đích NTM nâng cao đúng hẹn, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan và sự chung tay của cộng đồng.

Nhiều xã miền núi gặp khó ở tiêu chí 13.1Bà Nguyễn Thị Sơn, thôn Yên Trung, xã Yên Thọ (Như Thanh) đã đóng góp 6 triệu đồng để lắp đặt hệ thống nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Yên Thọ (Như Thanh) đã và đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, phấn đấu cuối năm 2021 đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện cấp ủy, chính quyền xã Yên Thọ đang loay hoay tìm hướng giải “bài toán” nước sạch để đạt tiêu chí số 13.1. Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Dự án lắp đặt hệ thống nước sạch xã Yên Thọ có tổng mức đầu tư 30,5 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp là 20,5 tỷ đồng, số còn lại do Nhân dân sẽ góp vốn cùng doanh nghiệp, trung bình mỗi hộ góp 6 triệu đồng. Để giảm bớt gánh nặng cho Nhân dân, xã Yên Thọ hỗ trợ 2,5 triệu đồng/hộ. Nhưng với mức đóng góp 3,5 triệu đồng/hộ, nhiều hộ dân cũng chưa đồng ý. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Yên Thọ đang nỗ lực vận động, tuyên truyền Nhân dân cùng chung sức, nỗ lực vượt khó để hoàn thành tiêu chí số 13.1.

Ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết: Xây dựng NTM nâng cao ở Như Thanh đang gặp khó bởi tiêu chí có hệ thống nước sinh hoạt tập trung. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Như Thanh phấn đấu 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, qua khảo sát thực tế cho thấy, các xã gặp khó khăn khi thực hiện tiêu chí này. Hiện huyện Như Thanh mới chỉ có một nhà máy nước đứng chân ở thị trấn Bến Sung, trong khi đó có nhiều xã cách trung tâm huyện vài chục cây số, nguồn vốn đầu xây dựng hệ thống nước sạch rất lớn.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025, khu vực miền núi có 17 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, riêng trong năm 2021 có 4 xã sẽ về đích. Qua khảo sát cho thấy, những năm qua, từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân ở miền núi được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, các công trình cấp nước sinh hoạt này đa phần chỉ đáp ứng về nước hợp vệ sinh, còn tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch rất thấp. Đây chính là “rào cản” đối với các xã ở miền núi khi tiến hành xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Đỗ Doãn Thành, Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Hiện nay, 11 huyện miền núi mới chỉ có 6 huyện có nhà máy nước sạch (Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân), trong khi đó, các nhà máy nước mới chỉ cung cấp nước cho các hộ dân ở thị trấn và một bộ phận nhỏ hộ dân ở vùng lân cận thị trấn. Vì vậy, khi triển khai xây dựng NTM nâng cao nhiều xã ở khu vực miền núi gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí về nước sạch.

“Để tiêu chí nước sạch không trở thành rào cản trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, ngoài sự cố gắng của từng địa phương, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, các huyện, nhất là trong việc bố trí nguồn vốn kịp thời để xây dựng, hoàn thiện các trạm cấp nước đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, các xã cần chủ động thực hiện xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch, không chỉ trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên. Ngoài ra, các huyện cũng cần chủ động kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch. Làm được điều này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các xã hoàn thành tiêu chí nước sạch trong tiêu chí số 13 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn”, ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]