(vhds.baothanhhoa.vn) - Tháng 7 về trong những xúc cảm thiêng liêng kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tôi nhớ bà nội mình - nhớ câu chuyện bà thường nhắc - nhớ những ngày 27-7 cùng bà đã qua…

Nhớ những ngày 27-7 cùng nội…

Tháng 7 về trong những xúc cảm thiêng liêng kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tôi nhớ bà nội mình - nhớ câu chuyện bà thường nhắc - nhớ những ngày 27-7 cùng bà đã qua…

Nhớ những ngày 27-7 cùng nội…

Trong kí ức của mình ngày còn nhỏ xíu, 27-7 là một ngày “giỗ đặc biệt”. Ngày mà trên ban thờ nhà bà nội luôn đượm khói hương. Và nội tôi, thường nhắc về người chú chưa từng biết mặt của chúng tôi qua kẽ mắt rỉ nước.

“Chú Luật của các cháu học giỏi lắm, thường cắt tóc đầu đinh gọn gàng, lại đẹp trai nhất nhà"…

Tôi không biết chú Luật. Trong tâm trí mình chú chỉ là di ảnh đen trắng phủ màu trên ban thờ nhà nội, hay đó là “chàng trai” tuổi 20 trong những lời kể của nội nữa. Nhưng có một điều chắc chắn, chú Luật của chúng tôi là một chàng trai xuất sắc.

Không xuất sắc sao được khi năm 1972 chú đã thi đỗ Đại học Y Hà Nội. Nhưng chú tôi chưa từng một ngày được đến giảng đường. Cầm giấy báo đỗ xong, niềm vui chưa được bao lâu cũng là lúc chú nhận được thông báo lên đường nhập ngũ. Mọi ước vọng được “xếp” lại với hi vọng đất nước hòa bình chú nhất định sẽ đi học trở lại để làm bác sĩ.

Sau gần một năm huấn luyện tại đơn vị ngoài phía Bắc, chú được về phép một thời gian, chuẩn bị cho một “chuyến đi dài”. Đó là những ngày tháng Chạp rét căm căm. Quê tôi bên bờ sông Mã, chuyện đàn ông con trai biết bơi vốn dĩ lẽ thường. Vậy nhưng, về phép chỉ được mươi hôm, thay vì nghỉ ngơi, sáng sớm và chiều muộn, ngày hai lần chú bơi sang sông, bên kia làng Ngói như người… đi thể dục. Nội tôi xót con vẫn thường khuyên can. Về sau mới biết đó là nhiệm vụ của chú. Chú được huấn luyện làm bộ đội đặc công nước.

Hết phép, trên triền đê sông quê đầu xuân năm 1973, bà nội, mẹ tôi và hai cô em gái bịn rịn chia tay chú lên đường cùng đơn vị vào phía Nam của Tổ quốc làm nhiệm vụ.

Mẹ tôi kể lại, trước đó 2 năm bố tôi cũng đã nhập ngũ, nên nhà toàn đàn bà, con gái. Lời cuối chú nói với mẹ tôi khi ấy là: “Chị ở nhà chăm sóc mẹ thay em, hết chiến tranh em về đi học làm bác sĩ, nhất định đền đáp ơn chị”.

Vậy nhưng, mọi ước vọng của chú tôi - chàng trai tuổi đôi mươi khi ấy mãi mãi phải dừng lại. Chú vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường Miền Nam khi đất nước còn chưa thống nhất. Nhận được giấy báo tử đơn vị gửi về, nội tôi không gào khóc mà im lặng. Một sự im lặng đau đớn.

Sau ngày Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, bố tôi trở về với vết thương trên vai trái và một mảnh đạn vẫn nằm im trong đó. Nội tôi khi ấy mới dần “hồi sinh”. Chí ít chiến tranh đã không cướp đi của bà cả hai người con trai. Tôi sinh ra sau ngày giải phóng, vậy nên câu chuyện về chú Luật, về nỗi đau mất mát mà gia đình và nội tôi phải trải qua, đều do mẹ và bà nội kể lại.

Còn nội tôi, mỗi lần nhắc đến chú Luật, bà luôn bảo chú là một chàng trai xuất sắc. Nội muốn chúng tôi nhớ về chú - như một niềm tự hào của gia đình. Nhưng tôi biết, có một “vết thương” vẫn âm thầm nhức nhối trong lòng người mẹ có con hi sinh: Gia đình tôi không biết chú mất ngày nào, hài cốt cũng chưa được tìm thấy. Mòn mỏi từng năm sau ngày giải phóng, nội tôi chờ đợi, hi vọng có thể tìm thấy mộ phần của con trai. Vậy nhưng điều đó chưa thành hiện thực.

Những ngày 27-7, ban thờ gia đình tôi luôn đượm khói hương. Bên cạnh di ảnh ông nội là ảnh chú Luật được vẽ lại bằng tay. Nội bảo đây là ngày “giỗ bù” cho chú các cháu. Nghe thật xót xa!

Theo năm tháng, nội tôi cũng già đi, tóc bạc, tay run, không thể tự mình châm hương trên ban thờ mỗi ngày 27-7. Nội bảo, cuộc đời bà chẳng có ước vọng gì lớn lao, “chỉ ước chú các cháu"… Câu nói vẫn thường bị bà bỏ lửng như vậy. Tôi biết, bà luôn mong có một ngày tìm được hài cốt của con trai.

Nhưng đến cả khi nội tôi qua đời, ước nguyện ấy cũng không thể thành sự thật. Chiến tranh đã lùi xa, hi vọng nếu có thể tìm thấy mộ phần của chú Luật, có chăng chính là phép nhiệm mầu!

Tôi hiểu, sự mất mát của gia đình, hi sinh của chú Luật, hay một phần xương máu bố tôi đã để lại ở chiến trường chỉ là phần rất nhỏ trong vô vàn hi sinh, mất mát mà dân tộc ta đã phải “đánh đổi” để có ngày hôm nay. Và chú Luật tôi, cũng chỉ là một trong hàng trăm nghìn liệt sĩ đã ngã xuống đất mẹ nhưng hài cốt chưa được tìm thấy. Thấu hiểu điều đó, để luôn nhắc nhớ bản thân về hai từ trân trọng và biết ơn.

Trong ngày cả nước tri ân các liệt sĩ, thương binh, người có công, sau bố, tôi lặng lẽ thắp thêm lên bát hương trên ban thờ của gia đình nén tâm hương tưởng nhớ người chú đã khuất.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]