(vhds.baothanhhoa.vn) - Không kể ngày và đêm, mưa gió hay nóng nực, hình ảnh những công nhân môi trường, hay thường được gọi là công nhân quét rác, như những chú ong thợ chăm chỉ hăng say, cần mẫn làm sạch phố phường, để mỗi sáng thức dậy, người dân lại thấy phố xá gọn gàng hơn, đẹp đẽ hơn.

Nhọc nhằn tiếng “chổi tre”

Không kể ngày và đêm, mưa gió hay nóng nực, hình ảnh những công nhân môi trường, hay thường được gọi là công nhân quét rác, như những chú ong thợ chăm chỉ hăng say, cần mẫn làm sạch phố phường, để mỗi sáng thức dậy, người dân lại thấy phố xá gọn gàng hơn, đẹp đẽ hơn.

Nhọc nhằn tiếng “chổi tre”Phút nghỉ giải lao của công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn.

Những ngày này, thành phố du lịch biển Sầm Sơn thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, đồng nghĩa lượng rác sinh hoạt thải ra hàng ngày cũng rất lớn. Thời gian cao điểm đón khách dịp hè, trung bình mỗi ngày Công ty CP Môi trường Đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn thu gom từ 150 – 160 tấn rác thải. Chưa kể, những tháng mùa mưa, lượng rác thải phát sinh trôi dạt vào bờ biển có thể lên tới hàng nghìn tấn. Thời điểm này, công việc của công nhân vệ sinh môi trường tại đây tăng lên gấp hai, gấp ba lần bình thường. Để hoàn thành công việc, họ phải làm ngày, làm đêm mới kịp.

Theo chân chị Nguyễn Thị Duyên, mới thấy hết được sự nhọc nhằn, vất vả của công nhân môi trường. Đã gần 20 năm làm nghề quét, thu gom rác, bản thân chị Duyên cũng không thể nghĩ rằng mình có thể bám trụ với cái nghề mà nhiều người nhìn nhận với con mắt xem thường này lâu đến vậy. Có lẽ, do cuộc sống mưu sinh “cơm, áo, gạo, tiền”, xa hơn nữa bởi ý nghĩa mang lại cho xã hội rất lớn đã thôi thúc người phụ nữ ấy luôn hăng say, miệt mài với công việc mình chọn lựa. Thấm những giọt mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, đen sạm bởi nắng mưa, chị tâm sự: "Nghề quét rác không phải cứ đi làm thật sớm thì về nghỉ sớm mà nó đều có ca cố định. Có những ca trưa, trời nắng anh chị em phải vừa làm vừa nghỉ mới có sức làm tiếp. Hơn nữa, cái nghề vốn đã nặng nhọc, hằng ngày còn phải tiếp xúc với mùi hôi tanh của rác, bụi bẩn của đường phố. Thế nên, phải có sức khỏe tốt, sự kiên trì chịu đựng mới có thể theo nghề.

Đi dọc đường Hồ Xuân Hương (TP Sầm Sơn) cứ cách khoảng 500m, chúng tôi lại bắt gặp một tốp công nhân môi trường tay cầm chổi cặm cụi, lúi húi nhặt nhạnh, quét dọn từng cọng rác. Cái nắng oi ả của mùa hè khiến nhiệt độ ngoài trời tăng cao, càng về trưa hơi nóng hầm hập bốc lên từ con đường nhựa tỏa ngược khiến việc quét dọn của công nhân môi trường trở nên khó nhọc hơn. Dẫu vậy, họ vẫn lặng lẽ, âm thầm với công việc của mình bất chấp nhiệt độ, thời tiết, thời gian cùng những bữa ăn tạm bợ, không có giấc ngủ trưa ngon lành, thức khuya dậy sớm… Theo quy định với công nhân quét rác, họ làm việc theo ca kíp, hầu như không có ngày nghỉ, đặc biệt trong những ngày lễ, tết, lượng rác thải lại càng nhiều nên càng vất vả hơn và phải tăng giờ làm để xong công việc mới được về nhà.

Nhọc nhằn tiếng “chổi tre”Công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn miệt mài với công việc.

Đã hơn 25 năm làm nghề quét dọn rác, chị Nguyễn Thị Liên, công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn vẫn miệt mài làm việc, phấn đấu hoàn thành mọi công việc được giao. Chị bộc bạch: "Khổ nhất là những ngày mưa bão, đường ngập nước, ngập rác, xe cộ đi lại qua vũng nước bắn tung tóe, làm ướt sũng cả người. Chưa kể, nhiều đêm quét rác trên đường, gặp mấy anh thanh niên nồng nặc mùi rượu đi xe đánh võng, rồi thêm một số đối tượng nghiện hút quấy rối. Cái nghề nó vất vả là vậy, nhưng giờ cao tuổi rồi, chuyển sang việc khác rất khó.

Bà Tống Thị Thọ, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, cho biết: Công nhân làm việc ở công ty chủ yếu về lĩnh vực môi trường, như: Quét, thu gom và theo xe cẩu vận chuyển rác đi xử lý, chiếm 65% là lao động nữ. Do làm việc trong môi trường ảnh hưởng bởi khí thải độc hại, họ thường mắc một số bệnh về đường hô hấp, xương khớp. Hơn nữa, do đặc thù thời gian công việc, nhất là về đêm nên công nhân môi trường dễ gặp nguy hiểm, nguy cơ bị tai nạn do các phương tiện giao thông gây ra và bị hành hung ở ngoài đường là rất lớn. Để chăm lo cho công nhân, hàng năm công ty tiến hành 2 đợt khám, chữa bệnh, trang bị khẩu trang, ủng chuyên dụng cho công nhân, quan tâm, hỗ trợ về mặt vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời, phân bổ, sắp xếp thời gian công việc phù hợp cho từng độ tuổi lao động nhằm hạn chế rủi ro về sức khỏe…

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]