(vhds.baothanhhoa.vn) - Lao động hăng say, sẵn sàng cống hiến, trở thành tấm gương lao động, sản xuất, làm kinh tế giỏi và miệt mài gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống... họ là những gương sáng người cao tuổi điển hình để con cháu noi theo, cộng đồng cảm mến.

Những “bóng cả” mẫu mực

Lao động hăng say, sẵn sàng cống hiến, trở thành tấm gương lao động, sản xuất, làm kinh tế giỏi và miệt mài gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống... họ là những gương sáng người cao tuổi điển hình để con cháu noi theo, cộng đồng cảm mến.

Những “bóng cả” mẫu mựcSau 7 năm nỗ lực, lão nông Mai Xuân Thịnh đã khai phá để đất hoang hóa “nở hoa”.

Chuyện ông Mai Xuân Thịnh làm kinh tế

Về thôn Cầu, xã Phong Lộc (Hậu Lộc), hỏi thăm trang trại của gia đình ông Mai Xuân Thịnh, người làng ai cũng biết. Không chỉ biết, người dân còn dành cho ông sự khâm phục về hành trình “nở hoa” trên vùng đất hoang hóa lâu năm.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại tổng hợp của gia đình, ông Mai Xuân Thịnh, 74 tuổi với hơn 50 năm tuổi Đảng, chia sẻ về cuộc đời, cùng hành trình làm kinh tế khi tuổi đã “xế chiều”. Cũng như bao trai tráng trong cả nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1968, chàng trai Mai Xuân Thịnh nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Sau 6 năm tại chiến trường, năm 1974 thì xuất ngũ, về lại địa phương, được tín nhiệm làm công tác Đảng, chủ nhiệm HTX, chủ tịch UBND xã. Năm 1994, sau khi nghỉ công tác chính quyền, ông Mai Xuân Thịnh có 10 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, rồi lại 10 năm làm Chủ tịch Hội người cao tuổi xã... Thấm thoắt như vậy, cho đến năm 2014, ông Mai Xuân Thịnh mới chính thức nghỉ mọi công việc xã hội với mong muốn có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn.

Vậy nhưng, bản chất “hay lam hay làm” cộng với kinh nghiệm lao động sản xuất tích lũy nhiều năm khiến ông không thể ngồi yên một chỗ để “an hưởng” tuổi già. Sau nhiều suy nghĩ, năm 2016, ông Mai Xuân Thịnh quyết tâm làm trang trại tại quê nhà, ông tin mình còn sức khỏe, còn ý chí, sẽ làm được. Và vùng đất ông nghĩ đến đầu tiên trong đầu là khu đồng Bái U cách xa khu dân cư, hoang hóa suốt bao năm. Thật may, ý tưởng của lão nông được gia đình, con cái đồng thuận và ủng hộ. Ông Mai Xuân Thịnh nhớ lại: “Cách đây 7 năm về trước toàn bộ khu trang trại rộng 2 ha này ngoài cỏ dại thì chỉ có duy nhất 2 cây tràm sống được. Lúc đó, quả thực cũng có chút lo lắng. Tuy nhiên, sau khi thống nhất cả gia đình, tôi quyết tâm làm đơn gửi các cấp chính quyền để xin “thầu” đất làm trang trại tổng hợp. Vừa đào ao thả cá, trồng dừa, bưởi, mít, nuôi lợn, bò, gà... với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Đến ngày hôm nay, không phụ sức người, đất hoang hóa đã thực sự “nở hoa” rồi”.

Cũng theo chia sẻ của lão nông Mai Xuân Thịnh, đến thời điểm hiện tại, tổng chi phí ông đầu tư vào trang trại tổng hợp của gia đình đã lên đến 6 tỷ đồng. “Tôi không đầu tư một lúc bởi không có tiền và cũng không dám mạo hiểm, cứ từng bước, làm đến đâu chắc đến đó, lại được ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Vì thế nên đã kiên trì đầu tư bài bản, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Làm trang trại, chăn nuôi vốn nhiều rủi ro, khó nói trước. Tuy nhiên, khi mình làm khoa học, chú ý đến mọi vấn đề về quy trình, kỹ thuật thì sẽ hạn chế được tối đa rủi ro”.

Người cao tuổi vẫn được ví như “cây cao bóng cả”, là “kho” tri thức, kinh nghiệm sống quý báu... Và cùng với đó, khi người ta về già, sẽ là những vấn đề tuổi già phải đối mặt. Chăm lo, quan tâm, chăm sóc người cao tuổi là câu chuyện không chỉ của riêng mỗi gia đình, mà cả cộng đồng và xã hội.

Được biết, trang trại của ông Mai Xuân Thịnh tạo việc làm thường xuyên cho từ 3 - 5 lao động, với thu nhập bình quân đạt 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Sau những năm tháng vất vả khai phá đất hoang hóa làm trang trại, đến thời điểm hiện tại, theo chia sẻ của ông Mai Xuân Thịnh: “Mỗi năm trừ tất cả chi phí, trang trại của gia đình tôi thu về hơn 1 tỷ đồng”.

Từ việc phát triển kinh tế trang trại, gia đình ông Mai Xuân Thịnh cũng là điển hình tại địa phương trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ cộng đồng, hỗ trợ địa phương XDNTM.

Chia sẻ về quan niệm sống, cũng như việc dạy con cái, ông Mai Xuân Thịnh cho biết: “Gia đình tôi có 4 người con, các con mỗi người mỗi công việc. Tôi vẫn thường nói với các con, tất cả mọi thứ muốn có được, đều phải nỗ lực lao động mà ra. Trên đời này, vừa mặn, vừa quý chính là mồ hôi, công sức. Khi đồng tiền kiếm được từ nỗ lực lao động mà có thì chúng ta sẽ biết chi tiêu thế nào để hợp lý, hiệu quả”.

Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2023, lão nông Mai Xuân Thịnh là một trong những điển hình được Hội Người cao tuổi huyện Hậu Lộc cử đi tham dự Hội nghị Biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018-2023.

“Nghệ nhân” khèn bè trên đất Yên Nhân

Với người Thái huyện miền núi Thường Xuân, khặp (khắp) Thái là nét đẹp văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần người dân nơi đây. Tuy nhiên thực tế, những năm qua, cũng như nhiều loại hình văn hóa truyền thống, khặp Thái cũng đứng trước nguy cơ mai một. Việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy khặp Thái là yêu cầu được đặt ra.

Để tạo nên một bài khặp, cuộc khặp thì bên cạnh người nghệ nhân hát khặp, không thể thiếu tiếng khèn bè. Vậy nhưng ngày nay, người biết hát khặp vốn đã ít, người biết thổi khèn bè lại càng hiếm hoi hơn.

Những “bóng cả” mẫu mựcÔng Vi Quốc Tuyển (thứ 2 từ trái sang) trong một chương trình tập huấn phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện Thường Xuân (chương trình tập huấn diễn ra đầu năm 2023).

Và ông Vi Quốc Tuyển - người dân tộc Thái xã miền núi cao Yên Nhân là một trong những “nghệ nhân” khèn bè tiêu biểu trên địa bàn huyện miền núi Thường Xuân. Ông cũng là bậc cao niên có nhiều đóng góp trong công tác gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy khèn bè, khặp Thái đến thế hệ trẻ suốt nhiều năm qua.

Trao đổi với ông Vi Quốc Tuyển, tôi biết thêm nhiều điều thú vị. Ở tuổi tròn 70, ông đã có thâm niên 50 năm học và chơi khèn bè, tiếng khèn bè gắn bó với ông như từng “nhịp thở”. “Người Thái chơi khèn bè cũng như người dưới xuôi chơi các loại nhạc cụ, trước hết phải có năng khiếu âm nhạc nhất định. Muốn hát khặp thì không thể thiếu khèn bè, tiếng khèn bè là “nền” âm nhạc cho những bài khặp cất lên, những buổi khặp muốn kéo dài thì đâu thể thiếu người thổi khèn hay. Người Thái thường khặp trong những dịp vui, lễ tết, ngày hội... Nghe tiếng khèn, hiểu bài khặp là phần nào hiểu được tâm tình của người Thái”, nghệ nhân khèn bè Vi Quốc Tuyển chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của người nghệ nhân già, học khèn bè không dễ, phải được truyền dạy trực tiếp, chỉ dạy từng chút. Vậy nhưng, gần 10 năm qua, dù Yên Nhân cách trung tâm huyện Thường Xuân 50 km song nghệ nhân khèn bè Vi Quốc Tuyển không ngần ngại những chuyến xuôi ngược tham gia các lớp truyền dạy thổi khèn bè, hát khặp Thái cho người dân ở các xã, thôn, bản. Đánh giá về những đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện Thường Xuân của ông Vi Quốc Tuyển, ông Đỗ Doãn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân, cho biết: “Dù tuổi đã cao, đường sá đi lại xa xôi song ông Vi Quốc Tuyển luôn nhiệt tình trong những hoạt động văn hóa vì cộng đồng. Với tình yêu, say mê dành cho văn hóa truyền thống, ông đã “giữ lửa” và “truyền lửa” văn hóa dân tộc đến những thế hệ kế cận”.

Để việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống được duy trì, phát huy hiệu quả, ông Vi Quốc Tuyển hiện là Phó chủ nhiệm CLB văn hóa dân tộc xã Yên Nhân, đảm nhận việc truyền dạy khèn bè, dạy hát khặp cho các bạn nhỏ, với tâm niệm: “Tôi cứ kiên trì làm, từng chút một, hy vọng sẽ truyền lửa văn hóa dân tộc đến thế hệ con cháu”.

Ông Mai Xuân Thịnh, Vi Quốc Tuyển... chỉ là hai trong số hàng trăm, hàng ngàn gương người cao tuổi mẫu mực ở khắp mọi miền quê Thanh. Những bậc cao niên “tuổi cao chí càng cao”, vẫn đang từng ngày góp sức cho sự phát triển quê hương giàu mạnh.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]