(vhds.baothanhhoa.vn) - Dẫu con đường có xa xôi, dẫu cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn nhưng cũng không ngăn được bước chân đến trường “đi tìm con chữ” của học sinh vùng cao xứ Thanh. Bởi, dưới mái trường thân yêu, các em được học tập, rèn luyện và chắp cánh vươn đến những ước mơ.

Những bước chân đến trường của học sinh vùng cao

Dẫu con đường có xa xôi, dẫu cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn nhưng cũng không ngăn được bước chân đến trường “đi tìm con chữ” của học sinh vùng cao xứ Thanh. Bởi, dưới mái trường thân yêu, các em được học tập, rèn luyện và chắp cánh vươn đến những ước mơ.

Những bước chân đến trường của học sinh vùng caoĐại diện Đoàn Thanh niên Báo Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Bát Mọt (Thường Xuân) và các nhà tài trợ tặng quà và học bổng cho các em học sinh.

Vượt khó tìm con chữ

Hàng ngày, cô học trò nhỏ Lương Thị Ngân, dân tộc Thái, thôn Ruộng, xã vùng biên Bát Mọt, huyện Thường Xuân dậy thật sớm chuẩn bị quần áo, đồ dùng, sách vở để đến trường. Lương Thị Ngân là học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Bát Mọt. Ngôi trường nơi Ngân theo học nằm ở trung tâm xã, vì vậy hàng ngày em phải dậy từ 6 giờ sáng, vượt qua chặng đường hơn 5 km để đến trường. Bố em là Lương Văn Toàn, đã đồng hành cùng em trên hành trình đến lớp, đến trường. Một tuần, Ngân có 3 ngày phải học 2 buổi trên trường. Nếu buổi trưa không kịp về nhà, em ở lại trường ăn tạm bánh mì hoặc cơm ngoài quán để kịp giờ lên lớp. Anh Lương Văn Toàn cho biết: “Gia đình tôi có 2 con nhỏ, một cháu học tiểu học và một cháu học mầm non. Cả hai vợ chồng đều làm ruộng, hàng ngày, gia đình thu xếp công việc để đưa đón các con đến trường. Thương nhất vào mùa mưa hoặc thời tiết giá rét, con gái Lương Thị Ngân phải đi học sớm, tuy nhiên bố mẹ luôn động viên con cố gắng học tập chăm chỉ, ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô”.

Cũng như Lương Thị Ngân, em Lò Văn Tùng, thôn Khẹo, xã Bát Mọt hiện là học sinh lớp 7B, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bát Mọt hàng ngày vượt suối, đi qua những chặng đường khó để đến trường. Tùng kể rằng: Hàng ngày em dậy sớm để chuẩn bị đồ dùng đến trường. Nếu hôm nào trời mưa, suối chảy xiết, em và các bạn phải đi đường tắt qua đường vành đai biên giới, xa hơn một chút nhưng an toàn hơn. Không chỉ được đến trường học con chữ, em còn được nhà nước hỗ trợ tiền ăn bán trú, tiền gạo, hỗ trợ học phí nên rất yên tâm đến trường.

Đứng chân trên địa bàn xã biên giới Bát Mọt (Thường Xuân), Đồn Biên phòng Bát Mọt được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 17,492 km đường biên giới, với 7 cột mốc và 2 mốc tiếp giáp, có cặp cửa khẩu phụ Khẹo – Thà Láu nằm trên Quốc lộ 47 tiếp giáp với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Dân số toàn xã là 887hộ/3.962 khẩu gồm 3 dân tộc sinh sống là Kinh, Thái, Mường, trong đó dân tộc Thái chiếm 98,6%. Đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức về việc học tập và hướng nghiệp cho con em còn hạn chế. Nhận rõ trách nhiệm và mong muốn được góp một phần công sức để chia sẻ khó khăn, giúp đỡ học sinh yên tâm đến trường, trong những năm qua, Đồn Biên phòng Bát Mọt đã đồng hành với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn, thông qua chương trình, mô hình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”...

Vừa qua, Đồn Biên phòng Bát Mọt phối hợp Đoàn Thanh niên Báo Thanh Hóa và các nhà tài trợ đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Cùng học sinh vùng cao tới trường” năm 2023. Chương trình đã trao 26 suất quà cho 26 em nhỏ thuộc chương trình, mô hình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng” của Đồn Biên phòng Bát Mọt và trao 26 suất học bổng (mỗi học bổng trị giá 500 nghìn đồng) cho 26 em nhỏ thuộc chương trình, mô hình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng” của Đồn Biên phòng Bát Mọt. Ngoài các suất quà, học bổng của các nhà tài trợ, Đồn Biên phòng Bát Mọt cũng đã trao tặng các suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Cô học trò Lương Thị Ngân và cậu học trò Lò Văn Tùng là những học sinh có mặt tại chương trình thiện nguyện. Các em được trao tặng những phần quà, suất học bổng từ chương trình “Nâng bước em đến trường”. Nhận phần quà trên tay, Lương Thị Ngân nở nụ cười tươi, xúc động chia sẻ: “Em cảm ơn món quà mà các chú bộ đội, các nhà tài trợ đã trao tặng”.

Cùng học sinh vùng cao tới trường

Thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn, vất vả của các em học sinh trên địa bàn huyện Mường Lát, cô Phạm Thanh Huyền, giáo viên đang công tác tại một trường học trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện - hiến máu Ngọc Lặc đã đứng ra kêu gọi và phối hợp với Huyện đoàn Mường Lát, Đoàn khối Ngân hàng TP Hồ Chí Minh thực hiện dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát”. Dự án được triển khai từ tháng 9/2022 tại 3 điểm trường là điểm Ón mầm non, Trường Mầm non Tam Chung và điểm Ón, điểm Lát Trường Tiểu học Tam Chung, với tổng số 70 em học sinh được hỗ trợ nuôi cơm bán trú. Đến nay, dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” đã lan tỏa đến 10 điểm trường với 498 học sinh được hỗ trợ nuôi cơm bán trú, từ sự hỗ trợ của các “bố mẹ nuôi” mà dự án kêu gọi, vận động hỗ trợ, cùng đồng hành. Để dự án lan tỏa, để có nhiều em học sinh được hỗ trợ nuôi cơm bán trú, khắc phục được chặng đường đi học xa nhà, những bữa ăn vội của các em chính là từ sự nỗ lực quyết tâm của những thành viên dự án và sự sôi nổi, nhiệt tình của những tình nguyện viên. Hơn hết, ở những điểm trường đang thực hiện bữa ăn bán trú của dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” đó chính là tình yêu nghề, yêu các em học sinh vùng cao của những thầy giáo, cô giáo ở các điểm trường, các trường học. Bởi, ngoài thời gian lên lớp dạy học, các thầy cô còn tận dụng khoảng thời gian để nấu những bữa cơm cho các em, ổn định nơi ăn nghỉ cho các em, cho bước chân đến trường của các em thêm vững. Khó có thể nói hết thành lời, sự đóng góp của những tấm lòng thiện nguyện, của các thầy cô giáo, của cả cộng đồng dành cho các em học sinh vùng cao.

Những bước chân đến trường của học sinh vùng caoCác em học sinh điểm trường Nà Ón, Trường Tiểu học Trung Lý 1, xã Trung Lý (Mường Lát).

Cùng với sự đồng hành của những tổ chức, cá nhân, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách dành cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ giáo dục đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc kịp thời của các sở, ban, ngành trong triển khai thực hiện. Từ đó đã tạo điều kiện cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số nhà xa trường, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn có điều kiện được ăn, ở, tham gia học tập tại trường, khắc phục dần tình trạng học sinh bỏ học, góp phần quan trọng vào việc củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách về giáo dục, đào tạo và chất lượng cuộc sống giữa các vùng, các địa phương.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]