(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày phong tỏa, cách ly, ấm thêm tình làng, nghĩa xóm. Cán bộ thôn kêu gọi con em xa quê hỗ trợ cho bà con nơi quê nhà. Cán bộ thôn đi chợ, trong vai "shipper", tiếp tế hàng cho bà con... Đa năng, đa việc, những người “vác tù và hàng tổng” trong đại dịch, một lần nữa lại được gọi tên.

Những “chiến binh” không mỏi: Hậu cần của làng

Những ngày phong tỏa, cách ly, ấm thêm tình làng, nghĩa xóm. Cán bộ thôn kêu gọi con em xa quê hỗ trợ cho bà con nơi quê nhà. Cán bộ thôn đi chợ, trong vai “shipper”, tiếp tế hàng cho bà con... Đa năng, đa việc, những người “vác tù và hàng tổng” trong đại dịch, một lần nữa lại được gọi tên.

Những “chiến binh” không mỏi: Hậu cần của làngBí thư Chi bộ Lê Thị Vòng (ngoài cùng bên trái) cùng Tổ phòng, chống Covid-19 thôn Bất Căng 1, xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) chuẩn bị nhu yếu phẩm cho bà con trong khu phong tỏa. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chỉ mong bà con được ấm lòng

“Có thể kinh tế bà con chưa đến nỗi khó khăn, nhưng trong vùng phong tỏa, có một chút cũng thấy ấm lòng”. Đó là lời của ông Nguyễn Bá Công, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 3, thị trấn Nưa (Triệu Sơn) nhắn nhủ tới 80/160 hộ dân khi thực hiện cách ly 14 ngày (từ 4-12 đến 18-12-2021).

Trước đó, vào ngày 4-12, Tổ dân phố 3 có 4 ca dương tính với SARS-CoV-2. Hơn nửa tháng sau phong tỏa, ông Nguyễn Bá Công vẫn chưa hết bồi hồi. Ông nói: “Khi trên địa bàn có ca F0, Ban Chỉ đạo thị trấn Nưa phối hợp với Tổ dân phố 3 khẩn trương truy vết các F, khoanh vùng, dập dịch. Bị bất ngờ nên bà con không chuẩn bị được gì. Có những nhà hàng tấn lúa nhưng không xát được gạo ăn, thức ăn cũng không mua được... Với trách nhiệm của những người đứng đầu, tôi và đồng chí Tổ trưởng tổ dân phố cùng các đoàn thể, tập trung mua bán, vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm vào cho bà con”.

Để có nguồn lương thực hỗ trợ bà con vùng phong tỏa, Bí thư Chi bộ Nguyễn Bá Công đồng thời là Trưởng ban Công tác mặt trận Tổ dân phố 3 đã phát động kêu gọi sự hỗ trợ của con em xa quê. Sau 3 ngày, đã nhận số tiền ủng hộ gần 20 triệu đồng, dùng để mua mì tôm, gạo, dầu ăn..., tiếp tế cho 80 hộ dân khu vực bị phong tỏa.

Thôn Bất Căng 1, xã Xuân Hồng (Thọ Xuân), trong 7 ngày phong tỏa, Bí thư Chi bộ, bà Lê Thị Vòng là người đầu tiên đã lên ý tưởng kêu gọi con em xa quê hỗ trợ người dân trong thôn. Trong 3 ngày, đã nhận được sự ủng hộ cả tiền và hiện vật trị giá 47 triệu đồng. Theo chia sẻ của bà Vòng, 180 hộ dân trong khu vực phong tỏa đều được nhận sự hỗ trợ. “Ngoài lương thực, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, chúng tôi còn dành một phần quà thăm hỏi cho những hộ có F0, F1 với giá trị từ 200 nghìn - 500 nghìn đồng/hộ. Thời gian phong tỏa thì ngắn, công việc thôn lại nhiều, nhưng chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm với Nhân dân, không ai bị bỏ rơi trong lúc khó khăn”, Bí thư Chi bộ Lê Thị Vòng cho biết. Còn theo ông Lê Bá Oánh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng: “Đây là thôn luôn làm tốt các công việc liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Rất nhiều ý tưởng của các đồng chí cán bộ thôn đã được triển khai, thực hiện có hiệu quả và đã được nhân rộng tại các thôn khác”.

Những "shipper" bất đắc dĩ

Sau gần 2 tháng gỡ phong tỏa, nhưng ông Phạm Xuân Giáo, Trưởng thôn Kim-Phú-Na, xã Hà Ngọc (Hà Trung) vẫn nhớ mãi hình ảnh những ngày đầu thôn bị phong tỏa. Khi đấy ông trong vai trò “shipper”, vận chuyển lương thực, thực phẩm đến tận nhà bà con trong thôn. “Đầu tiên, tôi đến từng hộ gia đình, thông báo cho mọi người, nếu có nhu cầu về đồ dùng sinh hoạt thì gọi điện cho người thân, mua hàng mang đến chốt, tôi sẽ là người trung chuyển, phát cho các hộ. Sau này, khi gỡ phong tỏa, mọi người vẫn quen gọi tôi là ông shipper”, ông Phạm Xuân Giáo nhớ lại.

Ở thôn Trung Tâm, xã Yên Mỹ (Nông Cống), nhắc đến bà Bùi Hương Lý, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, bà con đều bày tỏ sự tin tưởng, quý mến. Đó cũng là lý do, dù nhiều lần bà Lý xin “từ chức” nhưng bà con vẫn không cho nghỉ. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, bà luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, năng động, tạo uy tín, niềm tin với cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân. Người dân thôn Trung Tâm vẫn không quên được hình ảnh bà Bùi Hương Lý với chiếc xe kéo di động được gắn loa, đi khắp các ngõ xóm trong thôn để tuyên truyền công tác phòng, chống dịch.

Càng đặc biệt hơn, khi huyện Nông Cống thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (từ 25-8 đến 9-9-2021), bà Lý là người duy nhất trong thôn đi chợ mua lương thực, thực phẩm cho người dân. Chị Lê Thị Tuyến, công dân thôn Trung Tâm kể lại: “Còn nhớ hôm đấy trời mưa gió, trưởng thôn Lý treo 2 kg thịt, 2 kg miến trước cổng nhà tôi, sau đó gọi điện để tôi ra lấy. Đấy cũng là hình ảnh khiến tôi xúc động nhất trong những ngày cách ly”. Nhìn nhận về bà Lý, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Mỹ, ông Trần Văn Tuyên khẳng định: “Một bí thư, trưởng thôn mẫu mực, rất trách nhiệm, nghĩa tình, làm được, nói được”.

15 ngày thực hiện cách ly, Tổ giám sát cộng đồng thôn Trung Tâm mới có 3 người, duy nhất Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn bà Bùi Hương Lý là nữ. Vì vậy, bà đảm nhiệm luôn vai trò hậu cần của thôn. Cứ đều đặn vào 5h sáng, bà lại đi mua đồ cho người dân. “Buổi chiều tối ngày hôm trước tôi đăng lên facebook của thôn, ai mua gì thì viết lên đấy. Sáng hôm sau, tôi có danh sách đi chợ. Tôi làm không nghĩ đến thiệt hơn, không lấy tiền công, xăng xe, chỉ suy nghĩ một điều, mong bà con cứ ở trong nhà an toàn, thật cần thiết mới phải ra ngoài”, bà Bùi Hương Lý bộc bạch.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]