(vhds.baothanhhoa.vn) - Vài ngày nay, trên nhiều mạng xã hội và một số đơn vị truyền thông ồn ào câu chuyện về mối quan hệ của một cô ca sĩ trẻ. Người đọc chờ đợi, tò mò những phản ứng của chủ nhân. Tuy nhiên, giữa ồn ào về con rể và cô ca sĩ nọ, bà mẹ vợ viết status nhấn mạnh những điều quan trọng, trong đó đặt ra câu hỏi để không chỉ con rể bà mà rất nhiều người trả lời hoặc ít nhất phải tự suy ngẫm: “Tôi muốn hỏi những người đàn ông, có ai đã tự rút ra những bài học cho chính mình để bảo vệ những đứa trẻ được quyền hưởng hạnh phúc?”.

Những đứa trẻ được quyền hưởng hạnh phúc

Vài ngày nay, trên nhiều mạng xã hội và một số đơn vị truyền thông ồn ào câu chuyện về mối quan hệ của một cô ca sĩ trẻ. Người đọc chờ đợi, tò mò những phản ứng của chủ nhân. Tuy nhiên, giữa ồn ào về con rể và cô ca sĩ nọ, bà mẹ vợ viết status nhấn mạnh những điều quan trọng, trong đó đặt ra câu hỏi để không chỉ con rể bà mà rất nhiều người trả lời hoặc ít nhất phải tự suy ngẫm: “Tôi muốn hỏi những người đàn ông, có ai đã tự rút ra những bài học cho chính mình để bảo vệ những đứa trẻ được quyền hưởng hạnh phúc?”.

Từ rất lâu rồi chúng ta chỉ bàn về việc trẻ nhỏ đang bị gánh nặng học hành, ít quan tâm chia sẻ với ông bà cha mẹ; mà quên đi việc làm sao người lớn thực hiện tốt chức năng bảo vệ những đứa trẻ.

Chúng ta không ai, không một trí tưởng tượng nào, không một bộ phim kinh dị nào có thể nghĩ ra được cảnh tra tấn cháu bé 3 tuổi bằng cách dùng búa đóng đinh lên đầu. Vậy mà một đứa trẻ sống ngay trong chính gia đình mình, ngay bên cạnh người thân của mình hết lần này đến lần khác bị hành hạ với những tiếng kêu khóc trong vô vọng.

Trước đó là vụ bé gái 8 tuổi tử vong khi nhập viện, trên người có nhiều vết thương. Người thực hiện hành vi dã man này lại chính là người tình của bố. Trong một lần dạy bé học, do bé làm sai bài, người tình của bố bé đã dùng gậy gỗ đánh bé.

Trẻ nhỏ vốn không có khả năng phản kháng, tự bảo vệ mình. Và bậc làm cha làm mẹ, nếu không bảo vệ, cho con cái được hạnh phúc thì cũng không được phép tước đi sự sống của lũ trẻ.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990. Vậy nhưng hơn 30 năm qua, chúng ta vẫn phải chứng kiến không ít vụ việc trẻ em bị đánh đập, bạo hành đến chết. Và rất nhiều trẻ nhỏ hiện đang chịu đựng những nỗi đau âm thầm, những giọt nước mắt, những xa lánh của bạn bè vì chính bố mẹ chúng.

Quay lại với câu chuyện đang ồn ào hiện nay. Khoan hãy nói về đúng sai, lỗi lầm của người lớn thì thương nhất là những đứa trẻ đang tuổi dậy thì, đã biết suy nghĩ, biết xấu hổ với bạn bè, thầy cô, và chắc chắn không chỉ giảm sút việc học hành mà còn ảnh hưởng đến việc hoàn thiện nhân cách.

Là vợ, là chồng họ cũng là cha, là mẹ. Hôn nhân không phải là chuyện của 2 người. Rồi sau khi bước qua “ranh giới” vùng cấm, sau những phút giây vui vẻ, những mong cầu bản năng... họ có trở về nhà trong trạng thái bình thường, có đủ tĩnh tâm để ôm những đứa trẻ vào lòng? Liệu họ phải giật mình tỉnh giấc bỏ đi niềm vui hôm nay để tránh cho con trẻ khỏi “sự ám ảnh” cả cuộc đời?.

Chúng ta vừa kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2022 với chủ đề: “Yêu thương và chia sẻ”. Nhưng trước khi có được hạnh phúc, chúng ta chỉ mong hai chữ “bình yên”. Khi gia đình bình yên thì con trẻ mới được bảo vệ, mới hồn nhiên cười vui vẻ, và người lớn chúng ta mới toàn tâm toàn ý trong việc xây dựng và giáo dục nhân cách và tri thức cho chính khúc ruột máu mủ của mình.

Cuộc sống vẫn cứ tiếp tục, dù cuộc đời và lòng người có đổi thay thì những người làm cha, làm mẹ cần hiểu trách nhiệm đầu tiên là phải bảo vệ được con cái mình.

HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]